Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 18-22/4/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Trái phiếu

Trong quý 1/2016, trên thế giới, đã có 16,9 tỷ USD trái phiếu “xanh” được phát hành, cao hơn so với khối lượng 15,2 tỷ USD được phát hành trong quý 4/2015 và gấp gần 3 lần so với giá trị phát hành cùng kỳ năm 2015, chủ yếu được dành cho các dự án về năng lượng và năng lượng tái tạo. Trong đó, các tổ chức của Trung Quốc đã phát hành 7,9 tỷ USD trái phiếu “xanh”, chiếm gần 1 nửa tổng giá trị phát hành toàn cầu và đã thay thế Hoa Kỳ trở thành nhà phát hành trái phiếu “xanh” lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ có lượng phát hành lớn thứ 2, với tổng giá trị là 3,4 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị phát hành toàn cầu. (Theo Tân Hoa Xã ngày 21/4)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ tăng điểm trong tuần qua, nhờ: Đà tăng của cổ phiếu năng lượng và tài chính; báo cáo lợi nhuận tích cực của Công ty Johnson & Johnson; giá dầu hồi phục. Tính chung cả tuần (18 - 22/4/2016), chỉ số Dow Jones tăng 0,6%, S&P 500 tăng 0,5% nhưng riêng Nasdaq Composite giảm 0,6%. Tính riêng phiên giao dịch cuối tuần (22/4/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số:

- Dow Jones đạt 18.003,75 điểm, tăng 21,23 điểm (0,12%).

- S&P 500 đạt 2.091,58 điểm, không thay đổi.

- Nasdaq Composite đạt 4.906,23 điểm, giảm 39,66 điểm (0,8%).

Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, hầu hết các thị trường chứng khoán chính tại châu Á tăng điểm nhờ triển vọng tăng trưởng tốt của kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế thế giới; số liệu lạc quan về kinh tế Trung Quốc. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 2,15%, lên 133,08 điểm.

- Các thị trường tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 7,77%, lên 17.572,49 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,34%, lên 2.015,49 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,93%, lên 5.272,713 điểm.

- Các thị trường giảm điểm:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,04%, xuống 2.959,24 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,05%, xuống 21.467,04 điểm.

Dầu mỏ

Tính chung tuần từ 18 - 22/4/2016, giá dầu WTI tăng 4,8% và Brent tăng 4,7% do cuộc đình công của công nhân dầu mỏ tại Kuwait khiến nguồn cung dầu của OPEC giảm gần 50%; lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ không tăng mạnh như dự đoán và thông tin các nước sản xuất dầu chủ chốt sẽ lại nhóm họp để thảo luận cách hạn chế sản lượng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (22/4/2016):

- Giá dầu WTI giao tháng 6/2016 tăng 55 cent (1,3%), lên 43,73 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 10/11/2015.

- Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 tăng 58 cent (1,3%), lên 45,11 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 19/4 đưa ra các dự báo:

- Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2016 sẽ giảm xuống còn 2,8%, từ mức 3% đưa ra vào tháng 01/2016, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về sự trì trệ của nền kinh tế.

- Lạm phát của Hàn Quốc trong năm 2016 là 1,2%, từ mức 1,4% đưa ra tháng 01/2016.

- Lãi suất cơ bản tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục là 1,5% tháng thứ 10 liên tiếp.

Singapore

Trong tháng 3/2016:

- Xuất khẩu sang 10 thị trường hàng đầu của nước này (trừ Nhật Bản và Hong Kong) đều giảm so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, giảm mạnh nhất là EU (-39,1%), Trung Quốc đại lục (-14,1%) và Indonesia (-20,2%).

- Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2015, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 02/2013. Trong đó: (i) Xuất khẩu các sản phẩm điện tử giảm 9,1%, do sự suy giảm trong hầu hết các mặt hàng chủ lực như vi mạch (giảm 10,3%), máy tính (giảm 26,5%) và các bộ phận của máy tính cá nhân (giảm 18%); (ii) Xuất khẩu các sản phẩm phi điện tử giảm 18%, sau khi tăng 2,6% trong tháng 2. Giảm mạnh nhất là xuất khẩu các thiết bị tàu, thuyền (giảm 99,6%), dược phẩm (giảm 30,9%) và các sản phẩm hóa dầu (giảm 16,4%).

