Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/CNBC

(Taichinh) - Trong bối cảnh khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và Puerto Rico đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới, trang CNBC đã nhìn lại những vụ vỡ nợ quốc gia đình đám nhất trong lịch sử.

Khủng hoảng nợ của Hy Lạp vẫn đứng đầu danh sách với con số nợ không trả được lên tới 261 tỷ USD, theo số liệu của Moody’s Investors Service. Trong danh sách này, không có tên quốc đảo Cyprus, vỡ nợ năm 2013 do quy mô vỡ nợ khiêm tốn chỉ 1,3 tỷ USD.

10. Ecuador

Thời điểm vỡ nợ: 12/2008

Quy mô vỡ nợ: 3,2 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 1

Một vài quốc gia có đủ khả năng để trả nợ, tuy nhiên, lại lựa chọn không thanh toán nợ, đó chính là trường hợp của Ecuador năm 2008, khi phía cánh tả của Ecuador lựa chọn không thanh toán các khoản nợ đến hạn cho trái phiếu toàn cầu 2012, 2030 với lý do là những trái phiếu này “không hợp pháp.”

Theo Moody’s, trường hợp vỡ nợ của Ecuador diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô của quốc gia Châu Mỹ Latin này khá mạnh. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng, quyết định vỡ nợ của chính phủ dựa trên cơ sở về chính trị và tư tưởng, không liên quan đến các vấn đề về thanh khoản và khả năng thanh toán.

9. Peru

Thời điểm vỡ nợ: 9/2000

Quy mô vỡ nợ: 4,9 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 2

Khủng hoảng nợ công dường như đã trở thành một “thương hiệu” gắn liền với Châu Mỹ Latin với 4 quốc gia trong khu vực có tên trong danh sách những vụ vỡ nợ lớn nhất.

Cả Argentina và Peru có chung một “kẻ thù: cho khủng hoảng nợ của mình, đó chính là quỹ đầu cơ “kền kền” của Paul Singer – nhà sáng lập ra Elliott Management Corporation – đã áp dụng chiến thuật mua lại trái phiếu nợ với giá rẻ khi các quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính sau đó yêu cầu hoàn trả với giá cao.

Peru vỡ nợ năm 2000 sau khi lựa chọn không trả khoản nợ 80 triệu USD tiền lãi cho trái phiếu nợ Brady (trái phiếu định giá bằng đồng USD phát hành bởi các quốc gia đang phát triển).

Tuy nhiên, không như các quốc gia khác trong danh sách này, Peru đã “chữa khỏi” tình trạng vỡ nợ trong thời hạn 30 ngày. Tranh chấp với Elliott được giải quyết với khoản thành toán hàng triệu USD và giải phóng các khoản thanh toán lãi suất đối với trái phiếu Brady.

8. Uruguay

Thời điểm vỡ nợ: 5/2003

Quy mô vỡ nợ: 5,7 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 3

Ảnh hưởng của khủng hoảng nợ Argentina năm 2001 đã lan rộng đến quốc gia láng giềng Uruguay. Tổng nợ của Uruguay đã tăng đến mức 100% GDP, tương đương 11 tỷ USD. Điều này có nghĩa là Uruguay đã không thanh toán một lượng lớn trái phiếu đáo hạn năm 2003 và 2004.

Để chiến đấu với vấn đề nay, Uruguay đã triển khai một chương trình trao đổi nợ vào tháng 4/2003 nhằm kéo dài thời hạn đáo hạn trung bình của trái phiếu. Việc trao đổi được hoàn thành nhanh chóng (vào cuối tháng 5) với sự tham gia mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư.

7. Ecuador (tiếp tục vỡ nợ)

Thời điểm vỡ nợ: 8/1999

Quy mô vỡ nợ: 6,6 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 4

Năm 1999, Ecuador đã hoãn thanh toán gần 1 nửa lãi suất đến hạn đối với trái phiếu Brady. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ phía Mỹ, Ecuador tái đàm phán khoản dư nợ 1 tỷ USD với Paris Club – một nhóm các quốc gia chủ nợ từ khắp nơi trên thế giới – và đã tái cấu trúc trên 98% nợ của quốc gia này thành các khoản trái phiếu mới.

