"Quả bom hẹn giờ" trong nền kinh tế Trung Quốc

Theo Trí thức trẻ

(Tài chính) Mọi người đang bắt đầu nói về một mối nguy hiểm mới trong hệ thống tài chính Trung Quốc: chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (asset-backed securities – ABS).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nội dung nổi bật:

- Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS) đang phát triển mạnh trên thị trường tài chính Trung Quốc

- Giới phân tích lo ngại loại tài sản này sẽ đe dọa hệ thống tài chính vì tài sản đảm bảo chủ yếu là nợ doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với nhiều áp lực


ABS là một loại trái phiếu cơ bản có thể được đảm bảo bằng một số tài sản như các khoản vay, nợ thẻ tín dụng hay các khoản mà doanh nghiệp có quyền hưởng trong tương lai.

Cấu trúc của chứng khoán bảo đảm bằng tài sản gần như giống hệt chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại này là ở tài sản đảm bảo, với chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp là bất động sản, còn với chứng khoán bảo đảm bằng tài sản là các dòng tiền hay nói cách khác là các khoản mà doanh nghiệp có quyền hưởng trong tương lai như tiền trả góp mua ô tô, mua nhà; tiền lãi từ tài khoản thẻ tín dụng...

Nhiều chuyên gia cho rằng ABS bùng nổ đang thổi phồng bong bóng tín dụng vì chúng biến nợ thành tiền mặt một cách nhanh chóng, đồng thời đem đến cho nhà đầu tư loại tài sản có lợi suất cao nhưng lại ít rủi ro.

Các công ty tín thác của Trung Quốc đã bắt đầu mua ABS một cách ồ ạt, và tình trạng hiện nay có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm quản lý tài sản (WPS) - loại sản phẩm phái sinh nguy hiểm đã từng rất phổ biến trước đây.

Một báo cáo mới được công bố ước tính kể từ đầu năm đến nay các công ty tài chính của Trung Quốc đã phát hành khoảng 127 tỷ USD các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, tăng mạnh so với mức 44 tỷ USD của năm ngoái.

Trong một báo cáo mới đây, Christoper Wood – chuyên gia phân tích tại CLSA – cũng nhận định chính các công ty tín thác tạo nên làn sóng WMP giờ đây lại trở thành những người “đóng gói” ABS.

Trung Quốc đang nỗ lực “dọn sạch” khu vực ngân hàng và WMP trở thành một thứ lỗi thời vì những lý do hoàn toàn tốt. Nhiều năm về trước, nhà đầu tư được hứa hẹn rằng những sản phẩm này đem lại mức lợi suất tối thiểu 2% mà không đi kèm với rủi ro nào. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy và những nhà đầu tư nổi giận.

Dẫu vậy, những gì đã xảy ra với WMP không có nghĩa là các nhà đầu tư ngừng đuổi theo lợi nhuận. “Nghiên cứu trên 60 sản phẩm ABS được phát hành trong năm 2014 cho thấy hầu hết trong số chúng đều tập trung vào các khoản vay nợ của doanh nghiệp với mức lợi suất trung bình 5,7% và kỳ hạn trung bình 22 tháng. Trong khi đó, một nhà đầu tư rót tiền vào không cần phải đợi đến khi sản phẩm đáo hạn mà có thể bán chúng bất cứ lúc nào. ABS hiện được giao dịch trên thị trường liên ngân hàng”, Wood nói.

Tuy nhiên, chính mảng này là điều khiến giới phân tích lo lắng. Các khoản nợ của doanh nghiệp chiếm gần 92% tài sản đảm bảo của ABS, trong khi từ lâu nay các chuyên gia phân tích luôn cho rằng vấn đề lớn nhất trong núi nợ của Trung Quốc nằm ở nợ doanh nghiệp. Họ là những người đi vay lớn nhất và hiện đang phải chịu quá nhiều áp lực.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chuyển đổi từ dựa vào đầu tư sang lấy tiêu dùng làm động lực phát triển, lợi nhuận của khối doanh nghiệp cũng bị thu hẹp. Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Kaisa – một công ty bất động sản khá lớn của Trung Quốc – vừa vỡ nợ trái phiếu.

Nợ đang được “đóng gói lại” và quay vòng quanh các nhà đầu tư trong thời điểm có thể coi là tồi tệ. Sẽ là không ngoa khi ví các ABS như một “quả bom hẹn giờ” trong lòng kinh tế Trung Quốc.