(Theo Cơ quan Doanh nghiệp quốc tế Singapore (IE) ngày 18/4)

Saudi Arabia

Trong 5 năm (2016 - 2020), Saudi Arabia sẽ vay 10 tỷ USD của các ngân hàng nước ngoài gồm: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, nhằm bù đắp phần thâm hụt ngân sách nhà nước do thu nhập giảm vì giá dầu lao dốc. Đây sẽ là khoản nợ quốc gia đầu tiên của Saudi Arabia trong 15 năm qua. Dự kiến cuối tháng 4/2016, Saudi Arabia sẽ công bố định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có "Chương trình Chuyển đổi quốc gia" nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn dựa quá nhiều vào dầu mỏ - nguồn lực vẫn chiếm hơn 70% nguồn thu ngân sách nhà nước. (Theo Bloomberg ngày 20/4)

Châu Âu

Anh

- Nếu Anh rời khỏi EU, mỗi hộ gia đình nước này sẽ thiệt hại 4.300 bảng (6.100 USD)/năm từ năm 2016 đến 2030. Bên cạnh đó, việc thương lượng lại hiệp định tự do thương mại với EU sẽ khiến GDP của Anh trong 15 năm tới giảm từ 3,8 - 7,5%, Chính phủ Anh sẽ mất khoảng 20 - 45 tỷ bảng/năm. (Theo Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne ngày 18/4)

- Trong tháng 3/2016:

+ Doanh số bán lẻ của Anh giảm 1,3% so với tháng 2, tuy nhiên, vẫn tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015.

+ Giá trung bình tại các cửa hàng, bao gồm cả các trạm xăng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2015, cho thấy tỷ lệ lạm phát ở Anh sẽ tiếp tục ở mức thấp.

+ Chi phí của các ngành công nghiệp bán lẻ giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 1,3% so với tháng 2.

Theo ông David Kern, Nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Thương mại Anh, mặc dù so sánh dài hạn cho thấy doanh số bán hàng vẫn đang được cải thiện, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế Anh đã chậm lại trong quý 1/2016.

(Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ngày 21/4)

Châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 22/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo Thường niên 2015:

- Tổng giá trị các hoạt động tài trợ cho khu vực trong năm 2015 đạt 27,17 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử của ADB, bao gồm: 16,29 tỷ USD phê duyệt cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại; 141 triệu USD cho hỗ trợ kỹ thuật và 10,74 tỷ USD cho vay đồng tài trợ.

- Các hoạt động giải ngân, yếu tố then chốt trong việc cải thiện hiệu quả viện trợ, đạt mức kỷ lục 12,22 tỷ USD trong năm 2015, tăng 22% so với năm 2014.

- Các hoạt động tài trợ cho khu vực tư nhân, một trọng tâm mới trong chiến lược dài hạn của ADB nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, đã tăng từ mức 1,92 tỷ USD năm 2014 lên 2,63 tỷ USD trong năm 2015.

- ADB ước tính, mỗi năm, khu vực này cần khoảng 800 tỷ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tương đương 6% GDP, nhưng do thiếu hụt vốn nên nhiều nước trong khu vực chỉ đầu tư cho cơ sở hạ tầng khoảng 2 - 3% GDP khiến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong khu vực khó đạt được mục tiêu đề ra.

BRICS

Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), ngân hàng đa phương do BRICS thành lập, đã thông qua một loạt khoản cho vay đầu tiên trị giá 811 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại 4 nước thành viên là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

NDB được coi là một đối trọng với các thể chế quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB). NDB có vốn điều lệ là 100 tỷ USD, trong đó số tiền đóng góp ban đầu là 50 tỷ USD và bắt đầu hoạt động từ tháng 02/2016. Ông K.V.Kamath, người Ấn Độ giữ chức Tổng giám đốc NDB trong 5 năm đầu.

