Những lầm tưởng về cải cách kinh tế ở Trung Quốc

Theo cafef.vn

Kế hoạch của ông Lý Khắc Cường mới chỉ được phác họa trên giấy và không ai biết liệu kế hoạch ấy có thể giải cứu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không.

Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nguồn: internet
Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nguồn: internet
Gần đây, các nhà kinh tế học nhắc nhiều đến từ Likonomics – học thuyết kinh tế mới được đặt ra bởi 3 nhà kinh tế học tại Barclays Capital: Yiping Huang, Jian Chang và Joey Chew. Học thuyết này được đặt theo tên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, liệu kế hoạch “đại tu” toàn bộ nền kinh tế của ông Lý có đủ sức thuyết phục để trở thành một danh hiệu như vậy?

Bạn có thể lập luận rằng cái tên Likonomics cũng tương tự như “Thatchernomics” hay “Reaganomics”. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher  và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan là những người đã thay đổi những điểm cơ bản trong nền kinh tế Anh và Mỹ. 


Chẳng có ai đặt ra cụm từ “Aquinomics” để nói đến thành công của Tổng thống Philippines Benigno Aquino khi ông vực dậy nền kinh tế vốn từng là “con bệnh của châu Á”. Trong khi đó, kế hoạch của ông Lý Khắc Cường mới chỉ được phác họa trên giấy và không ai biết liệu kế hoạch ấy có thể giải cứu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không. 

Ở Nhật Bản, có vẻ như giờ đây các nhà kinh tế học và các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận ra rằng họ đã quá lạc quan về “Abenomics”. Người Nhật nhận định quá sớm rằng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thành công khi chương trình kích thích kinh tế chỉ mới bắt đầu. 


Thông thường, phải mất vài năm để thực hiện các cải cách mang tính căn bản. Hơn nữa, liệu ông Lý có đủ kỹ năng và quyết tâm chính trị để lái Trung Quốc theo con đường tăng trưởng bền vững với động lực chính là lực cầu trong nước hay không vẫn còn là một dấu hỏi chấm. 

Dẫu vậy, có 3 gợi ý để đánh giá về Likonomics. Thứ nhất, ông Lý có thể tránh được việc thực hiện thêm kích thích hay không? Rõ ràng là Lý Khắc Cường không muốn tăng trưởng giảm xuống mức 5%. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư đang “tan chảy”. 

Cây đũa thần 

Trước khi Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức lên nắm quyền hồi tháng 3 vừa qua, hoạt động xuất khẩu cũng như sản xuất của Trung Quốc đều suy giảm. Các tổ chức đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng. Cải cách lớn sẽ dễ dàng thành công nếu tăng trưởng đang bùng nổ. Nếu ông Lý có thể “vung cây đũa thần” và lấy lại tốc độ tăng trưởng hai con số mà không bơm thêm hơi cho bong bóng tín dụng đang phình to, ông đã thành công. 


Cùng lúc đó, theo Huang Yiping – một trong ba nhà kinh tế học nghĩ ra cụm từ Likonomics, kế hoạch của Lý Khắc Cường là “giảm tốc độ và cải thiện chất lượng tăng trưởng”. Chi phí phải trả cho quá trình này là nền kinh tế xuống dốc. Chắc chắn vị Thủ tướng của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với lời kêu gọi bơm thêm tiền vào nền kinh tế từ chính phủ, các doanh nghiệp và từ 1,3 tỷ người dân. 

Bản thân ông Lý cũng từng cam kết rằng tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở trong mức giới hạn. Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu ông có sẵn sàng chấp nhận những vết thương cần thiết cho cải cách hay không. Kích thích chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề năng suất dư thừa và khiến nợ nần tăng lên.  

Thứ hai, Lý Khắc Cường đã sẵn sàng cho một hoặc hai vụ vỡ nợ chấn động hay chưa? Bí quyết thành công của Trung Quốc là tín dụng ồ ạt. Vay mượn tràn lan là "nguồn nhiên liệu" tiếp sức cho nhiều năm tăng trưởng với tốc độ hai con số. 

Những doanh nghiệp nhà nước như China Rongsheng Heavy Industries Group Holdings Ltd., công ty đóng tàu lớn nhất Trung Quốc, đang cầu cứu chính phủ. Những thành phố ma (như Ordos) cũng cần sự giúp đỡ. 


Chỉ cần một vụ vỡ nợ, thị trường cũng sẽ bắt đầu đánh giá rủi ro của Trung Quốc. Liệu ông Lý có thể chấp nhận những hệ lụy này hay không: các thị trường chao đảo, thất nghiệp tăng cao và Trung Quốc bị hạ bậc tín nhiệm.

Vượt qua rào cản chính trị 

Dẫu vậy, hai điểm trên sẽ chẳng là gì nếu so sánh với điểm thứ ba: quyết tâm chính trị. Liệu tấm bằng tiến sĩ kinh tế của ông Lý có thể bẻ cong những rào cản chính trị từ Bắc Kinh? Ông sẽ đối mặt với hệ thống doanh nghiệp nhà nước, với những lãnh đạo địa phương đầy tham vọng và với những nhóm lợi ích không muốn thay đổi hiện trạng.

Chính trị sẽ là nhân tố cản trở mọi nỗ lực giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. 

Vẫn còn nhiều năm phía trước để có thể biết liệu ông Lý có tạo nên bước đột phá như Đặng Tiểu Bình, người đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự cho nền kinh tế Trung Quốc hay không. Nếu Lý Khắc Cường có thể làm được điều đó, Likonomics sẽ đi vào lịch sử và là mô hình học tập cho các quốc gia đang phát triển.