Nước Anh hâm nóng cuộc đua thuế suất

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Cuộc chạy đua ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các nước trên thế giới tiếp tục được hâm nóng, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cam kết cắt giảm thuế suất xuống mức thấp nhất trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời tăng đầu tư vào khoa học và công nghệ nhằm chuẩn bị cho tương lai hậu Brexit.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuyên bố giảm thuế, song bà May không có ý định dễ dãi với doanh nghiệp, thay vào đó sẽ thắt chặt hơn các quy định về quản trị, đặc biệt là liên quan tới thù lao ban lãnh đạo và trách nhiệm giải trình trước cổ đông.

Giữ trong, gọi ngoài

Bà May chưa thông báo chi tiết mức thuế mục tiêu sẽ là bao nhiêu, nhưng sẽ tiếp tục lộ trình của chính phủ tiền nhiệm. Theo đó, thuế suất năm 2020 sẽ là 17%, vẫn cao hơn 12,5% của Ireland, song lại thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác.

Nữ Thủ tướng Anh khẳng định, kế hoạch giảm thuế sẽ giúp Anh vượt qua “những thách thức trong nền kinh tế đã cản trở quá lâu”, đồng thời tiết lộ chính phủ sẽ đầu tư bổ sung 2 tỷ Bảng mỗi năm từ nay tới 2020 cho nghiên cứu và phát triển để đưa Anh trở thành nước đi đầu về khoa học và công nghệ.

Đối với nước Anh, áp lực phải lấy lòng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết, kể từ sau cuộc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu. Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã có ý tưởng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15%, thậm chí thấp hơn nữa, để xoa dịu tình hình.

Các cuộc thăm dò hậu Brexit cho thấy, hơn 1/5 số doanh nhân được hỏi rất đắn đo về khả năng phải di chuyển địa bàn hoạt động ra khỏi lãnh thổ nước Anh. Vì thế, bà May hy vọng ưu đãi thuế suất sẽ là một lý do thuyết phục để níu chân họ ở lại.

Bên cạnh đó, chính sách thuế còn được kỳ vọng góp phần thu hút các công ty nước ngoài đang tìm kiếm địa chỉ đầu tư không nặng nề về thuế khóa. Những năm gần đây, hầu hết các công ty Mỹ đều tìm đường đến châu Âu, chủ yếu thông qua mua bán sáp nhập, như một giải pháp tiết kiệm chi phí thuế hàng năm. Tại Mỹ, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang lên tới 35%.

Cho dù Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump, từng hùng hồn tuyên bố sẽ kéo thuế suất xuống chỉ còn 15%, nhưng phải chờ đến khi ông bắt tay vào làm thì mới biết được khả thi đến đâu. Lý do đơn giản là Mỹ, giống như Anh, có những khó khăn riêng về tài chính, nên ngân sách chẳng dư dả gì để mà “hào phóng” với doanh nghiệp.

Công cụ “mồi chài”

Phát biểu trước Liên đoàn Công nghiệp Anh - tổ chức đại diện cho 190.000 doanh nghiệp nước này, bà May thẳng thắn bày tỏ quan điểm “Nếu chính phủ đã mở lối tư duy thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải làm như vậy”.

Nữ Thủ tướng Anh thừa nhận quyết định rời EU tạo ra bất ổn cho môi trường kinh doanh, nhưng không vì thế mà áp dụng những biện pháp vội vàng, thiếu bền vững.

“Mục tiêu không chỉ đơn thuần là để nước Anh có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất khối G20 mà quan trọng hơn, phải xây dựng một hệ thống thuế thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”, bà May tuyên bố.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng chiến thuật dùng ưu đãi thuế để “mồi chài” doanh nghiệp mà Anh đang áp dụng có thể làm phức tạp hóa quá trình đàm phán với EU về Brexit, vì bị EU đánh giá là hành vi phản cạnh tranh. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu khẳng định, mỗi thành viên đều có quyền tự quy định thuế suất riêng, nhưng làm gì thì làm cũng phải tôn trọng các quy định của EU.

Bà May không hé lộ nhiều về định hướng mối quan hệ của Anh với EU khi nước này rời đi, ngoài việc vừa muốn ngăn chặn làn sóng nhập cư vừa duy trì thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, các nước thành viên EU rõ ràng là khó chấp nhận để Anh chọn theo kiểu “ăn hết phần ngon” như vậy, trong khi lại phớt lờ yêu cầu đánh đổi từ phía các thành viên khác.