(Theo Reteurs ngày 16/4)

Hoa Kỳ

6 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ là JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Wells Fargo có tổng lợi nhuận trong quý 1/2016 đạt 98 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2015, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm. Thu nhập ròng của 6 ngân hàng này giảm 24% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 18 tỷ USD. (Theo Financial Times ngày 20/4)

Trong tháng 3/2016, doanh số bán nhà tại nước này tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 5,33 triệu đơn vị, cao hơn so với dự báo tăng 3,5% của các nhà kinh tế, nhờ lãi suất cho vay thế chấp thấp, sự phục hồi của thị trường chứng khoán và sự cải thiện vững chắc của thị trường lao động.

Doanh số bán nhà tăng ở tất cả 4 khu vực của Hoa Kỳ, đặc biệt tăng 11,1% ở vùng Đông Bắc và 9,8% ở vùng Trung Tây. Trong đó, doanh số bán nhà đơn lẻ tăng 5,5% và nhà chung cư tăng 1,8%, cho thấy dấu hiệu khả quan của nền kinh tế. Các giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc giá trung bình. (Theo Hiệp hội Bất động sản quốc gia Hoa Kỳ ngày 20/4)

Trung Quốc

Ngày 19/4, lần đầu tiên Trung Quốc thông báo áp mức giá cố định cho vàng trong bối cảnh nước này nỗ lực thiết lập chuẩn giá vàng riêng.Tại Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE), giá vàng 9999 được ấn định ở mức 256,92 NDT (39,71 USD)/gram, cao hơn so với giá vàng thế giới ở cùng thời điểm áp giá.

Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng Thế giới phụ trách địa bàn Trung Quốc, ông Roland Wang nhận định, Trung Quốc cần một chuẩn giá vàng riêng để phản ánh biến động của thị trường vàng trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD vàthúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Nhu cầu vàng tại Trung Quốc năm 2015 là 984,5 tấn, trong đó 783,5 tấn là vàng trang sức và 201 tấn là vàng thỏi và đồng xu vàng.

Dư nợ tín dụng tại các doanh nghiệp nhỏ nước này cuối tháng 3/2016 đạt 18.750 tỷ NDT (2.800 tỷ USD), tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 0,6% so với thời điểm cuối năm 2015. Các khoản cho vay doanh nghiệp nhỏ chiếm 30,3% tổng khối lượng cho vay các doanh nghiệp tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn để có được nguồn vốn giá rẻ. (Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 20/4)

Nhật Bản

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 19/4 công bố số liệu xuất nhập khẩu của nước này:

- Kim ngạch xuất khẩu trong tài khóa 2015 (kết thúc vào tháng 3/2016) giảm 0,7%, lần giảm đầu tiên trong 3 năm qua, xuống còn 74.120 tỷ JPY.

- Kim ngạch nhập khẩu trong tài khóa 2015 giảm 10,3%, xuống còn 75.200 tỷ JPY.

- Thâm hụt thương mại trong tài khóa 2015 giảm 88,7% so với tài khóa 2014, xuống còn 1.080 tỷ JPY (9,9 tỷ USD), nhờ chi phí nhập khẩu dầu thô giảm.

- Thặng dư thương mại trong tháng 3/2016 đạt 760 tỷ​ JPY, trong đó, xuất khẩu giảm 6,8% xuống còn 6.460 tỷ JPY, nhập khẩu giảm 14,9% xuống còn 5.700 tỷ JPY.

- Sản lượng thép thô của Nhật Bản trong tài khóa 2015 (tính đến tháng 3/2016) đạt hơn 104 triệu tấn, giảm hơn 5% so với tài khóa 2014, mức thấp nhất kể từ tài khóa 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm. Trong đó, sản lượng thép cuộn thông thường cho thân xe và nhà chung cư giảm gần 5% xuống xấp xỉ 81 triệu tấn, thép đặc biệt dùng cho máy móc xây dựng và các mục đích khác giảm gần 7% xuống hơn 23 triệu tấn.

