Tác nhân giúp châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững

Theo thoibaonganhang.vn

Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của các nước châu Á - Thái Bình Dương được coi là kỳ tích, mang lại sự thịnh vượng, làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia.

TS. Shamshad Akhtar, Thư ký điều hành ESCAP, phát biểu tại buổi khai mạc khóa họp lần thứ 72. Nguồn: internet
TS. