Những sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới năm 2016

Ban Tài chính Quốc tế và chính sách hội nhập-Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Kinh tế thế giới năm 2016 đã trải qua nhiều biến động do nhiều yếu tố tác động với những sự kiện tiêu biểu trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới không thể không nhắc tới như sự kiện Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ bầu Tổng thống thứ 45 hay Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng kể từ sau khủng khoảng kinh tế thế giới năm 2008…. Những sự kiện này đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới trong năm 2016 cũng như năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Những sự kiện nổi bật

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm, phải áp dụng cơ chế đóng cửa tự động

Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đã có những biến động theo xu hướng giảm mạnh ngay trong những phiên giao dịch cuối năm 2015 và đầu năm 2016 trước những thông tin không khả quan về nền kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ. Để ngăn chặn đà suy giảm của chứng khoán vào thời điểm này, Trung Quốc đã phải áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động.

Theo đó, dựa trên sự biến động của chỉ số CSI (Chỉ số CSI 300 bao gồm các công ty có vốn lớn niêm yết ở Sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến) cơ chế ngắt mạch/tạm dừng thị trường được chia làm 2 mức: (i) Khi CSI 300 giảm/tăng 5% thì thị trường cổ phiếu, quyền chọn cùng chỉ số tương lai sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút; (ii) Đóng cửa sớm thị trường nếu chỉ số CSI 300 biến động (tăng/giảm) 7% hoặc trong trong 15 phút cuối của phiên giao dịch trong ngày (kể từ 2h45), chỉ số CSI 300 tăng/giảm 5%.

Với cơ chế này, TTCK Trung Quốc đã phải ngừng giao dịch 15 phút khi chỉ số CSI 300 giảm 5% và đóng cửa sớm khi CSI 300 giảm xuống 3470,41 điểm, tương đương giảm 7,02% so với phiên đóng cửa ngày 31/12/2015 (3731,005 điểm).

Cơ chế này tiếp tục được áp dụng trong ngày 7/1/2016, tuy nhiên đã không phát huy được tác dụng ngăn chặn đà suy giảm, ngược lại còn bị xem là một trong những nguyên nhân gây ra đợt bán tháo tồi tệ trên TTCK. Cơ quan quản lý TTCK Trung Quốc sau đó đã được tạm ngừng áp dụng cơ chế này nhằm duy trì sự ổn định cho thị trường.

Vương quốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)

Ngày 23/6/2016, nước Anh đã tiến hành trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu dân ý thu hút được 71,8% cử tri, với hơn 30 triệu người đi bỏ phiếu, con số cao nhất kể từ cuộc bầu cử tại Anh năm 1992. Kết quả cho thấy, có 51,9% phiếu đồng ý, trong khi đó chỉ có 48,1% phản đối việc Anh rời khỏi EU. Với tỷ lệ phiếu bầu như trên, nước Anh sẽ rời khỏi EU.

Mặc dù phải đến cuối năm 2018 hoặc 2019 Anh mới có thể chính thức rời khỏi EU do Chính phủ Anh sẽ phải mất khoảng 2 năm đàm phán về các điều khoản rút ra khỏi EU theo điều 50 của Hiệp định Châu Âu (EU Treaty), song với thị trường tài chính tiền tệ thế giới, thông tin Anh rời khỏi EU là thông tin khá bất ngờ nên mức độ ảnh hưởng tương đối lớn.

Hoa Kỳ có tổng thống thứ 45

Ngày 9/11/2016, cuộc đua vào nhà Trắng đã chính thức có kết quả. Ông Donald Trump đã chính thức giành chiến thắng để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 (nhiệm kỳ 2017-2021) của nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù trước đó hầu hết các cơ quan thông tấn lớn đều nhận định bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng.

Sự kiện này giống như Brexit, cũng thực sự là một cú sốc với thị trường tài chính tiền tệ, nhưng lần này cú sốc ấy nhanh chóng biến mất chỉ trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Nhà đầu tư được xoa dịu bởi viễn cảnh Quốc hội Mỹ dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa sẽ tung ra nhiều gói kích thích tài khóa, mạnh tay cắt giảm thuế và thu hồi nhiều luật lệ đang kìm hãm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

OPEC quyết định cứu giá dầu

Ngày 30/11/2016, lần đầu tiên sau 8 năm kể từ năm 2008, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Theo đó, các nước OPEC sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong tổng sản lượng của khối, từ mức 33,7 triệu thùng/ngày của tháng 10/2016 xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày.

Trong đó, một số nước có mức cắt giảm lớn là: Saudi Arabia cắt giảm lớn nhất với 486.000 thùng/ngày; Iraq giảm 210.000 thùng/ngày; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) giảm 139.000 thùng/ngày…

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và kéo dài trong 6 tháng. Cùng với đó, ngày 10/12/2016, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới không thuộc OPEC cũng đạt được thỏa thuận với việc cắt giảm 558.000 thùng dầu/ngày; trong đó, riêng Nga sẽ cắt giảm 300.000 thùng/ngày. Thỏa thuận này cũng bắt đầu thực hiện từ 01/01/2017 với thời hạn 6 tháng.

