Phải chăng Trung Quốc đang trỗi dậy?

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Trung Quốc có lẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới trong thời gian gần đây, nhất là thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương III của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với Việt Nam, sự mạnh lên hay yếu đi của Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Bài viết này sẽ phân tích hai quan điểm khác nhau về Trung Quốc và những kịch bản đối với các nước láng giềng trong trường hợp nước này mạnh lên.

Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ làm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh và bền vững hơn. Nguồn: internet
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ làm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh và bền vững hơn. Nguồn: internet

Trung Quốc sẽ mạnh lên?

Với việc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế không tưởng (trên 10% một năm) trong suốt ba thập kỷ - điều chưa nước nào làm được - Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới có quy mô chỉ sau Hoa Kỳ. Vào năm 2008, Trung Quốc có thể quyết định gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ nhân dân tệ (586 tỉ đô la Mỹ) một cách dễ dàng; và năm 2009, nước này có đến 5 doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc chi phối nằm trong số 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

Nhà báo và nhà nghiên cứu Martin Jacques cho rằng, tăng trưởng kinh tế ổn định, nhất là trong thời điểm suy thoái đang xảy ra ở các nước phương Tây, phải dẫn đến một sự chuyển dịch quyền lực địa chính trị khi mà cân bằng toàn cầu sẽ chuyển đến Đông Á và đến nước đông dân nhất ở khu vực.

Về kinh tế, tổng GDP theo giá trị danh nghĩa vào cuối năm 2012 của Mỹ là 15.700 tỉ đô la, cao gấp gần hai lần Trung Quốc, và 2,5 lần Nhật Bản, hai nền kinh tế số 2 và số 3 thế giới. GDP bình quân đầu người của Mỹ là 49.802 đô-la, xếp thứ 11 thế giới, nhưng các nước xếp trên họ chỉ là những nền kinh tế nhỏ có quy mô dân số ít hơn 5% dân số nước Mỹ.

Hình dung đơn giản nếu GDP bình quân đầu người của nước Mỹ tăng 2,5%/năm thì mức tăng tuyệt đối sẽ gần 1.250 đô la, thấp hơn một chút so với GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay. Nếu GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng khoảng 8% một năm thì con số tuyệt đối vẫn chưa bằng một nửa Hoa Kỳ.

Nhưng giả sử hai nước này vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng thì sau khoảng 3 thập kỷ nữa GDP bình quân đầu người của hai nước sẽ bằng nhau và nền kinh tế Trung Quốc sẽ gấp hơn 4 lần nền kinh tế Hoa Kỳ, đúng bằng sự khác biệt về dân số.

Phải chăng cả Thế giới mới và Lục địa già đang ở bên kia sườn dốc của sự thịnh vượng và kỷ nguyên của Trung Quốc đang đến? Tác phẩm “Khi nào Trung Quốc cai trị thế giới?” của Martin Jacques vào năm 2009 đã gây rất nhiều chú ý. Quan điểm cho rằng sắp tới là thời của Trung Quốc cũng có những cơ sở nhất định.

Hay Trung Quốc sẽ gặp rắc rối?

Ngược lại, những nghi ngờ về khả năng trỗi dậy của Trung Quốc cũng có những cơ sở và lập luận thuyết phục. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dựa trên một nền tảng thể chế chính trị có nhiều yếu tố khai thác nên khó có thể bền vững nếu không có những cải cách chính trị để trở nên dung nạp hơn.

Samuelson đã từng sai lầm khi cho rằng nền kinh tế Liên Xô sẽ vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ. Trên thực tế, Liên Xô đã sụp đổ. Sở dĩ Liên Xô đã đạt được tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong thập niên 1950 đến 1960, cho dù các nguồn lực được sử dụng rất lãng phí là do năng suất của lĩnh vực được tập trung đầu tư rất cao. Tuy nhiên, theo thời gian, năng suất cao dần biến mất và sự lãng phí gia tăng do cha chung không ai khóc, người lao động không có động cơ làm việc và sáng tạo. Kết quả tất yếu là sự kết thúc của Liên bang Xô Viết và mô hình XHCN thuần túy đã thất bại.

Sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc cũng như một số nước trong thời gian qua cũng được lý giải tương tự như thời hoàng kim của Liên Xô. Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông trở nên tiêu điều, nguồn lực được sử dụng rất kém hiệu quả và nền tảng của xã hội bị tàn phá với những Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa… Bằng các chính sách hợp lý trong giai đoạn cuối thập niên 1970 đến thập niên 1990 Đặng Tiểu Bình và những cộng sự của ông đã định hướng việc sử dụng nguồn lực vào những lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Những cách thức mà Đặng Tiểu Bình đã sử dụng để vực dậy một nước Trung Hoa điêu tàn dưới thời Mao Trạch Đông là rất đáng tham khảo và được Ezra Vogel mô tả rất kỹ trong Đặng Tiểu Bình và sự chuyển đổi ở Trung Quốc.

