Số phận đồng euro

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) 17 chính phủ cần phải chấp nhận đối mặt với câu hỏi hóc búa hơn: phải làm gì để giải quyết được mâu thuẫn cơ bản nhất trong dự án đồng euro – hội nhập tiền tệ nhưng không hội nhập về tài khóa. Ngân hàng Trung ương châu Âu trở thành Cục Dự trữ Liên bang và chỉ có một người giám sát ngân sách khu vực đồng euro.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vấn đề cơ bản của đồng euro đó là không thể có được sự hội nhập tiền tệ khi không có hội nhập về tài khóa – đặc biệt trong một khu vực mà thói quen chi tiêu và tiết kiệm hết sức đa dạng như tại Đức và Hy Lạp. Sự không hòa hợp này rồi cũng sẽ phá vỡ hệ thống. Vì lý do này, đồng euro chắc chắn sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng, với cái chết đã được báo trước ngay từ trong trứng nước.

Chúng ta không nên xem những khó khăn trong những năm vừa qua của đồng tiền này bắt nguồn từ việc một hay hai chính phủ chi tiêu vượt giới hạn cho phép hay việc những quốc gia khác không cảnh báo họ về những mối nguy hiểm của việc này.

Bởi, những bất cập của đồng euro không phải là hệ quả của một biến cố lịch sử mà đó là một điều không thể tránh khỏi của lịch sử vốn đã chực chờ diễn ra. Do đó, tôi không tin rằng đồng euro có thể cứu vãn được, ít nhất không phải trong hình thức hiện tại của nó, với 17 quốc gia vẫn đang ngồi chung thuyền.

Từ buổi ban đầu của dự án đồng euro, các nhà kinh tế học có đôi mắt tinh tường và được nể trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bản chất mâu thuẫn của dự án này. Người Anh không tham gia vì họ biết được dự án này không hiệu quả. Họ không tin vào những lợi ích và hoàn toàn nhận thức rõ ràng về những nguy hiểm mà nó mang lại.

Tuy nhiên, các chính phủ gia nhập khu vực đồng euro năm 1999, cũng như những cộng đồng dân cư bầu cử cho họ, trong khi háo hức tiến bước cùng với đồng tiền chung, thì đã không chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự hội nhập về tài khóa, bởi điều này sẽ dẫn đến việc mất chủ quyền mà việc thực hiện chính sách này sẽ gây ra.

Cuối cùng, họ cũng lựa chọn đi tiếp với đồng euro, điều này đã phản ánh một niềm tin không đúng chỗ cho rằng châu Âu xét ở một khía cạnh nào đó đủ đặc biệt để vượt qua những mâu thuẫn này. Đó là một quyết định mang tính chính trị.

Tại Mỹ, một đồng tiền có thể được áp dụng cho 50 tiểu bang bởi vì họ có một Cục Dự trữ Liên bang và một vị Bộ trưởng Tài chính. Khi một tiểu bang nào đó đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, họ sẽ nhận được những khoản tiền hào phóng chuyển từ trung ương dưới dạng chi tiêu xã hội cho các cá nhân sinh sống tại tiểu bang đó và các dự án chính phủ.

Các loại thuế liên bang thu được ở tiểu bang này sẽ không đủ để bù cho chi tiêu của liên bang hỗ trợ cho tiểu bang đó.

Châu Âu thời kỳ trước hệ thống đồng euro với việc mỗi quốc gia có các bộ trưởng bộ tài chính riêng và điều hành đồng tiền của riêng mình. Dưới hệ thống này, khi một quốc gia trải qua giai đoạn kinh tế trì trệ, nó có thể chính thức đưa ra các chính sách tiền tệ để khắc phục vì không vướng bận bởi những trói buộc của một đồng tiền chung.

Các chính sách này bao gồm việc gia tăng lượng cung tiền – cái mà người Mỹ gọi “nới lỏng định lượng” – và phá giá đồng tiền để làm cho việc xuất khẩu của nước này trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng đây là những công cụ mà các nước thuộc khu vực đồng euro đã từ bỏ do hệ quả của việc gia nhập một cộng đồng tiền tệ chung. Ngoài ra, họ làm như vậy mà không bảo đảm được là sẽ có những khoản chuyển ngân sách tương tự về hình thức và mức độ như các bang bị khủng hoảng tại Mỹ nhận được.

Vậy bạn sẽ có gì khi một đám đông hổ lốn cố gắng cùng diễu hành theo một điệu trống? Đó chính là khu vực đồng euro. Một số quốc gia thì vươn lên dẫn trước trong khi số khác lại phải đấu tranh để bắt kịp.

Tại những quốc gia bị bỏ lại đằng sau về mặt kinh tế, chính phủ các nước này phải chịu một áp lực bầu cử buộc họ phải duy trì hoặc thậm chí gia tăng chi tiêu công cộng, ngay cả khi các hóa đơn thuế giảm xuống. Thâm hụt ngân sách phải được bù đắp bằng các khoản vay từ các thị trường tiền tệ.

Việc những khoản vay này có thể đạt được ở những mức lãi suất tương đối thấp – bởi vì chúng được thực hiện bằng đồng euro chứ không phải đồng drachmas của Hy Lạp – không hề giúp làm giảm sự hoang phí. Cuối cùng Hy Lạp trở thành ví dụ cực đoan nhất cho sự suy thoái này, ngày càng lún sâu vào vùng nguy hiểm.