- Trong tháng 3/2016, sản lượng thép thô đạt gần 9 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm tháng thứ 19 liên tiếp.

Nguyên nhân do: (i) Thị trường thép toàn cầu ảm đạm, ngành thép Trung Quốc ở trong giai đoạn khủng hoảng thừa, làm dư cung trên thị trường; (ii) Nhu cầu mua xe của Nhật Bản yếu do việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/2014 và tăng thuế sở hữu xe mini vào năm 2017, làm giảm nhu cầu về thép để sản xuất xe ô tô.

(Theo Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản ngày 20/4)

Argentina

Nước này đã phát hành thành công 16,5 tỷ USD trái phiếu quốc tế, vượt kế hoạch phát hành (15 tỷ USD), với mức lãi suất trung bình 7,2%, đánh dấu sự trở lại thị trường tín dụng quốc tế của Argentina sau 15 năm kể từ khi bị vỡ nợ năm 2001. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để thanh toán hơn 9 tỷ USD cho các chủ nợ vào ngày 22/4 và dùng để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách và đầu tư của Chính phủ. (Theo Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay ngày 19/4)

Chính sách

Eurozone

Ngày 21/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay là 0,25%, lãi suất tái cấp vốn là 0% và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức -0,4%, mức thấp kỷ lục được đưa ra ngày 10/3. ECB đã áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế Eurozone như cắt giảm lãi suất, tăng lượng mua trái phiếu lên 80 tỷ euro/tháng, cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng…

Trung Quốc

Từ ngày 01/5/2016, Trung Quốc chính thức áp dụng chính sách thuế mới đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp công nghệ. Theo đó, sẽ áp dụng chế độ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tài chính và dịch vụ tiêu dùng. Những doanh nghiệp sản xuất hiện đã áp dụng tính thuế GTGT sẽ được giảm thuế để có tiền đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Chính sách tính thuế mới sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 500 tỷ NDT (77 tỷ USD) trong năm 2016. Nguồn thu của các địa phương sẽ sụt giảm mạnh (ước tính khoảng 125 - 250 tỷ NDT trong năm 2017), nhưng Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch bù đắp cho chính quyền địa phương thông qua việc phân bổ lại một phần thuế GTGT thu được.

Chính sách thuế GTGT được áp dụng tại Trung Quốc từ năm 1979, khi Chính phủ bắt đầu cải cách và mở cửa nền kinh tế, nhưng không áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Lần sửa đổi chính sách thuế này được đánh giá là có quy mô sâu rộng nhất kể từ năm 1994.

Nhận định
chuyên gia

Theo Tân Hoa Xã ngày 19/4, Giám đốc điều hành John Cryan của Deutsche Bank nhận định:

Các thị trường tài chính của Trung Quốc đang trải qua một sự chuyển đổi lớn, sẽ mang tới nhiều cơ hội hơn cho nền kinh tế trong những năm tới. Đồng NDT đang bước vào vị trí trung tâm trên thị trường thế giới, tạo ra nhiều cơ hội cho đầu tư và hoạt động thương mại.

Ngày 21/4, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birolnhận định:

- Nguồn cung dầu của các nước sản xuất ngoài OPEC trong năm 2016 sẽ giảm mạnh, nhu cầu dầu thế giới đang tăng khá, nhất là tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước mới nổi.Do đó, giá dầu dự kiến sẽ hồi phục vào cuối năm 2016 hoặc muộn nhất là trong năm 2017 và thị trường dầu thế giới sẽ tái cân bằng.

- Các nước nhập khẩu dầu, trong đó có Nhật Bản, các nước châu Âu và Trung Quốc đang hưởng lợi từ giá dầu giảm, trong khi các nước xuất khẩu dầu như Nga và những quốc gia Trung Đông chịu tác động tiêu cực khi giá nhiên liệu lao dốc.