Santa Claus Rally: Vì sao nhà đầu tư chứng khoán "yêu thích" tháng 12 nhất?

Theo gafin.vn

(Tài chính) Liệu đợt tăng điểm theo quy luật "Santa Claus Rally" có lặp lại trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 12 năm nay?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Santa Claus Rally: Thị trường tăng điểm và món quà của ông già Noel

Nhà đầu tư đang dự báo về đợt tăng điểm có tên "Santa Claus Rally" và đôi khi còn được gọi là "Santa Claus effect" (tạm dịch: Hiệu ứng ông già Noel), hoặc "December Effect" (Hiệu ứng tháng 12). Thuật ngữ trên được đưa ra lần đầu tiên bởi Yale Hirsch vào năm 1972, nhằm phản ánh hiện tượng có tính quy luật khi thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng điểm trong 5 phiên cuối cùng của năm và 2 phiên đầu tiên của năm mới. Ngoài ra còn có nhiều cách gọi về "Santa Claus Rally", một trong số đó còn là "January effect" (tạm dịch: Hiệu ứng tháng Giêng). Sở dĩ có cách gọi như vậy là bởi vì các nhà đầu tư thường bán các cổ phiếu lỗ vào tháng 12 để bù đắp cho phần lợi nhuận chịu thuế trước cuối năm, nhưng sẽ mua lại những cổ phiếu này vào tháng 1 năm sau đó và thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Từ năm 1896 khi chỉ số công nghiệp Dow Jones bắt đầu được giao dịch, đã có 77% các năm thị trường giao dịch theo đúng xu thế trên. Mức tăng điểm trung bình được ghi nhận qua các năm là 2,8%.

GAFIN_DATA

Trong vòng 100 năm qua, tháng 12 được đánh giá là thời điểm tốt nhất trong năm đối với Dow Jones. Số liệu thống kê của tập đoàn đầu tư Bespoke cho thấy, trong suốt 1 thế kỉ qua, tháng 12 là thời gian Dow Jones tăng mạnh nhất với tỷ lệ tăng trung bình 1,42%. Có đến 73% các năm tuân theo xu hướng tăng điểm trong tháng 12. Thậm chí mức tăng của Dow Jones trong tháng 12 còn ấn tượng hơn nếu tính toán trong 50 năm và 20 năm trước, với tỷ lệ tăng trung bình hơn 1,5%.

Tuy nhiên trong vòng 50 năm trở lại đây thì tháng 12 được xem là tháng tốt thứ hai, sau tháng 4 hàng năm.

Tháng 12 này thì sao?

Chiến lược gia trưởng trong lĩnh vực chứng khoán của JPMorgan, Tom Lee mới đây đã nâng dự báo S&P 500 trong tháng cuối cùng của năm lên 1.825 điểm, cao hơn mức điểm hôm nay khoảng 1,3%.

Trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số Dow Jones chỉ tăng 0,6%, S&P 500 cũng chỉ tăng 0,7% và Nasdaq có mức tăng thấp hơn 0,3%.

Tháng cuối cùng của năm nay đã đến, có vẻ như xu hướng tốt vẫn tiếp tục, nhất là khi vào cuối tháng 11 vừa qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều ghi nhận mức cao kỉ lục. Vào ngày 22/11, Dow Jones lần đầu chốt phiên trên 16.000 điểm. Sau đó gần 1 tuần, cả S&P 500 và Dow Jones cùng lập kỉ lục lần lượt trên 1.800 và 16.000 điểm. Cho đến hôm nay 4/12, Dow Jones vẫn kháng cự quanh mốc 16.000 điểm.

Với những diễn biến tích cực cuối tháng 11 vừa qua, một số nhà phân tích đã điều chỉnh dự báo thị trường đối với chỉ số Dow Jones và S&P 500 bằng hoặc cao hơn trong tháng cuối năm.

Ngưỡng cao kỉ lục được xác lập trong tháng 11 khó có thể hỗ trợ cho sự tăng điểm trong tháng cuối năm nếu thị trường chứng khoán Mỹ bị định giá quá cao.
Ngưỡng cao kỉ lục được xác lập trong tháng 11 khó có thể hỗ trợ cho sự tăng điểm trong tháng cuối năm nếu thị trường chứng khoán Mỹ bị định giá quá cao.

Tuy nhiên cũng có những nhận định trái ngược vì cho rằng, sự tăng điểm mạnh trong tháng 11 vừa qua khó tiếp tục do là “mức tăng không chất lượng”. Có quan điểm gần như tương tự, Sean Corrigan - chiến lược gia của công ty đầu tư tài chính Diaspason Commodities cho rằng, các nhà đầu tư sẽ không mua vào nữa bởi thị trường chứng khoán Mỹ đã được định giá quá cao. Ngay đầu tuần này, nhiều nhà kinh tế nổi tiếng trên thế giới như Shiller hay Greenspan đều đã lên tiếng về việc có hay không bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ?

Không có lời đáp chính xác cho tất cả, nhưng đôi khi câu hỏi còn quan trọng hơn câu trả lời. Nhất là khi câu hỏi về bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ đang bộc lộ một tâm lý phân vân đối với nhà đầu tư về việc giá chứng khoán có đang bị định giá quá cao hay không. Quan trọng hơn, nếu điều đó là có thật thì liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sớm cắt giảm gói nới lỏng định lượng khổng lồ lên đến 85 tỷ USD hàng tháng hay không?

Nếu có, trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tăng vọt, mà theo quy luật, nước sẽ chảy vào chỗ trũng và tiền sẽ đổ về nơi có tỷ suất sinh lời cao hơn. Như vậy thì tháng 12 năm nay, chứng khoán Mỹ bắt đầu có lý do để lo lắng khi không nhận được quà từ ông già Noel như nhiều năm qua.