Đôi khi, các chuyên gia với sự lạc quan vô hạn đã hy vọng những chính phủ này có thể lấp đầy khoảng cách cạnh tranh với những quốc gia mạnh hơn như Đức bằng cách cắt giảm các chương trình phúc lợi, cải tổ hoạt động thu thuế, tự do hóa các quy định về thị trường lao động hoặc buộc người lao động phải làm việc lâu hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tình hình rốt cuộc bắt đầu xấu đi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc cho vay tín dụng dễ dàng đã giảm dần rồi dừng lại và sự mất lòng tin của thị trường vào triển vọng tín dụng của các chính phủ như Hy Lạp đã khiến cho lãi suất cho vay tăng cao ngất ngưởng. Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải can thiệp bằng các gói cứu trợ tài chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ không lan ra khắp khu vực đồng euro vốn đang trong tình trạng u ám.

Tới tháng 6/2013, cộng đồng euro đã tránh được thảm họa vì đã chi đủ tiền để giải quyết vấn đề. Nhưng 17 chính phủ cần phải chấp nhận đối mặt với câu hỏi hóc búa hơn về việc phải làm gì để giải quyết được mâu thuẫn cơ bản nhất trong dự án đồng euro – đó là vấn đề hội nhập tiền tệ nhưng không hội nhập về tài khóa.

Đôi lúc có lẽ họ đã cố gắng trì hoãn tình trạng này, nhưng họ biết rằng không thể trì hoãn mãi, nếu không lịch sử sẽ lặp lại và một cuộc khủng hoảng khác sẽ xảy ra, đòi hỏi những gói giải cứu tài chính lớn hơn và trong tình huống tồi tệ nhất, Đức có lẽ sẽ phải đứng ra bảo trợ.

Biện pháp rõ ràng là các nước châu Âu phải chấp nhận sự hội nhập về tài khóa. Ngân hàng Trung ương châu Âu trở thành Cục Dự trữ Liên bang và thay vì nhiều bộ trưởng tài chính khác nhau, thì chỉ có một người để giám sát ngân sách của toàn thể các nước trong khu vực đồng euro.

Điều này là một động thái tiến gần đến cái mà những người ủng hộ Liên minh châu Âu gọi là một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” và sẽ khiến cho khu vực này trông ngày càng giống với nước Mỹ.

Liệu điều trên có xảy ra không? Liệu toàn bộ cử tri có sẵn sàng giao một phần quan trọng trong quyền lực về ngân sách quốc gia cho một chính quyền trung ương và tin tưởng rằng cơ quan này sẽ có những quyết định về việc đánh thuế và chi tiêu công bằng cho mỗi quốc gia và đồng thời có lợi cho toàn thể khu vực đồng euro hay không?

Đó là một khả năng xa vời và thẳng thắn mà nói thì tôi không thấy điều đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu có xảy ra, suy cho cùng có lẽ đó là kết quả tốt đẹp nhất cho phần còn lại của thế giới.

Kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn nhưng ít được mong đợi hơn, đó là sự tan rã – một sự trở lại tình trạng những đồng tiền riêng biệt. Sẽ rất đau đớn và rối loạn cho tất cả các bên có liên quan.

Bạn là một người Hy Lạp hay Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha và bạn mượn tiền euro; giờ bạn phải trả lại bằng đồng euro, nhưng ở tỷ giá hối đoái nào đây? Liệu có phải là tỷ giá cũ trước khi hợp nhất? Hay một tỷ giá tùy tiện mới nào đó? Tan rã sẽ rất lộn xộn và tốn kém.

Trong giai đoạn dẫn đến sự kiện này, có một mối nguy hiểm về tình trạng đột biến rút tiền gửi, khi mà các tin đồn thôi thúc người dân rút tiền tiết kiệm dưới dạng euro, trong nỗi sợ hãi rằng sau một đêm những khoản tiết kiệm này có thể bị buộc phải chuyển đổi thành một đồng tiền mới và rất có thể đó là đồng tiền bị mất giá.

Tình trạng không chắc chắn này sẽ làm nản lòng các khoản đầu tư khu vực tư nhân – đây là một lý do khác cho thấy việc trì hoãn là không tốt. Đối với những quốc gia ngoài khu vực đồng euro, đặc biệt là Trung Quốc, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế toàn cầu sẽ có xu hướng chậm lại trong một thời gian, mặc dù thương mại rồi cũng hồi phục sau một giai đoạn bị gián đoạn và mọi thứ sẽ ổn định trở lại.

Tồn tại một kết quả thứ ba nằm giữa sự tan rã hoàn toàn và hội nhập đầy đủ. Đó là sự tan rã một phần. Có thể một số quốc gia sẽ đi con đường riêng của mình và một số khác phải chọn hai hoặc ba cộng đồng mới – cái mà các chuyên gia gọi là một châu Âu hai hoặc ba tầng, với mỗi tầng chuyển động với một tốc độ khác nhau.

Câu hỏi mấu chốt ở đây là liệu có được một khu vực châu Âu nòng cốt, tương đối đồng nhất về khả năng cạnh tranh kinh tế, nơi có thể giữ các thành viên kết nối lại với nhau bất chấp những lực ly tâm mạnh mẽ.

Tôi tin rằng có một châu Âu như thế.