Phố Wall hồi nhẹ, giá dầu níu giá vàng

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Sau chuỗi phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần, phố Wall đã có phiên hồi nhẹ trong ngày thứ Năm. Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán khác vẫn khác tiêu cực, trong khi giá dầu và vàng tiếp tục giảm, đặc biệt là dầu thô.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong phiên thứ Năm, dù không có thông tin quan trọng nào được công bố, nhưng sau chuỗi giảm khá mạnh đầu tuần, lực cầu bắt đáy đã giúp phố Wall hồi phục. Tuy nhiên, mức tăng chỉ khiêm tốn khi nhà đầu tư đang hướng tới cuộc họp của Fed trong tuần tới với nhiều khả năng cơ quan này sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 10 năm.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Dow Jones tăng 82,45 điểm (+0,47%), lên 17.574,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,61 điểm (+0,23%), lên 2.052,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,31 điểm (+0,44%), lên 5.045,17 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ. Dù vậy, khi bị đẩy xuống mức thấp nhất 2 tháng, chứng khoán châu Âu đã bật trở lại và hãm bớt đà giảm điểm trong phiên này.

Chứng khoán châu Âu đã giảm 6% kể từ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra chính sách tiền tệ gây thất vọng cho nhà đầu tư hồi đầu tháng 12.

Trong phiên thứ Năm, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh khi nhóm cổ phiếu của ngành cung cấp thiết bị công nghiệp lao dốc sau thông tin bạn hàng Trung Quốc cắt giảm đơn đặt hàng.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 38,63 điểm (-0,63%), xuống 6.088,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 6,44 điểm (+0,06%), lên 10.598,93 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,39 điểm (-0,05%), xuống 4.635,06 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng so với đồng USD đã khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Năm và đóng cửa ở mức thấp nhất 5 tuần.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục có phiên giảm điểm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tài nguyên khi giới đầu tư thận trọng với nhóm này khi giá nguyên vật liệu vẫn giảm trước khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tuần tới. Chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều giảm trở lại sau phiên tăng nhẹ trước đó nhờ dữ liệu kinh tế công bố tương đối khả quan trước đó.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 254,52 điểm (-1,32%), xuống 19.046,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 99,15 điểm (-0,45%), xuống 21.704,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,94 điểm (-0,49%), xuống 3.455,5 điểm.

Cũng giống thị trường chứng khoán, giá vàng trong phiên thứ Năm cũng dao động trong phiên độ hẹp giống phiên trước đó khi nhà đầu tư giữ thái độ thận trọng trước cuộc họp của Fed.

Giá vàng chỉ đi ngang sát dưới mốc 1.075 USD/ounce trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Năm và đóng cửa tiếp tục giảm nhẹ do áp lực giá dầu thô giảm và đồng USD tăng.

Kết thúc phiên 10/12, giá vàng giao ngay giảm 1,0 USD (-0,09%), xuống 1.071,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 4,5 USD (-0,42%), xuống 1.072,0 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, đà giảm của giá dầu thô chưa có dấu hiệu dừng lại khi mối lo dư cung vẫn còn hiện hữu. Trong phiên thứ Năm, giá dầu thô tiếp tục giảm 1%, xuống mức thấp nhất từ năm 2009 khi sản lượng dầu từ Trung Đông tiếp tục tăng. Trong phiên này, giá dầu thô Brent đã chính thức mất mốc 40 USD/thùng và dầu thô Mỹ chia tay mốc 37 USD/thùng.

Kết thúc phiên 10/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,4 USD/thùng (-1,09%), xuống 36,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,38 USD (-0,96%), xuống 39,73 USD/thùng.