Sự trở lại của “người khổng lồ”

Theo daibieunhandan.vn

Mới đây, tập đoàn năng lượng lớn của Pháp là Total đã ký kết hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD để phát triển mỏ khí đốt ngoài khơi của Iran. Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của các tập đoàn năng lượng khổng lồ của phương Tây, khi các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt với Iran dần được dỡ bỏ.

Hãng Total của Pháp - người khổng lồ trở lại Iran. Nguồn: Internet
Hãng Total của Pháp - người khổng lồ trở lại Iran. Nguồn: Internet

Cái bắt tay hậu hĩnh

Đây là thương vụ hợp tác quốc tế lớn nhất ở Iran kể từ khi các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt lên Tehran, nhằm phản đối chương trình hạt nhân của nước này được nới vào đầu năm 2016.

Theo Reuters, một phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Iran xác nhận, thỏa thuận hợp tác quốc tế phát triển giai đoạn 11 của dự án South Pars đã được ký kết vào ngày 3/7 vừa qua, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Dầu mỏ Iran, lãnh đạo Tập đoàn Total, đại diện Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty Petropars của Iran.

Tháng 11/2016, Total đã ký với Iran thỏa thuận sơ bộ về việc tham gia phát triển giai đoạn 11 dự án South Pars cùng với CNPC và Petropars.

Theo đó, tập đoàn năng lượng của Pháp sẽ nắm giữ 50,1% cổ phần tại dự án phát triển mỏ khí trị giá 4,8 tỷ USD, CNPC sở hữu 30% và Petropars nắm giữ 19,9%. Với thời hạn 20 năm, giai đoạn 11 của dự án South Pars sẽ đạt sản lượng khai thác 50 triệu m3 khí đốt/ngày.

Ban đầu, Total dự định ký thỏa thuận vào đầu năm 2017, nhưng hoãn lại khi Giám đốc điều hành Patrick Pouyanne trong tháng 2 vừa qua cho biết, Tập đoàn cần chờ xem chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt Iran hay không.

 Trong thời gian tranh cử và sau khi lên tiếp quản Nhà Trắng, ông Donald Trump có nhiều tuyên bố cứng rắn đối với Iran và đe dọa hủy thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và P5+1.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ có lập trường mềm mỏng hơn kể từ khi nhậm chức, với việc Washington tiếp tục bãi bỏ một số lệnh trừng phạt Tehran như đã cam kết theo thỏa thuận hạt nhân. Mặc dù vậy, Mỹ đã áp dụng một số biện pháp mới nhằm trả đũa chương trình phát triển tên lửa đạn đạo cũng như các hoạt động của Tehran trong khu vực.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết hồi tháng 7.2015 và có hiệu lực từ tháng 1/2016, mở đường cho việc nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran. Đổi lại, Tehran hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của mình.

Dưới các lệnh trừng phạt tài chính và ngân hàng do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ áp đặt lên Iran, một số công ty nước ngoài không thể thanh toán cho Iran để vận chuyển hàng hóa, trong đó có xuất khẩu năng lượng.

Cơ hội phát triển

Thỏa thuận vừa được ký kết đã đánh dấu sự trở lại của Total ở Iran, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai và có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới.

Trong những năm 1990, Tập đoàn từng tham gia phát triển các giai đoạn hai và ba của dự án South Pars, song phải rút khỏi Iran sau khi Pháp cùng các thành viên EU áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế năm 2012, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ.

Giám đốc điều hành Total Patrick Pouyannebsy bày tỏ vui mừng khi Total là tập đoàn năng lượng lớn đầu tiên của phương Tây trở lại Iran, mở ra trang mới trong lịch sử hợp tác với đất nước Hồi giáo.

Ngoài Total, một số “người khổng lồ” trong lĩnh vực năng lượng khác của nước ngoài như công ty dầu khí đa quốc gia liên kết giữa Hà Lan và Anh Shell, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga Gazprom cũng đã ký kết các thoả thuận sơ bộ với Iran về việc tham gia các dự án phát triển dầu mỏ và khí đốt ở quốc gia Trung Đông này trong tháng 12 năm ngoái.

Giới chức ngành dầu mỏ Iran kỳ vọng, những động thái trên sẽ kích thích thu hút đầu tư, công nghệ của phương Tây vào lĩnh vực trên, giúp cải thiện hạ tầng năng lượng vốn đã xuống cấp và lạc hậu sau nhiều năm bị kìm hãm bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, những thỏa thuận đó hiện còn gây nhiều tranh cãi ở Iran. Năm ngoái, phe bảo thủ đã chỉ trích việc Chính phủ trao giải cho các công ty nước ngoài trúng thầu phát triển các mỏ dầu mỏ ở Iran và gây áp lực để các tập đoàn năng lượng lớn trong nước, trong đó có tập đoàn do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo kiểm soát, được phép tham gia cạnh tranh.

Song, cả các tập đoàn năng lượng phương Tây và các nhà lãnh đạo Iran mong muốn hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, vì lợi ích kinh tế của cả hai bên.

Các công ty nước ngoài đều sẵn sàng trở lại thị trường dầu mỏ Iran. Đối với Total, thực chất việc bắt tay  cũng nằm trong chiến lược của Tập đoàn nhằm tìm kiếm các nguồn dầu giá rẻ.

Trước đó, ông Pouyanne từng tuyên bố, sẽ tìm kiếm lợi thế cạnh tranh với các đối thủ bằng việc tiếp tục triển khai các dự án dầu tại các nơi có chi phí rẻ hơn, trong bối cảnh chi phí sản xuất dầu khí từ các mỏ đá phiến quá cao.

Còn Iran lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ lên 1 triệu thùng/ngày sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nhằm giành lại thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới. Và để tăng năng suất, ngành dầu mỏ Iran cần nâng cấp, cải tiến công nghệ, hạ tầng.