Những thỏa thuận mà các nước sản xuất dầu vừa đạt được là hành động nhằm điều tiết nguồn cung, bình ổn và từng bước tái cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới; giảm biến động và tăng cường thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp dầu mỏ, qua đó nhằm đem lại tác động tích cực không chỉ đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu mà cả đối với người tiêu dùng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất

Ngày 14/12/2016, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. Như vậy, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 0,5% lên 0,75%. Đồng thời, Fed cũng gia hạn thời gian của gói nới lỏng định lượng đến hết năm 2017 (đến hết tháng 3/2017 là hạn cuối của gói nới lỏng định lượng).

Kể từ tháng 6/2004 - tháng 6/2006, tổng cộng Fed tăng lãi suất 17 lần. Ngoài ra, Fed cũng dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, mỗi lần tăng 0,25%. Dự báo, đến năm 2018 lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên bang sẽ ở mức 2,125%.

Bên cạnh đó, sự kiện trưng cầu dân ý nước Ý với kết quả người dân đã nói không với cải cách đã khiến ông Matteo Renzi phải rời khỏi vị trí Tổng thống và cổ phiếu của các ngân hàng Italy vẫn ở trong trạng thái tồi tệ làm dấy lên rủi ro đối với hệ thống tài chính của EU; sự kiện Ấn Độ đổi tiền… cũng là những sự kiện nổi bật trong năm 2016.

Những tác động đến thị trường tài chính tiền tệ và kinh tế thế giới

Các sự kiện trên đã góp phần tác động đến những thay đổi của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới ngay khi phát sinh sự kiện cũng như trong năm 2016 và dự báo, thị trường tài chính tiền tệ năm năm 2017 vẫn chịu tác động từ những sự kiện này.

- Đối với TTCK toàn cầu: Sự kiện TTCK Trung Quốc đóng cửa sớm trong những ngày đầu năm 2016 đã tác động mạnh đến TTCK toàn cầu. Theo Financial Times, chỉ trong 10 ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016, tổng cộng 4.000 tỷ USD vốn hóa đã “bốc hơi” khỏi TTCK toàn cầu mà nguyên nhân là do nỗi ám ảnh về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ. Thị trường tiếp tục chịu áp lực suy giảm trên khắp các khu vực từ châu Âu, đến Mỹ và Châu Á khi sự kiện Brexit diễn ra. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2016, TTCK toàn cầu đã phục hồi nhờ sự hỗ trợ từ các yếu tố như giá dầu, triển vọng tốt hơn từ kinh tế, Fed tăng lãi suất.

- Đối với thương mại: Đà phục hồi hiện nay của kinh tế toàn cầu vẫn yếu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và các xu hướng chính trị ủng hộ chủ nghĩa dân túy ở các nền kinh tế phát triển là những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016. Cụ thể, WTO (tháng 9/2016) đã hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm 2016 xuống còn 1,7% (từ mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 4/2016). Đây cùng là năm đầu tiên trong 5 năm qua, hoạt động thương mại thế giới tăng thấp hơn nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. WTO cũng cảnh báo sự giảm tốc về thương mại là rất nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Một vài dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thương mại toàn cầu như gia tăng vận chuyển hàng hóa container tại cảng hay các đơn hàng xuất khẩu tại Mỹ. Tuy vậy, nhiều yếu tố không chắc chắn đang tác động đến triển vọng phục hồi trong năm 2017. Trong đó, sự kiện Brexit và sự kiện ông Donal Trump thắng cử được đánh giá sẽ tác động mạnh đến thương mại toàn cầu.

Quan điểm bảo vệ nền sản xuất nội địa và không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến tiến trình toàn cầu hóa sẽ bị chậm lại và ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu cũng như nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Donal Trump cũng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, do đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xuất khẩu vào Mỹ sụt giảm. Kinh tế châu Âu vốn đang trì trệ sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn vì Mỹ vốn là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa từ khu vực này.

- Đối với giá dầu: Những tháng đầu năm 2016, thị trường giá dầu chịu tác động giảm giá từ các sự kiện trên TTCK, sức khỏe kinh tế Trung Quốc và sự kiện Brexit. Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý Anh rời khỏi EU, thị trường dầu mỏ nhanh chóng sụt giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 24/6/2016, giá dầu giao kỳ hạn tháng 8/2016 giảm mạnh với giá dầu WTI giao tại New York (Mỹ) giảm 2,47 USD/thùng (tương đương giảm 4,91%), xuống còn 47,64 USD/thùng; giá dầu Brent giao tại Anh giảm 2,5 USD/thùng (tương đương giảm 4,91%), xuống còn 48,41 USD/thùng.

