Siêu cường cần siêu tiền tệ

Theo cafef.vn

Trong lịch sử thế giới, một trong những cách để các quốc gia trở thành bá chủ toàn cầu là đồng tiền nước đó trở thành đồng tiền quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Anh và Mỹ là hai siêu cường của thế giới là những minh chứng. Họ nắm giữ trong tay “siêu tiền tệ”,  một thứ tiền tệ đủ mạnh và đủ lớn để có thể khống chế và chi phối các quốc gia khác.

Đồng bảng và nước Anh siêu cường

Vào thế kỷ XV, XVI, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được xem là hai đế quốc nhờ việc thống lĩnh đường biển bằng những đội thương thuyền. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Anh là nước đầu tiên ở châu Âu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp, đem lại những thay đổi to lớn cho nền sản xuất, biến thời hoàng kim của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành quá khứ. Những công ty hàng hải với những đội tàu biển có trọng tải lớn được thành lập đã đưa hàng hóa của Anh đi khắp thế giới. Nhờ đó, các hoạt động ngân hàng, tín dụng của Anh cũng có thị trường rộng lớn.

Với sức mạnh trên biển và nền kinh tế được mệnh danh là “bá chủ” lúc bấy giờ, Anh đã lập ra chế độ bản vị vàng vào năm 1717 và định giá 1 ounce = 77 shilling và 10,5 xu.

Muốn bãi bỏ nguyên tắc định giá của bản vị vàng như Anh đã đề ra, các nước phải gắn đồng tiền của mình với vàng hoặc đồng bảng Anh. Tuy nhiên, trước đó với chính sách của chủ nghĩa coi trọng thương mại, phần lớn lượng vàng trên thế giới đều chảy về nước Anh. Các quốc gia không đủ vàng để neo giá đồng tiền mình vào đó, buộc họ phải chọn phương sách thứ hai, neo giá vào đồng bảng Anh. Mặt khác, để chống lại sự lũng đoạn tiền tệ của Mỹ và một số nước khác cũng như tăng cường sức cạnh tranh quốc tế, năm 1939, Anh đã ban bố điều lệ quản lý ngoại hối, xây dựng các tập đoàn tiền tệ quốc tế chính thức, có ràng buộc về luật pháp gọi là khu vực đồng bảng Anh.


Siêu cường cần siêu tiền tệ (1)

Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (giữa) tại Bretton Woods năm 1944. Nguồn: internet

Tham gia khu vực có các nước trong khối liên hiệp Anh hoặc có quan hệ kinh tế mật thiết với Anh. Các nước phải dùng đồng bảng Anh làm đồng tiền dự trữ và sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế. Ngược lại, trong khu vực này, các đồng tiền được giữ tỉ giá ổn định với đồng bảng Anh, được tự do hối đoái với nhau trong quan hệ tín dụng, mậu dịch trong khu vực được thanh toán bằng bảng Anh. Sự di chuyển vốn trong khu vực không hạn chế nhưng nếu ra ngoài khu vực thì phải được cơ quan quản lý ngoại hối của Anh phê chuẩn, đồng thời các nước phải bán vàng và ngoại hối thu được cho Anh làm dự trữ chung. Đến đây, bảng Anh đã thực sự trở thành một đồng tiền quốc tế.

Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ II, do thế lực và địa vị của Anh suy yếu, nợ vượt quá dự trữ, đồng bảng Anh cũng mất giá, vai trò làm dự trữ cho nước ngoài cũng theo đó giảm sút và mất đi. Từ năm 1967, sự mất giá của đồng bảng Anh và tiếp theo là sự mất giá của các đồng tiền trong khu vực đồng bảng Anh làm cho nước Anh không còn đủ tư cách và thực lực để giữ vai trò đồng tiền quốc tế. Đến năm 1979, Anh tuyên bố bãi bỏ quản lý ngoại hối và khu vực đồng bảng Anh cũng từ đó tan rã theo. Chấm dứt sự huy hoàng một thời Anh đã có.

Cuộc “soán ngôi” ngoạn mục của đồng USD

Thế chiến II kết thúc, nền thương mại toàn cầu bất ổn trong thời gian dài cần một sự ổn định để phát triển kinh tế. Các quốc gia mong muốn tái lập chế độ bản vị vàng như dưới thời nước Anh nhưng mọi nỗ lực đều không thành công. Trong hoàn cảnh đó, tháng 7/1944, lợi dụng địa vị kinh tế và tài chính của mình trên trường quốc tế cùng quyền lực sau cuộc thế chiến, Mỹ đã đứng ra triệu tập hội nghị tiền tệ tài chính quốc tế tại TP Bretton Woods với sự tham gia của 44 nước. Hội nghị thành lập hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods, xây dựng chế độ tỉ giá hối đoái cố định quanh đồng USD gắn với vàng nhằm tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Do sức ép của Mỹ, hội nghị Bretton Woods buộc phải chấp nhận tỉ lệ vàng, USD là 35 USD/ounce vàng, thừa nhận USD là đồng tiền chuẩn, làm trụ cột cho chế độ tiền tệ này, là phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế, đóng vai trò chủ chốt trong các quan hệ tiền tệ, thanh toán và tín dụng quốc tế.

