Phân bổ tài sản - Câu hỏi không lời đáp

Theo cafef.vn

(Tài chính) Mua ở giá thấp, bán ở giá cao; thường xuyên cân bằng và đa dạng hóa danh mục là những điều tưởng như hiển nhiên nhưng chúng quá đơn giản hoặc quá khó để thực hiện trong thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
“Không ai biết trước cái gì cả” là lời nói của nhà biên kịch William Goldman khi ông nhận định về ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, điều này cũng đúng với đầu tư. Nhìn lại lịch sử, người ta có thể thấy đầy rẫy ví dụ về những người thông minh sáng suốt mắc phải sai lầm lớn.

Một vài bộ óc siêu việt nhất của phố Wall hay của giới học thuật đã đứng sau Long-Term Capital Management (LTCM) – quỹ đầu cơ sụp đổ vào năm 1998. LTCM sụp đổ sau khi đi theo chiến dịch mà trong đó những người đứng đầu quỹ này tin rằng thị trường đang định giá quá thấp những tài sản thiếu thanh khoản và định giá quá cao những tài sản có tính thanh khoản cao. LTCM cũng sử dụng rất nhiều đòn bẩy tài chính. Như Warren Buffett đã nhận xét lúc đó, để kiếm số tiền mà họ không có và không cần, họ đã mạo hiểm với những gì mà họ đang có và đang cần. 

Kể cả những sự thật hiển nhiên vẫn thường được rao giảng về đầu tư – mua ở giá thấp, bán ở giá cao; thường xuyên cân bằng và đa dạng hóa danh mục – cũng trở nên quá đơn giản hoặc quá khó để thực hiện trong thực tế. 

“Mua vào khi giá thấp và bán ra khi giá cao” là điều nghe rất hợp lý. Tuy nhiên, sẽ là quá khó để mua vào (hoặc thậm chí là để không bán) khi mà thị trường đang lao dốc và tất cả mọi người đều hoảng loạn. Phố Wall chạm đáy năm 1932 nhưng thị trường đã giảm điểm suốt từ năm 1929 và do đó có quá ít nhà đầu tư còn đủ tiền hay đủ tự tin để mua vào. 

Kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các nhà quản lý quỹ cũng không dễ dàng có thể bắt đáy chính xác. Họ đánh mất khách hàng khi thị trường giảm điểm, bởi vậy khi lợi suất trong tương lai ở mức cao nhất, họ không còn nhiều tiền. 

Một số người cho rằng câu trả lời cho vấn đề này là hãy tự động tái cân bằng danh mục bởi một số khoản đầu tư là hợp lý nhưng các khoản đầu tư khác sẽ mất đi giá trị để có thể duy trì sự phân bổ ban đầu. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Hãy tưởng tượng rằng vào năm 1990, bạn có danh mục cân bằng 50/50 giữa chứng khoán Nhật và chứng khoán Mỹ. Nếu sau mỗi năm bạn đều tái cân bằng danh mục, đến năm 2009, lợi suất trung bình năm ở mức 3,64%. Còn nếu bạn không tái cân bằng, lợi suất lên đến 5,16%. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán Nhật Bản đã ở tình trạng “con gấu” trong suốt 20 năm qua.

Giá trị ban đầu ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận trong tương lai. Điều này đặc biệt đúng với trái phiếu. Tuy nhiên, điều này sẽ phức tạp hơn một chút đối với cổ phiếu. Mua cổ phiếu khi chỉ số P/E đã điều chỉnh theo chu kỳ ở mức cao, hoặc khi tỷ lệ cổ tức trên giá cổ phiếu ở mức thấp, lợi suất dài hạn sẽ thấp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Elroy Dimson, Paul Marsh và Mike Staunton (các giáo sư của London Business School) cho thấy đi theo chiến lược đầu tư sử dụng tỷ lệ cổ tức trên giá cổ phiếu trong quá khứ sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn chiến lược đơn giản là mua và giữ cổ phiếu. 

Để loại bỏ những vấn đề này, nhà đầu tư được khuyến cáo phải đa dạng hóa danh mục. Lời khuyên là hãy chọn lựa các loại tài sản dựa trên lý thuyết tối ưu bao gồm các nhân tố như mức lợi suất kỳ vọng, mức độ biến động và mối tương quan đối với các tài sản khác. 

Tuy nhiên, các nhân tố này không phải là bất biến. Chạy theo tối ưu hóa có thể khiến những nhân tố cơ bản thay đổi. Hãy lấy thị trường hàng hóa làm ví dụ. Giá tương lai thường có xu hướng thấp hơn giá giao ngay, bởi vậy mua theo hợp đồng tương lai sẽ tự động mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, vì quá nhiều nhà đầu tư đi theo cách này, lợi nhuận không còn nữa.

Điều tốt nhất mà nhà đầu tư có thể làm là hãy thực tế. Lợi suất mà các khoản đầu tư mang lại đang giảm dần, có lẽ bởi nhà đầu tư không còn kiên nhẫn như trước hoặc có thể bởi vì xã hội ít chuộng rủi ro hơn. 

Giống như trái phiếu, lợi suất của trái phiếu có xu hướng thấp hơn mức thường thấy. Lợi nhuận thu được trong tương lai được tính bằng cách lấy tỷ lệ lợi tức trên cổ phiếu cộng với % tăng trưởng cổ tức và sau đó cộng (hoặc trừ) % thay đổi về giá trị. Các dữ liệu lịch sử cho thấy cổ tức tăng trưởng 1,5%/năm trong khi tỷ lệ lợi tức trên cổ phiếu ở mức 2,1%. Như vậy mức lợi tức kỳ vọng là 3,6%. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu quay trở lại mức trung bình trong lịch sử, lợi tức kỳ vọng chỉ ở mức 2%.  

Đây vẫn là mức đáng để theo đuổi, miễn là nhà đầu tư luôn khắc ghi trường hợp của LTCM và không quá tham lam.