6. Jamaica

Thời điểm vỡ nợ: 2/2010

Quy mô vỡ nợ: 7,9 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 5

Jamaica vỡ nợ vào năm 2010 khi mà tỷ lệ nợ/doanh thu lên tới 400%. Việc trao đổi nợ đã được tiến hành với tất cả các khoản nợ trong nước có thể giao dịch được, có giá trị 6 tỷ USD, tương đương với 60% GDP.

Ngày nay, Jamaica vẫn tiếp tục chật vật với nợ và chính phủ đã quyết định dụng 1/3 doanh thu để trả lãi.

5. Jamaica (tiếp tục vỡ nợ)

Thời điểm vỡ nợ: 2/2013

Quy mô vỡ nợ: 9,1 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 6

Trong vòng 3 năm, Jamaica đã rơi vào tình trạng vỡ nợ 2 lần. Chính phủ đã công bố một chương trình trao đổi nợ vào tháng 2, ảnh hưởng lên trái phiếu trong nước có tổng giá trị 9,1 tỷ USD – tương đương với một nửa dư nợ của chính phủ tính đến cuối năm 2012. Nhiều trái phiếu đã được chuyển đổi sang loại trái phiếu mới với thời hạn được kéo dài thêm từ 3-5 năm và với mức lãi suất thấp hơn.

4. Hy Lạp

Thời điểm vỡ nợ: 12/2012

Quy mô vỡ nợ: 42 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 7

Hy Lạp rơi vào tình trạng vỡ nợ tháng 3/2012 khi không thể thanh toán khoản nợ 261 tỷ USD. Sau đó, vào tháng 12, Hy Lạp phải thực hiện mua lại nợ ở mức độ “tuyệt vọng” vào tháng 12/2012. Theo Moody, quy mô vỡ nợ vào tháng 12/2012 là 42 tỷ USD.

Gánh nặng nợ của Hy Lạp vẫn còn rất lớn. Tháng trước, Hy Lạp đã không thể trả lại khoản nợ 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho IMF – quốc gia đầu tiên thất bại trong việc trả nợ kể từ năm 2001.

3. Nga

Thời điểm vỡ nợ: 8/1998

Quy mô vỡ nợ: 73 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 8

Năm 1998 là một năm đầy tối tăm khi cả Nga, Pakistan, Ukraine và Venezuela đều vỡ nợ. Đây là năm mà nền kinh tế toàn cầu “hạ nhiệt” và tâm lý thị trường không thuận lợi sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Mặc dù vậy, điều thú vị là không quốc gia nào bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng bị rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Quy mô vỡ nợ của Nga là lớn nhất tính đến thời điểm đó. Quốc gia này cũng đã phải đối mặt với những rắc rối về tiền tệ, ngân hàng và tài khóa – hậu quả của giá dầu và kim loại sụt giảm – những vẫn đề vẫn thách thức nền kinh tế Nga hiện nay.

2. Argentina

Thời điểm vỡ nợ: 11/ 2001

Quy mô vỡ nợ: 82 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 9

Quốc gia Châu Mỹ Latin này rơi vào tình trạng vỡ nợ vào cuối năm 2001 và sau đó đã phải tiến hành vài lần hoán đổi trái phiếu vỡ nợ.

Tình trạng vỡ nợ diễn ra do khoản nợ của chính phủ ngày càng chồng chất, trong khi đó, IMF từ chối cung cấp khoản vay đã đồng ý trước đó cho Argentina.

1. Hy Lạp:

Thời điểm vỡ nợ: 3/2012

Quy mô vỡ nợ: 261 tỷ USD

 Những vụ vỡ nợ đình đám nhất lịch sử - Ảnh 10

Trong năm thứ 5 suy thoái, Hy Lạp đã rơi vào vỡ nợ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay 261 tỷ USD, mặc dù nhận được cứu trợ tài chính từ phía Liên Minh Châu Âu và IMF.

Hy Lạp đã tiến hành hoán đổi trái phiếu nợ và trung bình, trái phiếu chính phủ sau khi hoán đổi đã mất giá trị khoảng 70%.