Nhật Bản hỗ trợ xây dựng bảo lãnh tín dụng tại các nước ASEAN

Theo kinhtevadubao.vn

Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng và áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng. Đây là nỗ lực nhằm tạo thuận lợi huy động vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Đông Nam Á sau khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) có hiệu lực.

Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng và áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng. Nguồn: internet
Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng và áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng. Nguồn: internet

Sau khi các nước tham gia đàm phán TPP đạt được thỏa thuận cơ bản hồi tháng 10/2015, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã xây dựng chính sách thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này đẩy mạnh đầu tư và phát triển mạng lưới kinh doanh ra nước ngoài.Trong đó, ASEAN là khu vực kinh tế phát triển năng động và mạnh mẽ, do đó cũng là điểm đến mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản chọn để đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.Tuy nhiên, do quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu tại ASEAN còn chậm, nên một số nước trong khu vực vẫn chưa thể áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng.

Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp tháng 11/2015, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng theo từng giai đoạn.Trong năm 2016, các nước ASEAN và Nhật Bản sẽ hợp tác tiến hành điều tra tình hình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khối ASEAN.Cơ sở dữ liệu thông tin tài chính của các doanh nghiệp vừa nhỏ sẽ được hoàn thiện để hiệp hội bảo lãnh tín dụng và các cơ quan tài chính có thể đánh giá khách quan những rủi ro tín dụng sẽ là tiền đề thúc đẩy áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng.

Giai đoạn đầu, Nhật Bản sẽ cử các chuyên gia tới các nước ASEAN để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ hợp tác, hỗ trợ mở các nhóm nghiên cứu tại các nước.Mục tiêu của Nhật Bản là trong vài năm sẽ hoàn thiện chế độ bảo lãnh tín dụng tại ASEAN mà các các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có thể sử dụng.

Trong tương lai, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nỗ lực tạo môi trường cho phép toàn khu vực ASEAN có thể áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng tương tự như chế độ của Nhật Bản.

Bên cạnh hỗ trợ xây dựng bảo lãnh tín dụng, Nhật Bản cũng đã tích cực hợp tác với ASEAN trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và thiên tai thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để tăng cường năng lực của Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA Centre).

Hợp tác giữa hai bên cũng đã được tăng cường trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, năng lượng, y tế công cộng, văn hóa và kết nối con người.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 240,8 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 22,9 tỷ USD, trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ hai vào ASEAN, chiếm 18,7% tổng mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN.