Phố Wall: Giá vàng vượt qua sức mạnh của đồng USD

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Chờ đợi các thông tin quan trong sắp tới gồm bài phát biểu của Chủ tịch FED, Janet Yellen và bảng lương phi nông nghiệp khiến phố Wall tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, dù đồng USD tăng mạnh, nhưng giá vàng đã vượt qua bóng của đồng bạc xanh để hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chứng khoán Mỹ mở đầu tuần mới không mấy khả quan khi cả 3 chỉ số chính có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp do tác động của nhóm cổ phiếu y tế và bán lẻ. Mùa mua sắm năm nay có vẻ không mấy khả quan, khiến chỉ số S&P bán lẻ giảm 1%.

Nhà đầu tư phố Wall cũng thận trọng để chờ đợi các thông tin quan trong trong tuần. Đầu tiên là bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed, sau đó là bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào ngày cuối tuần. Đây là các cơ sở chính để xem Fed có đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới đây hay không.

Ngoài ra, trong tuần còn có các dữ liệu khác như sản xuất tháng 11 và báo cáo bán hàng tự động.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Dow Jones giảm 78,57 điểm (-0,44%), xuống 17.719,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,7 điểm (-0,46%), xuống 2.080,41 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,86 điểm (-0,37%), xuống 5.108,67 điểm.

Trong tháng 11, chỉ số Dow Jones tăng 0,32%, chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,05% và Nasdaq tăng 1,09%. Như vậy, sau tháng 10 tăng mạnh nhất 4 năm, phố Wall gần như chỉ đi ngang trong tháng 11 do chịu nhiều thông tin trái chiều.

Trái ngược với chứng khoán Anh, Mỹ, chứng khoán khu vực eurozone lại tăng khá tốt trong phiên đầu tuần khi đồng euro giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng so với đồng USD và kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tung ra gói kích thích kinh tế trong cuộc họp tuần này.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 19,06 điểm (-0,30%), xuống 6.356,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 88,47 điểm (+0,78%), lên 11.382,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,46 điểm (+0,56%), lên 4.957,6 điểm.

Trong tháng 11, chỉ số FTSE 100 giảm 0,08%, trong khi chỉ số DAX tăng 4,9% và chỉ số CAC 40 tăng 1,22%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm do giới đầu tư chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của Trung Quốc, cũng như dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 10 vừa công bố kém khả quan. Tuy nhiên, với trong tháng 11, có lúc Nikkei 225 duy trì chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp, nên chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có tháng tăng trong tháng 11, thậm chí mạnh hơn nhiều tháng 10.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm điểm sau đà lao dốc cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức giảm trong phiên đầu tuần đã được hãm bớt khi chứng khoán đại lục đảo chiều tăng điểm vào cuối phiên.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục hồi phục sau thông tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ chung, qua đó tạo kỳ vọng chứng khoán đại lục sẽ dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 136,47 điểm (-0,69%), xuống 19.747,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 71,9 điểm (-0,33%), xuống 21.996,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 9,1 điểm (+0,26%), lên 3.445,40 điểm.

Trong tháng 11, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,48%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,86%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,84%.

Vượt qua sức mạnh của đồng USD khi đồng bạc xanh đang ở mức cao nhất nhiều tháng, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới đúng như dự đoán của các nhà đầu tư và giới phân tích trong cuộc thăm dò của Kitco cuối tuần trước.

Thông tin đáng lưu tâm trong phiên là việc IMF đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào rổ tiền tệ chung. Tuy nhiên, thông tin này ít tác động tới các thị trường, ngoại việc nó cho thấy sức mạnh và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc.

Giá vàng tăng trong phiên đầu tuần chủ yếu là sự phục hồi kỹ thuật khi giá kim loại quý này đã giảm xuống mức thấp nhất 5,5 năm và đang ở mức hỗ trợ được xem là mạnh 1.060 USD/ounce, do đó kích thích lực cầu bắt đáy.

Trong cuộc thăm dò cuối tuần trước, đa số nhà đầu tư và phân tích đều dự đoán giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này.

Kết thúc phiên 30/11, giá vàng giao ngay tămg 7,9 USD (+0,75%), lên 1.064,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,9 USD (+0,94%), lên 1.065,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 9,2 USD (+0,87%), lên 1.065,3 USD/ounce.

Trong tháng 11, giá vàng giao ngay giảm 6,76%, giá vàng giao tháng 12 giảm 6,65% và giá vàng giao tháng 2/2016 giảm 6,74%.

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần do sức ép của đồng USD, nhưng mức giảm thấp hơn rất nhiều khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Với nỗi lo dư cung, trong tháng 11, giá dầu đã giảm tới 10%.

Kết thúc phiên 30/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,06 USD/thùng (-0,14%), xuống 41,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,25 USD (-0,56%), xuống 44,61 USD/thùng. Trong tháng 11, giá dầu thô Mỹ giảm tới 10,6%, trong khi giá dầu thô Brent cũng giảm tới 9,99%.