Tổng thống Pháp thăm Cuba:

Sứ mệnh tiên phong của Paris

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Ngày 11/5, Tổng thống Francois Hollande trở thành nguyên thủ Pháp đầu tiên tới Cuba trong hơn một thế kỷ qua, đặt nền móng cho vai trò tiên phong của Paris trong cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) đối với hòn đảo Caribe tự do, ngập tràn nắng và gió cùng những cơ hội làm ăn đầy triển vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quan hệ giữa Cuba và EU trở nên căng thẳng sau khi khối liên minh kinh tế - chính trị áp đặt hàng loạt quy tắc giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với quốc gia Nam Mỹ vào năm 1996. Năm 2003, EU chính thức đình chỉ quan hệ với Cuba. Sau nửa thập kỷ lạnh nhạt, quan hệ EU - Cuba bắt đầu được hâm nóng trở lại vào năm 2008 dưới nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU do Pháp đảm nhiệm. Sau khi Tây Ban Nha tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba vào năm 2005, EU đã đồng thuận thiết lập các cuộc đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc đảo này.

Chuyên gia Eduardo Perera đến từ Đại học Havana khẳng định, Pháp luôn là nhà lãnh đạo của EU và chuyến thăm của Tổng thống Hollande tới Cuba là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của Paris trong tiến trình đối thoại giữa Havana - Brussels. Chia sẻ quan điểm này, nhà phân tích Arturo Lopez-Levy nêu rõ, với chuyến thăm này, Tổng thống Hollande trở thành nguyên thủ phương Tây đầu tiên tại châu Âu đến Cuba kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha Felipe Gonzalez năm 1986. Để chuẩn bị cho sự kiện này, cuối năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đã tới Cuba và trở thành quan chức ngoại giao cấp cao đầu tiên của Điện Élysée tới Havana trong vòng ba thập kỷ qua. Trước đó, nhiều bộ trưởng Pháp đã tới quốc đảo này. Theo Lopez-Levy, chuyên gia đến từ Trung tâm Các vấn đề toàn cầu, Đai học New York, Tổng thống Hollande đã tháo nút thắt trong hệ tư tưởng, vốn là rào cản đối với chính sách đối ngoại, an ninh hiệu quả và năng động đối với Cuba. Những nỗ lực ngoại giao này của Paris đã làm nóng cuộc đua giữa Pháp và Mỹ trong việc giành ảnh hưởng tới Cuba.

Lâu nay, trong chính sách đối ngoại, Pháp luôn chú trọng hợp tác với các nước Mỹ Latin và khu vực Caribe. Cùng với Hà Lan, Pháp đi đầu trong các nỗ lực vận động bình thường hóa quan hệ giữa EU và Cuba. Theo giới chức Paris, Pháp muốn củng cố quan hệ với các nước Mỹ Latin, đặc biệt là Cuba. Quan hệ hợp tác giữa Pháp và Cuba hiện vẫn khiêm tốn với kim ngạch thương mại song phương chỉ ở mức 388 triệu USD. Con số này không tương xứng với tiềm năng của mỗi nước và cần được thúc đẩy trong thời gian tới.

Không chỉ đặt trong bối cảnh quan hệ song phương, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Hollande tới Cuba còn được đặt trong bức tranh toàn cảnh là quan hệ đa phương giữa Cuba và EU. Tháng 3 vừa qua, Cuba và EU đã kết thúc thành công vòng đàm phán thứ ba, nhằm hướng tới việc ký kết một thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác song phương, đánh dấu bước tiến tích cực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai bên. Vòng đàm phán này tập trung vào việc thiết lập cơ chế đối thoại trong các lĩnh vực khác nhau, thảo luận sơ bộ về thiết lập quan hệ thương mại và đối thoại chính trị, ấn định lịch trình đàm phán về thỏa thuận khung, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực quản lý và nhân quyền giữa Cuba và EU.

Đã có không ít ý kiến so sánh cuộc đàm phán Cuba - EU hiện tại với quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao Cuba - Mỹ. Mặc dù giới chức châu Âu nhận định, đây là hai quá trình riêng biệt, khác nhau và không mang tính cạnh tranh lẫn nhau, nhưng trên thực tế đã xuất hiện sự ganh đua ngầm nhằm giành thị phần tại thị trường hứa hẹn giàu tiềm năng của Cuba.

Ngay từ lúc này, khi mà tiến trình hòa hợp Mỹ - Cuba mới chỉ hé mở, internet đã tiên phong đổ bộ lên hòn đảo này. Nhiều công ty du lịch, ngân hàng Mỹ đã chuẩn bị vào Cuba, mặc dù cấm vận vẫn còn là rào cản lớn cho hoạt động đầu tư của các công ty này. Chưa bao giờ hòn đảo xứ Caribbe lại được các doanh nghiệp và chính trị gia Mỹ quan tâm như bây giờ. Ông chủ của hãng Google cách đây không lâu cũng đã tới Cuba. Hàng loạt các nhà lãnh đạo của hãng hàng không Jet Blue, dược phẩm Pfizer, hãng tín dụng MasterCard hay các hãng thực phẩm lần lượt theo chân các nhà chính trị đến Cuba để thăm dò, tìm hiểu.

Rõ ràng, châu Âu không thể làm ngơ trước những chuyển động của đồng minh lớn ở bên kia bờ Đại Tây Dương và cần phải có những bước đi thích hợp tương ứng để không là người chậm chân. Chuyến thăm của Tổng thống Hollande không nằm ngoài sứ mệnh đó.