Nhật Bản mạnh tay giảm giá đồng Yên

Theo VnEconomy

Đối mặt với nền kinh tế trì trệ suốt nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đang bắt tay vào một “canh bạc” đầy may rủi, trong đó có việc giảm giá đồng Yên để đem lại sức sống mới cho xuất khẩu.

Nhật Bản mạnh tay giảm giá đồng Yên
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tỷ giá đồng Yên có thể sẽ còn giảm sâu hơn trong năm nay
Theo trang CNNMoney, từ đầu tháng 10 tới nay, đồng Yên đã giảm giá hơn 14% so với đồng USD của Mỹ, trợ lực đáng kể cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản. Dữ liệu của hãng tin tài chính Bloomberg cho thấy, sáng nay (14/1), tỷ giá đồng Yên có lúc giảm còn 89,67 Yên/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 25/6/2010.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tỷ giá đồng Yên có thể sẽ còn giảm sâu hơn trong năm nay khi mà Thủ tướng Shinzo Abe gia tăng áp lực đối với Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) trong vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, Chính phủ của ông Abe cũng được cho là sẽ còn vay nợ thêm để bơm tiền vào nền kinh tế trì trệ, bất chấp “núi” nợ công của Nhật đã ở mức khổng lồ.

Chủ trương của ông Abe là vay nợ không giới hạn bằng con đường phát hành trái phiếu chính phủ và muốn BoJ tăng mục tiêu lạm phát lên mức 2%. Tuy nhiên, hiện còn chưa rõ BoJ, cơ quan có vai trò độc lập, sẽ tuân thủ theo những ý muốn của Thủ tướng.

“Chúng tôi rất kỳ vọng BoJ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ với một mục tiêu lạm phát cụ thể”, Chính phủ Nhật tuyên bố trong tuần trước khi đưa ra một gói kích thích tài khóa mới trị giá 117 triệu USD.

Về lý thuyết, đồng nội tệ yếu giúp hàng hóa của một quốc gia có giá rẻ hơn khi được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhờ đó hấp dẫn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn so với hàng đến từ các nước khác. Bởi vậy mà từng biến động nhỏ của tỷ giá đồng Yên đều có ảnh hưởng lớn đối với các nhà xuất khẩu của Nhật Bản.

Hãng xe Toyota, một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của Nhật, cho biết, tỷ giá đồng Yên so với USD chỉ tăng giảm khoảng 1 Yên, tức là hơn 1%, đã đủ để giúp lợi nhuận hoạt động của hãng này tăng hoặc giảm 397 triệu USD trong vòng 1 năm.

Đối với Nissan, mức biến động lợi nhuận với biến động tỷ giá như vậy là 227 triệu USD. Trong vòng 1 năm, với tỷ giá đồng Yên ở mức trên 89 Yên/USD như hiện nay thay vì mức 79,82 Yên/USD trung bình của năm 2012, lợi nhuận hoạt động của Nissan sẽ tăng 34%. Bởi thế mà các công ty Nhật muốn tỷ giá đồng Yên giảm thêm nữa.

“Từ lâu tôi đã nói rằng tỷ giá đồng Yên cao ngoài tầm kiểm soát”, Giám đốc điều hành (CEO) hãng Nissan, ông Carlos Ghosn, nói hồi tháng trước. Theo ông Ghosn, mức tỷ giá hợp lý để các nhà xuất khẩu Nhật làm ăn tốt là mức khoảng 100 Yên đổi 1 USD.

Mong ước của CEO hãng Nissan có thể sẽ không trở thành hiện thực. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tỷ giá đồng Yên sẽ còn giảm thêm trong ngắn hạn, nhưng có lẽ sẽ ổn định ở mức khoảng 90 Yên đổi 1 USD. Ngân hàng Citigroup dự báo, tỷ giá đồng Yên có thể giảm về mức 95 Yên/USD vào cuối năm 2013.

Một nhân tố lớn khác giúp kiểm soát sức mạnh của đồng Yên là việc Nhật Bản chuyển từ thặng dư thương mại dài hạn sang thâm hụt thương mại. Nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại của Nhật là thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân vào tháng 3/2011. Thảm họa này khiến xuất khẩu của Nhật giảm mạnh, trong khi nước này phải nhập khẩu thêm nhiều xăng dầu.

Đúng là trong cái rủi lại có cái may, đồng Yên khiến Nhật Bản mất nhiều tiền hơn cho hoạt động nhập khẩu, nhưng lại đem đến những lợi ích cho tăng trưởng kinh tế của nước này.

“Thật khó để nói mức tỷ giá nào là hợp lý”, ông Richard Koo, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, nhận xét. Ông Koo nhấn mạnh rằng, những quy tắc truyền thống không thể áp dụng vì tình hình kinh tế của Nhật Bản hiện nay là không bình thường.

Trong khi đó, ông Jesper Koll, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chứng khoán của ngân hàng JPMorgan tại Nhật, cho rằng, mức tỷ giá 90-95 Yên/USD là hợp lý. Dựa trên những nghiên cứu của ông Koll về mùa mua sắm năm nay ở Nhật, ông tin rằng mức tỷ giá như vậy phản ánh đúng về đồng giá sức mua.

Nhưng dù đồng Yên giảm giá có hỗ trợ cho xuất khẩu, thì Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một vấn đề cam go khác là kích thích nền kinh tế đã trì trệ từ lâu của nước này.

Theo ông Koo, cho dù Nhật Bản có nới lỏng chính sách tiền tệ tới đâu, thì khu vực kinh tế tư nhân vốn rất ngại vay nợ của nước này cũng vẫn không muốn gõ cửa ngân hàng. Đây là tình trạng cũng đang xảy ra ở Mỹ và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

Sau 15 năm làm việc chăm chỉ để trả nợ, các công ty của Nhật “không bao giờ muốn gặp các ông chủ ngân hàng nữa”, ông Koo nói. Cũng theo ông Koo, các chính sách như tín dụng thuế đầu tư và trợ cấp giảm giá sẽ là những cách thức tốt hơn để kích thích nền kinh tế.

Quan điểm của ông Koo cho rằng, chính sách nới lỏng hiện nay của Nhật có một số lợi ích ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, Nhật Bản cần thêm những cải cách mang tính cơ cấu. Chẳng hạn, để thu hút các doanh nghiệp tái đầu tư, Nhật cần cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí năng lượng và nới lỏng các quy định giám sát.