Quan ngại lợi tức trái phiếu sụt giảm

Theo thoibaonganhang.vn

Sự suy giảm tiếp tục của lợi tức trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán quốc tế tuần qua đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng tiếp tục tồi tệ hơn của kinh tế toàn cầu.

Số lượng trái phiếu có lợi tức ở mức âm đã vượt 10 nghìn tỷ USD. Nguồn: internet
Số lượng trái phiếu có lợi tức ở mức âm đã vượt 10 nghìn tỷ USD. Nguồn: internet

Theo Jason Simpson, chiến lược gia trong lĩnh vực đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định của Societe Generale, thu nhập bảo đảm của các tài sản này có thể giảm sâu hơn trong tháng 6.

Nếu như sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chi phí tài chính cho các khoản vay mượn quốc tế của chính phủ các nước vào khoảng trên dưới 7%/năm thì hiện đã xuống mức rất thấp, trên dưới 1%/năm.

Hiện tại, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở hầu hết các nền kinh tế tại khu vực châu Âu chỉ còn dao động trong khoảng 1,25-1,5%/năm, riêng lợi tức trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 0,027%/năm.

Trong khi đó, trái phiếu Mỹ giảm xuống mức 1,67%/năm, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Đặc biệt, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Thụy Sỹ và Nhật Bản hiện đang có lãi suất âm.

Theo hãng định giá tín nhiệm Fitch, số lượng trái phiếu chính phủ có lợi tức ở mức âm đang có chiều hướng gia tăng, hiện đã vượt 10 nghìn tỷ USD. Thực tế đó đã đặt ra một câu hỏi rằng, liệu thế giới có phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trên thị trường nợ chính phủ và công ty hay không?

Mặc dù tranh cãi về nhận định trên còn chưa ngã ngũ, nhưng theo giới phân tích thì đây thực sự là một tín hiệu bi quan về kinh tế toàn cầu. Kết quả có thể dẫn đến những đợt cắt giảm lãi suất và thu nhập trái phiếu cũng sẽ giảm xuống tương ứng.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những vấn đề mà thị trường vẫn đang “phập phồng” dự đoán như kết quả của hiệp ước Brexit, tương lai điều chỉnh lãi suất của Mỹ, quy mô các gói nới lỏng định lượng của khu vực châu Âu, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, thì thực trạng của thị trường trái phiếu chính phủ hiện nay còn là kết quả của chính sách lãi suất thấp, chính sách lãi suất âm của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước lớn.

Hơn thế, sự suy giảm lợi tức trái phiếu chính phủ không chỉ là vấn đề nghiêm trọng trong môi trường lãi suất thấp mà nó còn có thể trở thành nguyên nhân tình trạng thua lỗ nặng của giới đầu tư, nếu lãi suất tăng trở lại.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, chính sách lãi suất âm của NHTW các nước lớn và xu hướng giảm sâu của lợi tức trái phiếu dài hạn có thể hủy hoại các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi vì, một mặt chính sách lãi suất âm sẽ vắt kiệt lợi nhuận của các NHTM khi họ phải gửi dự trữ bắt buộc tại NHTW.

Để bù đắp chi phí cho mình, các NHTM sẽ áp dụng lãi suất cao hơn cho các khách hàng và thực tế đó cũng có thể ảnh hưởng đến việc hạn chế đưa tín dụng ra nền kinh tế, kết quả là thu nhập của các NHTM cũng giảm xuống.

Mặt khác, NHTM cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nắm giữ trái phiếu chính phủ bên cạnh các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm và các tổ chức đầu tư - là những tổ chức đang tìm kiếm rủi ro thấp nên khi lợi tức trái phiếu giảm xuống cũng có nghĩa là thu nhập từ hoạt động đầu tư của các NHTM cũng giảm sút.

Ngoài ra, lợi tức trái phiếu suy giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến sự thua lỗ lớn hơn của những nhà đầu tư, trong bối cảnh lãi suất điều hành của Mỹ có thể tăng bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, giá cả và thu nhập của trái phiếu thường vận động theo hai xu thế đối lập nhau, vì vậy khi thu nhập của trái phiếu “quay đầu” tăng trở lại khi lãi suất tăng thì giá cả sẽ giảm mạnh và những người nắm giữ trái phiếu sẽ rơi vào trạng thái thua lỗ.

Goldman Sachs đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng, sự tăng bật trở lại của lãi suất khoảng 1 điểm phần trăm có thể tạo ra một nghìn tỷ USD thua lỗ cho những người nắm giữ trái phiếu, và việc tăng lãi suất có thể xảy ra trong vòng 6 tháng tới.

Bên cạnh đó, việc tăng chi phí vay mượn trong tương lai có thể là một thông tin xấu cho kế hoạch chi tiêu của chính phủ các nước đang sở hữu một khối lượng nợ lớn. Chính vì thế, sự gia tăng của lãi suất được giới chuyên gia ví von sẽ dẫn đến “sự tan chảy của chùm sao băng” vào bất cứ một ngày nào đó trong tương lai gần.