Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Với những gì đã diễn ra, có thể nói 2014 là một năm đầy bấp bênh đối với các thị trường tài chính toàn cầu. Trước khi Israel xâm lược Gaza và máy bay Malaysia rơi tại Ukraina, đã có lúc xu hướng giá lên (bull market) của các TTCK toàn cầu có nguy cơ chấm dứt vì 6 sự kiện đáng chú ý được CNN Money đề cập dưới đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng những biến cố này có thể chấm dứt xu hướng giá lên của thị trường nhưng cho đến nay chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục đi lên bất chấp nhiều trở ngại, trong đó nổi lên là các bất ổn địa chính trị. Sau đây là các sự kiện đã khiến thị trường “thót tim” trong năm nay.

1. Cuộc khủng hoảng “mini” tại các thị trường mới nổi

Ngày xảy ra sự kiện: Cuối tháng 1/2014

Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014 - Ảnh 1 

Còn nhớ vào tháng 1/2014, nhà đầu tư bắt đầu lo sợ trước đà rơi tự do của trái phiếu và tiền tệ tại các thị trường mới nổi. Khi đó, 5 quốc gia được biết đến với cụm từ ““Fragile Five” gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đang bên bờ vực sụp đổ. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của đồng peso Argentina.

Nhà đầu tư lo sợ rằng tình trạng này có thể lây lan sang các thị trường khác và tạo nên một “đại dịch” nghiêm trọng.

Trong giai đoạn từ ngày 21/01 đến 05/02, sự rối loạn tại các thị trường mới nổi đã khiến S&P 500 bốc hơi 6% và suýt đẩy chỉ số này lần đầu tiên rơi vào phạm vi điều chỉnh với mức sụt giảm 10% kể từ tháng 11/2012.

2. Crimea

Ngày xảy ra sự kiện: Tháng 3/2014

Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014 - Ảnh 2 

Quyết định thôn tính Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến căng thẳng Mỹ-Nga tăng lên mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh lạnh.

Nhà đầu tư Mỹ lo lắng rằng xung đột Ukraina có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh với quy mô rộng hơn hay các hình phạt nghiêm khắc có thể tác động xấu đến các thị trường toàn cầu. Riêng TTCK Mỹ cũng đã nhiều phen chao đảo trong tháng 3 và tháng 4 khi căng thẳng leo thang.

Hiện các mối lo ngại này đã phần nào lắng dịu nhưng vẫn chưa rút lui hoàn toàn.

3. Sai sót “lỡ lời” của Tân Chủ tịch Fed Janet Yellen

Ngày xảy ra sự kiện: 19/03/2014

Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014 - Ảnh 3 

Hôm 19/03, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã biết được sự lỡ lời của người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ ngay lập tức khiến thị trường hoảng loạn như thế nào.

Trả lời phỏng vấn của một phóng viên về việc định nghĩa cụm từ “một thời gian dài” trước khi nâng lãi suất, Chủ tịch Yellen cho biết “nhiều khả năng là khoảng 6 tháng”. Sau nhận định của bà Yellen, Dow Jones lao dốc tới 180 điểm.

Tuy nhiên, việc nâng lãi suất sớm vào tháng 9 tới không phải là những gì mà Phố Wall mong đợi. Vì vậy, các thị trường đã nổi cơn thịnh nộ vì lo sợ rằng Fed sẽ nâng lãi suất trước khi nền kinh tế sẵn sàng đón nhận động thái này. Trên thực tế, phải mất tổng cộng 9 phiên giao dịch, S&P 500 mới có thể khôi phục lại toàn bộ số điểm đã mất do nhận định của bà Yellen.

4. Đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu đầu tư theo xu hướng

Ngày xảy ra sự kiện: Tháng 4/2014

Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014 - Ảnh 4 

Một phát hiện đáng lo ngại đã tác động đến nhiều nhà đầu tư vào đầu mùa xuân năm nay, đó là nhiều cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư theo xu hướng (momentum stocks) đã có định giá quá cao.

Nói cách khác, dựa trên mức lợi nhuận ước tính, những cổ phiếu này dường như có giá quá đắt. Nổi lên trong số đó là công nghệ sinh học và truyền thông xã hội, hai nhóm cổ phiếu vốn rất hấp dẫn và khó định giá này đã bị nhà đầu tư bán tháo mạnh. Trong đó có Twitter, LinkedIn, Gilead Sciences, Infinity Pharmaceuticals, Netflix, Tesla, Pandora và FireEye.

Dù “đợt chảy máu” này cuối cùng đã chấm dứt nhưng các cổ phiếu đầu tư theo xu hướng vẫn còn rất bất ổn. Mới trong tuần trước, nhóm cổ phiếu này lại một phen chao đảo khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng có khả năng cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học và truyền thông xã hội nhỏ đã có định giá quá cao.

5. ISIS xâm lược Iraq

Ngày xảy ra sự kiện: Tháng 6/2014

Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014 - Ảnh 5 

Các thị trường toàn cầu đã vô cùng hoảng loạn trong tháng 6 khi một nhóm khủng bố mang tên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông (ISIS) đe dọa lật đổ Chính quyền Baghdad.

Việc ISIS xâm chiếm Iraq cũng làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề địa chính trị trong khu vực, trong đó có cuộc nội chiến kéo dài tại Syria cũng như xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Nhà đầu tư lo lắng rằng quân đội Mỹ sẽ ồ ạt trở lại Iraq hoặc nước này có thể trở thành thiên đường cho các kẻ khủng bố.

Giá dầu thô Brent (chuẩn mực giá dầu toàn cầu) nhảy vọt lên sát 116 USD/thùng do lo sợ sản lượng sụt giảm. Tuy nhiên sau đó, nhiên liệu này đã rớt mạnh trở lại khi ISIS ngừng tiến vào Baghdad trong khi chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục lo ngại về tình hình của khu vực đầy bất ổn này.

6. Khủng hoảng ngân hàng Bồ Đào Nha

Ngày xảy ra sự kiện: 10/07/2014

Sáu sự kiện khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “thót tim” năm 2014 - Ảnh 6 

Lại bàn về chuyện cũ. Đầu tháng 7 vừa qua, Phố Wall chứng kiến sự trở lại của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

TTCK toàn cầu đồng loạt ngã nhào trong phiên giao dịch ngày 10/07 do lo sợ về nguy cơ sụp đổ của Banco Espirito Santo (BES), ngân hàng lớn thứ hai của Bồ Đào Nha. Cổ phiếu của nhà cho vay này hạ thả phanh trước lo lắng về các sai phạm kế toán cũng như tình hình tài chính ngày càng căng thẳng.

Mối lo sợ tại thời điểm đó là khó khăn của BES có thể báo hiệu về tình trạng trầm trọng hơn tại các ngân hàng Bồ Đào Nha nói riêng và Eurozone nói chung. Mối lo ngại này còn lớn hơn các báo cáo chính thức gần đây cho thấy kinh tế châu Âu vừa trải qua chặng đường hết sức gồ ghề.

Tuy nhiên, có vẻ như mức sụt giảm 180 điểm của Dow Jones trong ngày 10/07 là phản ứng có phần thái quá vì sau đó thị trường chỉ giảm nhẹ và nhanh chóng xác lập các mức cao kỷ lục mới.