Nợ xấu phình to, ngân hàng Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Theo gafin.vn

(Tài chính) Nếu Trung Quốc sắp sửa tiến hành tái cân bằng nền kinh tế thì người tiết kiệm sẽ không đủ khả năng chi trả các khoản nợ xấu lần nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Có hai lối suy nghĩ truyền thống mà sẽ mở ra cũng như đóng lại bất kỳ cuộc tranh luận nào về các ngân hàng của Trung Quốc.

Luồng tư tưởng thứ nhất cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề nợ xấu ngày càng trở nên nghiêm trọng và phình to, khiến cho sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Mỹ năm 2008 “chỉ là hạt cát” so với sự sụp đổ lần này (nếu có).

Luồng suy nghĩ thứ hai cho rằng vấn đề không có gì nghiêm trọng bởi lẽ Trung Quốc luôn biết cách “tạo ra sự khác biệt” – bất kỳ khoản nợ xấu nào cũng có thể được “phù phép” và biến mất nhanh chóng.

Trung Quốc có truyền thống hành động theo lối suy nghĩ thứ hai. Vào cuối những năm của thập niên 90, một thông tư “vô giá với các ngân hàng” đã “bốc” một loạt các khoản nợ xấu khổng lồ khỏi bốn ngân hàng lớn nhất nước này và chuyển các khoản nợ xấu này với giá trị ban đầu sang bốn công ty mua bán nợ xấu hay còn gọi là công ty quản lý tài sản. Các công ty này được cấp vốn chủ yếu nhờ vào các ngân hàng thông qua Bộ Tài chính.

Các công ty đó – mà đi dầu là Cinda và Huarong – hiện được tái cơ cấu lại để nhằm thu hút các khoản đầu tư từ các ngân hàng nước ngoài và các đợt niêm yết cổ phiếu ra công chúng. Điều này rõ ràng để tạo ra các công ty chuyên nghiệp và được tư nhân hóa để xử lý nợ xấu theo định hướng thị trường.

Tuy nhiên nếu như các nhà chức trách Trung Quốc có khả năng “hô biến” các khoản nợ xấu, vậy tại sao vẫn cần các lực lượng tham gia thị trường. Câu hỏi ở đây là liệu Trung Quốc có đủ khả năng xử lý nợ xấu nữa hay không. Nói một cách đơn giản, liệu Trung Quốc có đủ tiền để xử lý nợ xấu hay không?

Hô biến
Trung Quốc có khả năng “hô biến” các khoản nợ xấu?. Nguồn: internet

Vào những năm cuối thập niên 90, khi Cinda và các công ty cùng ngành được thành lập, các khoản nợ xấu chỉ chiếm khoảng 1/5 trên tổng số nợ của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc. 4 công ty mua bán nợ xấu được thành lập đã tiếp nhận 3/4 số nợ xấu này hay tương đương khoảng 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ.

GDP của Trung Quốc năm 1999 ước đạt 8,9 nghìn tỷ nhân dan tệ (khoảng 1,45 nghìn tỷ USD) và nợ công ở mức 11,4% GDP (1 nghìn tỷ nhân dân tệ). Do đó, các khoản nợ xấu thời điểm đó được coi là lớn. Vay mượn để tiến hành giải cứu các ngân hàng sẽ làm nợ công tăng gấp đôi – tuy nhiên vẫn tạo cảm giác “lành mạnh” cho bảng cân đối tài sản quốc gia.

Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đã khác xưa. Theo nhiều tính toán khác nhau thì tín dụng của Trung Quốc tăng rất mạnh: kể từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến chính phủ Trung Quốc phải tiến hành chương trình kích thích khổng lồ, tổng tín dụng tăng hơn gấp đôi.

Theo số liệu ước tính của các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs và Morgan Stanley, tổng nợ của các ngân hàng, các định chế tài chính ngầm (phi chính thức), các thị trường trái phiếu và nợ của chính phủ đạt khoảng 220% GDP.

Xét về số tuyệt đối, tỷ lệ này đồng nghĩa với tổng giá trị các khoản nợ là 115 nghìn tỷ nhân dân tệ. Thậm chí theo một ước tính của Morgan Stanley thì sau khi loại trừ vay nợ trực tiếp của chính phủ thì các khoản nợ vẫn ở mức rất cao là 105 nghìn tỷ nhân dân tệ. Nếu như 1/5 trong số đó là các khoản nợ xấu giống như cuối những năm 90 thì tổng số nợ xấu ước khoảng 21 nghìn tỷ nhân dân tê hay khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Tuy nhiên theo các số liệu chính thức, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc chưa đến 1% tổng số nợ - tương đương khoảng 540 tỷ nhân dân tệ. Con số này đã bỏ qua tất cả các khoản tài trợ của hệ thống tài chính ngầm mà ở đó, các tổ chức tài chính ngầm này gặp rủi ro hơn nhiều. Con số nợ xấu thực có lẽ nằm đâu đó giữa hai cực này.

Nếu tính cho riêng các ngân hàng thì căn cứ vào các mức giá cổ phiếu hiện nay, các nhà đầu tư cho rằng mức nợ xấu chiếm khoảng 5-6%.

Các nhà phân tích cũng như các nhà kinh tế đều né tránh, không muốn động đến các dự báo khó khăn. Nhà phân tích Richard Xu của Morgan Stanley đã đưa ra con số các khoản nợ “có rủi ro cao” của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Theo ông này, các khoản nợ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài trợ thương mại, chế tạo, xây dựng và các công cụ tài trợ thương mại của chính quyền địa phương và đạt khoảng mức 10 nghìn tỷ nhân dân tệ. Các khoản nợ này chiếm 10% tổng dư nợ - một nửa của mức nợ xấu hồi năm 1999 nhưng vẫn chiếm khoảng 1/5 GDP.

Tuy nhiên lần này con số nợ xấu chính thức của chính phủ - bao gồm nợ của các tỉnh thành địa phương – lớn hơn rất nhiều so với năm 1999. Ông Kenneth Ho, chiến lược gia của Goldman Sachs, cho biết, ước tính của nhiều chuyên gia phân tích cho thấy tỷ lệ nợ dao động từ khoảng 50% GDP cho đến 70% GDP.

Bất kể con số chính xác là thế nào, lần này chính phủ Trung Quốc bị bó buộc nhiều hơn so với năm 1999. Tuy nhiên lần này Trung Quốc không đủ khả năng mua lại các khoản nợ xấu lần nữa. Ngay cả lần trước cũng không có bất cứ phép màu nào về xử lý nợ xấu: các khoản nợ xấu đơn giản được trả bởi người gửi tiền qua nhiều năm.

Trần lãi suất tiền gửi đã có tác dụng giữ lãi suất cho vay thấp và đem lại siêu lợi nhuận cho các ngân hàng – chiếm khoảng 2,9% GDP vào năm ngoái – cao hơn bất kỳ quốc gia nào. Hơn 80% thu nhập của ngành ngân hàng thuộc về phía chính phủ thông qua các kênh như cổ tức, thuế…

Điều này khó mà lặp lại lần nữa. Người dân Trung Quốc hiện nhận được mức lãi suất tiết kiệm cực thấp đến mức mà họ phải tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn để đạt được mục đích của mình. Nếu như Trung Quốc tiến hành tái cân bằng lại nền kinh tế, người gửi tiền không đủ khả năng chi trả các khoản nợ xấu lần nữa.