Tuy nhiên, việc OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, dự báo, thị trường dầu sẽ có xu hướng tăng giá trong năm 2017 do thiếu hụt nguồn cung. Quỹ Đầu tư quản lý và Nghiên cứu Alliance Bernstein Global dự báo thị trường dầu sẽ chuyển dần sang thiếu hụt, ước tính khoảng 0,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017, từ đó đẩy giá dầu tăng cao. Trong khi đó, cơ quan Thông tin và Năng lượng Mỹ (EIA) tháng 12/2016 cũng đã nâng mức dự báo giá dầu năm 2017.

Theo đó, giá dầu WTI bình quân là 50,66 USD/thùng, tăng 0,67 USD/thùng so với dự báo tháng 11/2016; giá dầu Brent là 51,66 USD/thùng, tăng 0,67 USD/thùng so với dự báo tháng 11/2016. Ngân hàng Đầu tư của Mỹ Goldman Sachs (ngày 16/12/2016) cũng nâng dự báo giá dầu trong quý II/2017, theo đó, giá dầu WTI sẽ ở mức 57,5 USD/thùng, tăng từ mức 55 USD/thùng đưa ra trong tháng 11/2016; giá dầu Brent sẽ đạt 59 USD/thùng, tăng từ mức 56,5 USD/thùng đưa ra trong tháng 11/2016.

- Đối với tăng trưởng kinh tế thế giới: Theo IMF (tháng 10/2016), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,1% trong năm 2016 – đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khủng khoảng kinh tế thế giới năm 2008 (so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu đạt 3,0% vào năm 2008). Trong đó, tại các nước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,6%; tại các nước mới nổi và đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,2%; tại các nước ASEAN -5, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,8%.

Kinh tế thế giới năm 2016 tiếp tục tăng trưởng chậm lại, tiếp tục đối mặt với một số thách thức trong năm 2017: Sự kiện chứng khoán Trung Quốc làm gia tăng thêm rủi ro đối với đà suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh tái cân bằng nền kinh tế.

Với nước Anh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho rằng, Brexit sẽ tạo ra cú sốc lớn đối với kinh tế của Anh. Trong ngắn hạn (đến năm 2020), Brexit sẽ làm giảm 3,3% tốc độ tăng trưởng của Anh thông qua các kênh như rủi ro liên quan phí bảo hiểm, niềm tin của người dân cũng như của các nhà đầu tư và thương mại. Còn trong dài hạn (đến năm 2030) thì Brexit sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng của Anh giảm 2,7% (đối với trường hợp khả quan nhất) hoặc giảm 7,7% (đối với trường hợp xấu nhất).

Những tác động đối với Việt Nam

Sự kiện Brexit tác động không nhiều do nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, việc Anh rời khỏi EU ít có tác động đến quan hệ thương mại của Việt Nam – Anh dù Hiệp định Việt Nam –EU sắp được phê chuẩn và thực thi. Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt Nam – EU dự báo sẽ bị ảnh hưởng do kinh tế khu vực EU suy yếu, khiến cho cầu nhập khẩu của EU giảm sút trong khi đó EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ

Đối với sự kiện bầu cử của Mỹ, các chính sách về thương mại hiện tại chưa có sự thay đổi nhiều, do đó ảnh hưởng về xuất khẩu chủ yếu ở yếu tố tỷ giá. Khả năng về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực hiện các chính sách thiên về bảo hộ mậu dịch của Mỹ có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam qua đó tác động đến đầu tư của Việt Nam.

Đối với đầu tư, nếu những chính sách về bảo hộ mậu dịch và tăng cường phát triển sản xuất trong nước của tân Tổng thống Donald Trump được thực thi, có thể sẽ dẫn đến sự chuyển hướng FDI của các nhà đầu tư Mỹ quay về đầu tư trong nước, hạn chế dòng vốn đầu tư từ Mỹ. Tuy nhiên, với Việt Nam tác động này dự báo là không lớn do FDI của Mỹ vào Việt Nam những năm gần đây chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đầu tư FDI vào Việt Nam (bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm khoảng 1,17% giá trị vốn đăng ký mỗi năm).

Tác động này sẽ được bù đắp bởi sự hỗ trợ tích cực bởi các yếu tố về môi trường đầu tư – kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô. Tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể coi là không đáng kể.

 Trong dài hạn, chính sách bảo hộ của Mỹ vẫn có thể đem lại những sự tích cực đối với xuất khẩu Việt Nam do Tổng thống Trump có khả năng sẽ đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ cũng như áp dụng thêm những chính sách bảo hộ đối với Trung Quốc, từ đó các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam trong xuất khẩu thủy sản, dệt may và giầy dép là Trung Quốc và đặc biệt là Mexico cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Việt Nam cũng sẽ bị áp thuế cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, cán cân thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam, cũng có thể chịu tác động tiêu cực ở mức độ cao hơn nếu chính sách bảo hộ có xu hướng lan rộng, đặc biệt là khu vực EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... những nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại lớn.