Nợ công Mỹ chính thức chạm trần

Theo Gafin

Giới làm luật Mỹ một lần nữa sẽ phải đàm phán nâng trần nợ để tránh vỡ nợ sau khi nợ công chạm trần 16,4 nghìn tỷ USD hôm 31/12/2012.

Nợ công Mỹ chính thức chạm trần
Trong một bức thư gửi Quốc hội ngày 31/12, bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết, nợ chính phủ Mỹ chính thức chạm trần. Do đó, ông sẽ phải đình chỉ các hoạt động đầu tư trong các quỹ hưu trí liên bang để tạo điều kiện cho chính phủ liên bang có thể tiếp tục vay nợ từ thị trường.

Hoạt động của các quỹ này sẽ được khởi động trở lại một khi giới hạn nợ của Mỹ được nâng lên trước 28/2, ông Geither cho biết. Ông ước tính, với việc hoãn đầu tư quỹ hưu trí, chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm được 200 tỷ USD, cho phép chính phủ tồn tại thêm khoảng 2 tháng. Song ông cũng cảnh báo trong hoàn cảnh nhiều bất ổn như hiện nay không thể chắc chắn biện pháp này có hiệu quả trong bao lâu.

Do đó, ông hối thúc chính phủ nhanh chóng đưa ra các biện pháp quyết liệt để tránh vỡ nợ, trong đó có việc Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ công để “bảo vệ hoàn toàn niềm tin và sự tín nhiệm của nước Mỹ và tránh khỏi những hậu quả kinh tế thảm khốc cho người dân".

 Trần nợ của Mỹ là giới hạn được thiết lập bởi Quốc hội Mỹ về số nợ chính phủ liên bang có thể vay mượn theo quy định của pháp luật. Giới hạn này áp dụng cho các khoản nợ công (chủ nợ là những người đã mua trái phiếu chính phủ Mỹ) cộng với nợ quỹ tín thác chính phủ liên bang như quỹ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già.

Kể từ tháng 3/1962 tới nay, trần nợ của Mỹ đã được nâng tới 74 lần. Trong đó, từ năm 2001 tới nay, Quốc hội Mỹ đã 10 lần điều chỉnh mức nợ trần.

Nếu Quốc hội Mỹ không nâng mức nợ trần, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn quyền tổ chức các cuộc đấu giá trái phiếu hay nói cách khác, không còn được phép đi vay nợ và Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải lựa chọn chủ nợ nào sẽ được trả nợ và ai sẽ bị hoãn trả nợ.