Nợ công eurozone tăng cao

Theo: sggp.org.vn

Hãng AP ngày 23/7 đưa tin, nợ công trong khu vực sử dụng đồng EUR (eurozone) đang tăng với tốc độ nguy hiểm. Theo số liệu của cơ quan thống kê thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong quý đầu năm nay, nợ công của 17 nước sử dụng đồng EUR lên tới 92,2%, tăng cao so với con số 88% vào cùng kỳ năm ngoái, bất chấp chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” và tăng thuế.

Nợ công eurozone tăng cao
Tình hình tài chính ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha được ví như những quả bom nổ chậm của khu vực eurozone. Nguồn: sggp.org.vn

Những kỷ lục buồn

Hy Lạp, quốc gia đầu tiên của eurozone đánh mất lòng tin của giới đầu tư năm 2009, đã tăng nợ công của mình lên mức 160,5% GDP so với 136,5% một năm trước, lập kỷ lục đáng buồn nhất trong khu vực. Đứng thứ hai là Italia với 130,3% (123,8% trong quý 1-2012), tuy không cần đến gói cứu trợ như Hy Lạp và các nước khác, nhưng quốc gia vùng Địa Trung Hải này cũng phải thi hành một gói biện pháp nhằm củng cố lòng tin của giới đầu tư để họ không rút lại khoản cho vay 2.000 tỷ EUR. Tiếp theo trong danh sách các nước có nợ công tăng rất cao là Bồ Đào Nha - 127,2% so với 112,3% của năm ngoái, Ireland - 125,1% (106,8%), Tây Ban Nha - 88,2% (73%). Gây bất ngờ nhất là Anh, quốc gia này đã gia nhập danh sách những quốc gia có nợ công cao nhất châu Âu lên tới 75% GDP. Đây là mức nợ công cao nhất của London từ năm 1960.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại eurozone vẫn ở mức cao kỷ lục và giá tiêu dùng cũng đang leo thang. Những nhân tố này lại càng khiến nền kinh tế của eurozone thêm mong manh. Theo cơ quan thống kê Eurostat, trong tháng 5, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực này lên mức kỷ lục 12,1%. Đặc biệt, tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, 60% số thanh niên không thể kiếm được việc. Trong tháng 6, mức lạm phát của 17 nước sử dụng đồng tiền chung tăng từ mức 1,4% trong tháng 5 lên mức 1,6%. Con số này cao hơn mức 1,2% hồi tháng 4. Giá lương thực, các sản phẩm rượu và thuốc lá là nhân tố chính khiến lạm phát tăng trong tháng 6. Giá năng lượng và các ngành dịch vụ biến động là các nhân tố phụ của hiện tượng này.

Soạn thảo chương trình hỗ trợ các nước nghèo

Đứng trước tình hình nợ công tăng nghiêm trọng, suy thoái toàn cầu chưa có dấu hiệu ngừng, thất nghiệp tăng, eurozone phải khởi động cuộc tư vấn riêng để soạn thảo một chương trình bình ổn mới cho các nước nghèo hơn. Theo đánh giá sơ bộ của giới ngân hàng Anh, chương trình cho vay mới kể trên trị giá đến 50 tỷ EUR, trong đó riêng Hy Lạp đã cần đến 25 - 30 tỷ EUR ngay vào mùa thu tới và 7 tỷ EUR có thể dành cho Slovenia để giúp nước này tránh được khủng hoảng hệ thống tài chính. Tuy nhiên, về chính thức, gói cứu trợ mới cho các nước nghèo trong eurozone chỉ được khởi động bàn bạc vào tháng 9 tới, sau khi kết thúc bầu cử tại Đức.

Trong báo cáo đánh giá thường kỳ về kinh tế eurozone, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị những việc cần làm ngay đối với eurozone là củng cố lĩnh vực ngân hàng, xúc tiến việc thành lập liên minh ngân hàng và tăng nhu cầu trong khu vực. Báo cáo của IMF lưu ý rằng chỉ áp dụng chính sách tiền tệ thì chưa đủ để giải quyết vấn đề ngân hàng, eurozone cần phải cung cấp thêm tài chính để ngăn chặn dòng tín dụng giảm cho tới khi khu vực này đưa ra được những biện pháp hành động sâu rộng hơn để khôi phục hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh tăng trưởng còn yếu và lạm phát thấp, việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ là điều cần thiết để hỗ trợ nhu cầu trong khu vực.

ECB đã hạ lãi suất xuống mức thấp chưa từng thấy, song Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức hiện tại hoặc thấp hơn trong thời gian tới để hỗ trợ nhu cầu trong toàn khu vực nếu tình hình kinh tế không cải thiện.