Những thị trường chứng khoán tăng 'nóng' nhất từ đầu năm 2015

Theo CNNMoney

Thống kê của CNNMoney dựa trên mức tăng trưởng trong nửa đầu năm 2015. Danh sách bao gồm cả những nền kinh tế đang gặp khủng hoảng như Argentina và Jamaica.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Argentina: 37%

Đây là thời điểm tuyệt vời với những nhà đầu tư ở Argentina. Cổ phiếu đang tăng mạnh do nhà đầu tư lạc quan với tình hình bầu cử Tổng thống trong tháng 10 tới sẽ đưa tới một chính quyền “thân” thị trường hơn.

Tuy nhiên sự thành công của thị trường chứng khoán nước này lại không tương đồng với sức khỏe của nền kinh tế. Bất chấp những dấu hiệu hồi sinh gần đây, về mặt kỹ thuật Argentina vẫn đang trong tình trạng vỡ nợ. Lạm phát nước này luôn ở mức 2 con số trong nhiều năm và đồng nội tệ thì mất giá khủng khiếp. Đầu tư nước ngoài xa lánh do chính phủ Argentina từ chối trả nợ cho một nhóm các quỹ đầu tư của Mỹ.

Đang có những dấu hiệu nền kinh tế trở lại đúng hướng khi niềm tin của người tiêu dùng tăng trở lại và các nhà đầu tư hy vọng Tổng thống mới sẽ giải quyết vấn đề nợ các quỹ và mở cửa trở lại với đầu tư nước ngoài.

2.Hungary: 30,7%

Hungary đã đánh cược vào chính sách kinh tế của Thủ tướng Viktor Orban (Orbanomics) và có vẻ nước này bắt đầu thu được quả ngọt. Những người đã cười nhạo chính sách này, cho rằng nó sẽ tạo ra một thảm họa kinh tế, có lẽ đang nghĩ lại.

Một trong những chính sách Orbanomics là hủy bỏ một số các khoản nợ thế chấp của nước này bằng đồng franc Thụy Sĩ. Dĩ nhiên Thụy Sĩ không vui với ý tưởng này nhưng biện pháp này đã giúp Hungary tránh khỏi tình trạng căng thẳng tài chính, đặc biệt khi đồng franc tăng giá chóng mặt đầu năm nay.

Sau nhiều năm tăng trưởng trì trệ, Hungary bắt đầu tăng tốc trong năm 2014 và tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế EU khác. Động lực này cũng đang khiến thị trường chứng khoán nước này tăng thêm sinh khí. Với mức tăng trưởng hơn 30% kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán nước này chỉ “nóng” sau Argentina.

3. Jamaica: 28,5%

Thị trường chứng khoán Jamaica đang “nóng bỏng” như mặt trời nước này.

Giống như Argentina, Jamaica cũng vừa chịu cảnh vỡ nợ dù mức nợ chỉ có 9 nghìn tỉ USD năm 2013, thấp hơn nhiều so với Argentina. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm chao đảo đảo quốc này.

Nền kinh tế Jamaica, dựa phần lớn vào nông nghiệp và du lịch, đã giảm tới 300% trong giai đoạn 2009-12. Nước này đang tăng trưởng trở lại với mức khiêm tốn trong 2 năm trở lại đây và được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán sẽ đạt mức tăng cao nhất trong gần một thập kỷ trong năm 2015.

Những tác động tích cực của nền kinh tế đang được chuyển hoán vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nước này. Từ đầu năm đến nay, giá trị chứng khoán của Jamaica đã tăng 28,5%.

4. Đan Mạch: 27,8%

Đan Mạch là một ví dụ thành công điển hình của châu Âu năm nay. Cổ phiếu nước này tăng nóng do đồng nội tệ krone giảm giá mạnh khiến cho các doanh nghiệp Đan Mạch xuất khẩu được nhiều hơn.

Bên cạnh đó, kế hoạch bơm tiền để kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và đưa lãi suất về mức 0% càng tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển. Mặc dù Đan Mạch không phải là một phần của khu vực eurozone, vẫn rất là cần thiết khi các nước láng giềng và bạn hàng gần gũi của nước này tăng trưởng tốt.

Với mức tăng trưởng gần 28% trong nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán Đan Mạch đang tăng tốt nhất châu Âu. Mặc dù đang gặp rắc rối với vấn đề nợ Hy Lạp, các thị trường khác trong khu vực vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Chỉ số DAX của Đức đã tăng 9% trong khi chỉ số CAC của Pháp tăng gần 8%.

5. Iceland: 17,9%

Iceland đang bước ra khỏi những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính. Nền kinh tế nước này năm nay được kỳ vọng sẽ tăng mức cao nhất kể từ năm 2007. Thất nghiệp đang giảm và chính phủ sắp tiến hành những bước đi lớn để hồi phục nền kinh tế.

Chính phủ Iceland có kế hoạch hủy bỏ việc kiểm soát vốn được áp đặt trong cuộc khủng hoảng. Các nhà đầu tư và người dân Iceland đã không thể chuyển tiền ra những nước sử dụng đồng euro hoặc bảng Anh mà buộc phải giữ tiền trong nước.

Cho đến nay, phương pháp này đã hoạt động tốt. Iceland là nước thành công sau khủng hoảng và các nhà đầu tư là những người đứng đằng sau sự trở lại này. Sự tích cực của các nhà đầu tư cũng khiến thị trường chứng khoán nước này tăng ấn tượng với mức 18% trong nửa đầu năm nay.

6. Ireland: 17,5%

Đồng euro giảm giá so với đồng đô la khiến tính cạnh tranh của các công ty Ireland và các nước châu Âu khác tăng lên. Đồng tiền yếu cũng thúc đẩy doanh số bán hàng của các công ty và cổ phiếu khắp khu vực.

Ireland đã cắt giảm thâm hụt ngân sách, giảm chi tiêu chính phủ và đã trả 89 tỉ USD tiền cứu trợ cho IMF và ECB đúng hạn. Hiện giờ thì IMF ví nước này như một câu chuyện thành công trong quá trình đàm phán với Hy Lạp. Nước này có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất châu Âu năm ngoái và tiếp tục động lực này trong năm 2015. Các nhà đầu trong nước cũng đang cảm thấy dễ chịu với việc thị trường chứng khoán nước này đã tăng gần 18% trong năm nay.

7. Trung Quốc: 16,7%

Thị trường chứng khoán Trung Quốc là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm ngoái. Tuy nhiên, nó đã trở nên quá nóng và giờ đang vỡ ra và lao dốc không phanh.

Thị trường này đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh cho đến ngày 12/6. Nhiều lo ngại trước đó cho rằng giá trị cổ phiếu Trung Quốc đã vượt xa mức tăng trưởng kinh tế nước này vốn đang bị chậm lại.

Ngoài thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cũng giảm sút, tạo ra hiệu ứng dây chuyền sang khu vực lao động, xây dựng và hoạt động kinh tế. Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không thể theo kịp tốc độc tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên mức tăng trưởng 7% vẫn là cao hơn Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu tăng trưởng của nước này vẫn sẽ duy trì ở mức xung quanh 7% hay sẽ tiếp tục giảm xuống.

Trải qua một số biện pháp hỗ trợ từ chính phủ, thị trường chứng khoán nước này đã bắt đầu tăng trở lại. Giá trị chứng khoán vẫn ghi nhận mức tăng gần 17% tính đến hết tháng 6/2015./.