Nhật Bản thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2017

Theo TTXVN

Ngày 22/12, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục, trị giá 97.450 tỷ yen (831 tỷ USD) cho tài khóa 2017.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách 97.450 tỷ yen cho tài khóa 2017. Nguồn: internet.
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách 97.450 tỷ yen cho tài khóa 2017. Nguồn: internet.

Giới phân tích nhận định kế hoạch ngân sách kỷ lục này khiến cho Nhật Bản khó đạt mục tiêu hạn chế chi tiêu và khôi phục lại sức mạnh tài chính.

Chi phí an sinh xã hội tăng mạnh, chi tiêu quốc phòng tăng năm thứ 5 liên tiếp và các chi phí đầu tư vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng là các yếu tố khiến ngân sách trong kế hoạch ngân sách tài khóa 2017 (bắt đầu từ ngày 1/4/2017) tăng lên mức kỷ lục.

Theo kế hoạch ngân sách, chi phí an sinh xã hội tài khóa 2017, bao gồm lương và chi phí y tế, tăng 1,6%, lên mức 32.470 tỷ yen.

Chi phí quốc phòng lên tới 5.130 tỷ yen, tăng 1,4% so với tài khóa hiện nay, trong đó bao gồm chi phí thành lập lực lượng đổ bộ giống lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vào cuối tài khóa (kết thúc vào tháng 3/2018) và hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo mới được bố trí trên biển. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngân sách quốc phòng Nhật Bản vượt hơn 5.000 tỷ yen. 

Chính phủ Nhật Bản cho biết việc tăng ngân sách quốc phòng nhằm giúp nước này ứng phó tốt hơn với các nguy cơ an ninh trong đó có các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, và Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển. 

Nhật Bản dành 70,7 tỷ yen để chuẩn bị triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất đến đảo Miyako ở Okinawa và đảo Amami-Oshima, Đông Bắc Okinawa. Cả hai hòn đảo này đều nằm không xa quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ sử dụng ngân sách quốc phòng này để mua sắm trang thiết bị quân sự trong đó có máy bay V-22 Ospreys, đóng mới tàu ngầm nặng 3.000 tấn có khả năng phát hiện âm thanh dưới nước, tăng cường hệ thống phòng thủ và huấn luyện binh sỹ.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn dành 19,46 tỷ yen để trang trải các chi phí cho các căn cứ quân sự của Mỹ. Chi phí này trong tài khóa 2016 là 19,2 tỷ yen. 

Khoản tiền này được dư luận hết sức quan tâm trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng Nhật Bản không hỗ trợ đủ về an ninh cho Mỹ trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến thu nhập từ thuế tăng 0,2% lên tới 57.710 tỷ yen so với tài khóa hiện nay nhờ đồng yên giảm giá làm tăng doanh thu của khối doanh nghiệp. Ước tính này dựa trên dự báo của chính phủ, theo đó kinh tế sẽ tăng trưởng thực tế là 1,5%, cao hơn mức dự báo 1% của các chuyên gia kinh tế. 

Trước đó, Nhật Bản đã điều chỉnh giảm 1.740 tỷ yên trong dự báo thu nhập từ thuế của tài khóa hiện nay xuống còn 55.860 tỷ yen do đồng yen tăng giá làm giảm thu nhập của các doanh nghiệp. Việc tăng thu nhập thuế sẽ giúp Nhật Bản giảm sự lệ thuộc vào các khoản nợ, từ 35,6% trong tài khóa 2016 xuống còn 35,3%.

Trong tài khóa 2017, Chính phủ Nhật Bản sẽ cắt giảm 62,2 tỷ yen phát hành trái phiếu mới xuống còn 34.370 tỷ yen. Tổng số trái phiếu phát ra sẽ là 153.960 tỷ yen, và gần 2/3 trong số này là trái phiếu tái cấp vốn.

Các chi phí liên quan đến nợ của Nhật Bản là một gánh nặng chi tiêu, chiếm tới 24% ngân sách tài khóa 2017. Đây là một vấn đề khó khăn đối với tài chính Nhật Bản, hiện đang ở mức kém nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). 

Tokyo đã cam kết đến tài khóa 2020 sẽ đạt thặng dư, song hiện nay nợ công đã gấp đôi quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong bối cảnh này, Nhật Bản không thể có tiền đầu tư cho ngân sách nếu không tiến hành các đợt phát hành trái phiếu mới.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ dành một khoản ngân sách để tăng chi trả cho giáo viên mầm non và người làm việc tại các trại dưỡng lão, khuyến khích nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực có nhiều hứa hẹn như trí tuệ nhân tạo, robot...

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua khoản ngân sách bổ sung lần thứ 3, trị giá 622,5 tỷ yen, cho tài khóa 2016 nhằm cung cấp hỗ trợ khắc phục hậu quả các trận động đất và bão lũ mạnh, tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo cũng như khả năng giám sát.

Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ trình Quốc hội dự thảo ngân sách tài khóa 2017 cùng kế hoạch ngân sách bổ sung tài khóa 2016 tại phiên họp thường kỳ bắt đầu vào đầu năm tới.