Việc không đụng đến Mao Trạch Đông nói riêng, hệ thống hiện hữu lúc đó nói chung mà chỉ tập trung tạo ra những nhân tố mới (như các đặc khu kinh tế tách hẳn với sự cồng kềnh và kém hiệu quả của hệ thống hiện hữu chẳng hạn) của Đặng Tiểu Bình đã đem lại sự thần kỳ cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, dư địa cho tăng trưởng dần cạn kiệt và những nhóm đặc quyền được hình thành rõ nét và trở nên mạnh mẽ hơn đã đặt Trung Quốc trước một thách thức rất lớn trong thời gian tới. Daron Acemoglu và James Robinson (2012) cho rằng:

Sự tăng trưởng của Trung Quốc có khả năng sẽ đến hồi kết, đặc biệt là khi Trung Quốc đạt đến mức sống của một nước có thu nhập trung bình. Kịch bản có khả năng nhất là Đảng Cộng sản Trung Quốc hay tầng lớp tinh hoa kinh tế (economic elite) có quyền lực đang gia tăng sẽ kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong vài thập kỷ tới. Trong trường hợp này, lịch sử và lý thuyết của chúng tôi chỉ ra rằng tăng trưởng với sự phá hủy sáng tạo (creative destruction) và sự cách tân thực sự sẽ không xảy ra và mức độ tăng trưởng kinh tế cao hiện nay sẽ dần biến mất.

Nhận định này cũng rất giống với nhận định của của Edward Luttwak (2012) trong tác phẩm Sự trỗi dậy của Trung Quốc so với Lô-gic của Chiến lược. Sử dụng các nguyên lý lô-gic của chiến lược, tác giả này cho rằng, “Quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế thứ hai thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một sự đổ vỡ.”

Nếu Trung Quốc mạnh lên?

Điều khuyến khích là các thể chế kinh tế ở Trung Quốc hiện tại mang tính chất dung hợp hơn thời Xô Viết rất nhiều. Sự cọ xát và xung đột giữa các thể chế kinh tế dung hợp và thể chế chính trị khai thác đang diễn ra ngày một gay gắt hơn.

Nếu cấu trúc thể chế tước đoạt không được điều chỉnh hợp lý thì lời nguyền của bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi đối với Trung Quốc. Ngược lại, nếu Trung Quốc có thể tiến hành cải cách để trở nên hiệu quả và hợp lý hơn thì khả năng trở thành một siêu cường là rất rõ ràng.

Khi đó, nếu Trung Quốc có thể xây dựng được lòng tin với các nước, nhất là với các láng giềng thì nhân loại sẽ tốt lên và các nước láng giềng cũng được hưởng lợi từ sự thịnh vượng của nước này. Đây là điều mong đợi của nhiều người.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc thành công trong phát triển kinh tế, nhưng nếu họ vẫn dựa vào cách tiếp cận trong quá khứ với tư tưởng nước lớn coi các nước láng giềng chỉ là những nước nhỏ, nước chư hầu thì tình hình trong khu vực nói riêng, thế giới nói chung sẽ rất khó lường.

Tôn Tử Binh pháp được xem là thuật trị quốc của người Trung Hoa và ngày nay được dạy rất nhiều ở các trường kinh doanh hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung mà ở đó là những chiêu thức lừa đối phương chứ không phải tạo ra lòng tin đích thực.

Hơn thế, việc Trung Quốc làm nóng những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc và để đánh lạc hướng dư luận trong nước về những vấn đề nội tại đang làm xói mòn lòng tin của các nước láng giềng và đang thúc đẩy họ tạo ra liên minh với nhau cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Đây là điều không tốt cho cả hai bên vì nó tiềm ẩn một cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và thịnh vượng của các nước.

Với một nước láng giềng như Việt Nam, việc Trung Quốc rơi vào bất ổn hay kém phát triển sẽ không đem lại lợi ích. Tuy nhiên cũng có những điều rất đáng lo ngại với sự trỗi dậy của Trung Quốc khi mà khả năng họ vẫn giữ cách tiếp cận từ trước đến nay như phân tích ở trên. Lòng tin tạo ra vốn xã hội trong các cộng đồng, trong khi sự tin cậy và quang minh chính đại tạo ra quyền lực mềm cho các quốc gia trên phương diện quốc tế.

Liệu khi mạnh lên, Trung Quốc có thể tạo dựng được lòng tin và cùng chia sẻ các lợi ích để trở thành một nước lớn thực sự và các nước khác cùng có lợi? Đây là điều mà những nước láng giềng như Việt Nam đang rất quan tâm mà trong một phân tích gần đây nhất, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos đã đặt thẳng câu hỏi: Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội lớn hay là một đe dọa đối với khu vực?