“Những thập kỷ mất mát” của Nhật Bản: Các bài học rút ra

Theo thoibaonganhang.vn

(Taichinh) - Đã ba năm kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu triển khai chương trình chính sách kinh tế “ba mũi tên” bao gồm nới lỏng tiền tệ, củng cố tài khóa và tái cấu trúc nền kinh tế, thì đến nay ông vẫn có thể tự tin về những kết quả tích cực của chương trình này.

Chính sách kinh tế “ba mũi tên” góp phần hạn chế những đột biến trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Nguồn: internet
Chính sách kinh tế “ba mũi tên” góp phần hạn chế những đột biến trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Nguồn: internet

Nhờ đó, những đột biến trên thị trường cổ phiếu Nhật Bản đã được giám sát, giá bất động sản đã tăng lên trong khu vực đô thị, đồng thời, giá đồng Yên thấp cũng đã kích thích xuất khẩu và thu hút một số lượng khách du lịch kỷ lục cho quốc gia này.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa vượt qua được khủng hoảng; “những thập kỷ mất mát” vẫn phủ những bóng đen lên nền kinh tế của họ. Một trận chiến chống lại giảm phát vẫn đang tiếp diễn, khu vực đô thị đang trong tình trạng căng thẳng, tiền lương cần phải tăng lên và cải cách cấu trúc nền kinh tế khiến “dòng chảy” tiềm năng nhất vẫn chưa được khơi thông hoàn toàn. Bên cạnh đó, tình trạng dân số già và nợ công nhiều hơn gấp đôi sản lượng đầu ra hàng năm đe dọa một trận sụt lở nghiêm trọng tại Nhật Bản.

Kinh nghiệm của ông Abe có ý nghĩa đối với thế giới bên ngoài Nhật Bản không chỉ vì vị trí của quốc gia này trong trật tự kinh tế quốc tế. Thực tế, chính các nền kinh tế tiên tiến đang phải đấu tranh với những thách thức tương tự của Nhật Bản như tăng nợ công, giảm kỳ vọng lạm phát, chậm tăng trưởng, dân số lão hóa và thách thức của Trung Quốc đối với hệ thống kinh tế toàn cầu. Vì thế, các quốc gia phương Tây cũng đang rất băn khoăn về “những thập kỷ mất mát” này.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn trong tình trạng tốt hơn so với những quốc gia khác. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất và bắt đầu mua các tài sản tài chính bằng cách sử dụng tiền mới được đúc của họ. Nhưng khu vực châu Âu thì lại không học được kinh nghiệm từ những bài học của Nhật Bản, khi khởi động chương trình nới lỏng định lượng riêng của mình dường như quá muộn và chưa đủ sức mạnh.

Các nước phương Tây có thể không phải lặp lại những sai lầm của Nhật Bản. Vậy suy cho cùng điều gì là gốc rễ của cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản? Đầu tiên, là việc các chính trị gia đã hoãn lại quyết định do lo sợ sự phản đối. Sự trì hoãn và lo sợ rủi ro được đánh dấu bằng việc đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản từ chối đối phó với các khoản nợ xấu trên bảng cân đối của các ngân hàng Nhật Bản trong khoảng thời gian giữa những năm 1990.

Tiếp đó là việc các chính trị gia đã không có những động thái kịp thời trước sự biến đổi nhân khẩu học. Bất chấp sự cảnh báo về vấn đề già hóa dân số và tăng tỷ lệ phụ thuộc tại Nhật Bản vào những năm đầu thập niên 90, Chính phủ đã không thể hiện sự quan tâm cấp bách. Họ cũng đã không có các cuộc thảo luận hay tranh luận mở về việc chính sách nhập cư có hệ thống để giải quyết vấn đề dân số già.

Có lẽ nguyên nhân chính của “các thập kỷ mất mát” là sự bất lực của các nhà hoạch định chính sách để vượt qua các lợi ích nhỏ lẻ để hình thành các chiến lược tổng thể hướng đến lợi ích quốc gia. Ví dụ, sự cạnh tranh giữa Bộ Tài chính và NHTW Nhật Bản đã khiến cho một chính sách kinh tế vĩ mô không được phối hợp hài hòa.

Nới lỏng định lượng tụt lại phía sau chính sách tăng cường tài khóa, gây ra một dòng xoáy lạm phát. Và kinh nghiệm của Nhật Bản chỉ ra rằng, một khi bị rơi vào thì rất khó để thoát khỏi nó. Những tranh cãi về sự gia tăng thuế tiêu thụ tại một số quốc gia hiện nay cho thấy một nguy cơ tương tự đang tồn tại.

Mấu chốt của những vấn đề trên là sự thiếu những đánh giá độc lập về các chính sách của Chính phủ. Vụ tai nạn hạt nhân Fukushima đã chỉ ra sự thiếu hụt này. Về các làng hạt nhân Nhật Bản, thì đông đảo các chính trị gia ủng hộ năng lượng hạt nhân, quan chức, doanh nhân và học giả đã phổ biến luận điểm về an toàn hạt nhân tuyệt đối trong khi lờ đi việc tuân theo các chuẩn mực quốc tế.

Nhật Bản rơi vào hội chứng Galápagos với quan điểm cho rằng sự phát triển tại đây là duy nhất và cần được đánh giá một cách độc lập với phần còn lại của thế giới. Tương tự như vậy, phương Tây cần tránh bẫy Galápagos khi coi “những thập kỷ mất mát” tại Nhật như một điều gì đó không thể xảy ra ở những nơi khác.

Chắc chắn, “những thập kỷ mất mát” của Nhật Bản có thể đã không xảy ra. Hoặc ít nhất, những khó khăn của đất nước này đã không nghiêm trọng và kéo dài như vậy. May mắn thay, các nền kinh tế phát triển khác có thể tránh được điều tương tự nếu tỉnh táo nhìn lại sự kiện này.

Những bài học rút ra từ “những thập kỷ mất mát” vẫn đang được viết ra. Và những kết quả chưa đi đến hồi kết của chính sách Abenomics (kinh tế học của Thủ tướng Abe) sẽ mang lại những chỉ dẫn tốt nhất.