Vị thế suy giảm

Khi về Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông đã là một thị trường tài chính, hàng hóa lớn của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, thị trường tài chính của Hồng Kông đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa Trung Quốc và cường quốc kinh tế khác.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các biểu tượng phồn thịnh một thời của kinh tế Hồng Kông đã bắt đầu suy thoái. GDP hàng năm của Hồng Kông cũng không thể hiện sự ổn định trong tăng trưởng. Một Hồng Kông sôi động và tự chủ bắt đầu kiệt sức. Xuất phát điểm với mức đóng góp 18%, nay mức GDP Hồng Kông xuống chỉ còn khoảng 3% GDP của Trung Quốc. Mức GDP những tháng đầu năm 2014 của Hồng Kông lần đầu tiên trong lịch sử đã xuống mức âm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự yếu kém trong phát triển của Hồng Kông là một phần của bức tranh chung về suy thoái kinh tế Trung Quốc, vốn đã không còn giữ được tốc độ phát triển nhanh như trước đây. Kết quả này cũng là tất yếu khi Trung Quốc mở cửa biên giới, kết nối trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực xây dựng những trung tâm tài chính - kinh tế Thượng Hải và Thâm Quyến, với ý đồ thay thế Hồng Kông trong một tương lai không xa.

Khủng hoảng niềm tin và những hệ lụy

Dù vị thế suy giảm nhưng Hồng Kông vẫn là trung tâm thương mại lớn thứ năm trên thế giới. Cảng Hồng Kông nằm trong nhóm năm cảng lớn nhất thế giới. Giá trị hàng hóa được giao dịch qua Hồng Kông đạt 977 tỷ USD trong năm 2013, tương đương 5,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Thị trường chứng khoán Hồng Kông lớn thứ sáu trên thế giới, thứ hai ở châu Á, chỉ sau Tokyo. Thị trường bảo hiểm Hồng Kông nằm trong nhóm 10 thị trường hàng đầu, và thị trường hối đoái cũng xếp thứ sáu thế giới.

Để đạt được vị thế như vậy, Hồng Kông đã luôn duy trì độ mở cửa đối với các nhà đầu tư và không áp đặt bất kỳ sự kiểm soát nào đối với dòng vốn. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh ngày càng muốn áp đặt nhiều chính sách từ đại lục để siết chặt Hồng Kông đã khiến người dân Hồng Kông ngày càng lo ngại.

Các cuộc biểu tình gần đây tại Hồng Kông được phân tích không đơn giản là phản ứng với quy định bầu cử mà Bắc Kinh đưa ra cuối tháng 8, nó còn bắt nguồn từ bức xúc và thiếu niềm tin của người Hồng Kông vào chính quyền Trung Quốc.

Sau gần 20 năm về lại với Trung Quốc, những gì người dân Hồng Kông đang trải qua không khiến họ hài lòng. Các vấn đề mà Hồng Kông đang đối mặt là kinh tế phát triển chậm, môi trường sống ô nhiễm, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, tham nhũng tràn lan; Làn sóng người giàu Trung Quốc nhập cư vào Hồng Kông đã khiến giá nhà ở tăng gấp đôi kể từ năm 2009… Thế hệ trẻ Hồng Kông cho rằng họ không được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế như các thế hệ trước đó.

Kinh tế Hồng Kông đã và đang bị tổn thương. Tập đoàn Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng quý IV/2014 của Hồng Kông từ 2,5% xuống 2% với nhận định, chi tiêu vào du lịch sẽ giảm đáng kể. Các nhà phân tích cho rằng, nếu trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông gặp nguy sẽ không chỉ một mình nền kinh tế Hồng Kông hay Trung Quốc "chịu trận"...

                                                                                        Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10-2014

Nỗi lo Hồng Kông

(Tài chính) Bức xúc và thiếu niềm tin vào những nhà cầm quyền, thời gian gần đây, người dân Hồng Kông đã tổ chức biểu tình chiếm trung tâm thành phố. Nếu những cuộc biểu tình này kéo dài sẽ khiến không chỉ một mình nền kinh tế Hồng Kông bị tổn thương.

Xem thêm

Video nổi bật