Sự kiện chính thức đánh dấu Mỹ thành công trong quá trình biến USD thành đồng tiền quốc tế là việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Johw Suyder đã tuyên bố với tổng giám đốc của IMF là Mỹ bán và mua vàng bằng USD với giá 35 USD/ounce cho tất cả ngân hàng trung ương nào có yêu cầu vào cuối năm 1947.

Siêu cường cần siêu tiền tệ (2)

Các đại biểu dự hội nghị Bretton Woods. Nguồn: internet

Từ đó, Mỹ ra sức đẩy mạnh việc sử dụng USD thông qua việc phát triển thương mại và giúp đỡ các nước phục hồi sau chiến tranh. Khi nền kinh tế dần ổn định, các quốc gia dường như không còn quan tâm đến việc đổi USD ra vàng để tích trữ. Hệ thống thanh toán trên thế giới hầu như đều dựa trên đồng USD, chính nó chuyển đổi thành vàng và trở thành đồng tiền có sức mua nhất và được đảm bảo bằng vàng nhất.

Tuy nhiên, “số phận’ của đồng USD cũng trải qua nhiều thăng trầm với những đợt hạ giá vì lạm phát vào ngày 15/8/1971 và ngày 18/12/1973. Tháng 8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon đã phải rút khỏi hệ thống Bretton Woods và tiến hành thả nổi đồng tiền. Năm 1973, Mỹ và các quốc gia khác đã chấp thuận cho phép tỉ giá hối đoái thả nổi nhưng vì tiềm lực kinh tế của Mỹ rất lớn cho nên USD vẫn là một đồng tiền mạnh, đồng thời chiếm tỉ trọng đáng kể trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia của các nước và giữ vai trò là đồng tiền quốc tế cho đến ngày hôm nay.

Đồng yen và những nỗ lực còn dang dở

Quá trình quốc tế hóa (thực ra lúc đó chỉ mới dừng ở khu vực hóa) đồng yen bắt đầu từ những năm 1980 dưới áp lực của Mỹ.

Tháng 11/1983, một thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật đã được thông qua, theo đó khuyến khích đồng yen Nhật quốc tế hóa. Mỹ lập luận rằng việc yen Nhật trở thành một đồng tiền quốc tế sẽ khiến cho nguồn cầu về đồng yen tăng lên, qua đó tỉ giá hối đoái cũng tăng lên, nhờ vậy giảm được thặng dư của Nhật trong quan hệ kinh tế với Mỹ.

Tuy nhiên, đầu những năm 1990, tại Nhật xảy ra hiện tượng bong bóng bất động sản khiến việc quốc tế hóa đồng yen không còn là một vấn đề quan trọng nên bị tạm gác lại. Sau khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á 1997, Nhật quay trở lại góp mặt vào trật tự tiền tệ tại Đông Á. Thời kỳ hậu chiến tranh, Nhật là trung tâm của phát triển kinh tế khu vực Đông Á. Đồng thời là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quan trọng nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Hơn nữa, đối với các nước này, Nhật còn là một trong những nguồn quan trọng nhất của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những con đường này đã nhanh chóng thu hút một lượng lớn các giao dịch bằng đồng yen trong những năm 1980, giúp đồng yen trở thành một thành viên trong rổ tiền tệ quốc tế cho đến hôm nay.

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 1997, nền kinh tế Nhật đã có những sụt giảm đáng kể, việc sử dụng đồng yen đã giảm, mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Nhật và các nước Đông Á có chiều sâu đáng kể. Nhật với sự suy thoái kéo dài và các khoản nợ của chính phủ tăng lên rất nhanh chóng (230%) đã làm cho các nước trong khu vực có nội tệ neo giá với đồng yen bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng. Từ đó làm cho mọi nỗ lực “khu vực hóa” đồng yen của Nhật biến thành con số không.

Tựu trung lại, trải qua nhiều trường hợp lịch sử đã và đang được kiểm chứng: Một trong các điều kiện để các nước trở thành cường quốc là khi đồng tiền của họ đủ mạnh để chi phối các quốc gia khác. Chỉ khi nào các nước đều mong muốn làm ăn và nằm dưới sự khống chế của mình thì khi đó quốc gia mới trở thành một siêu cường.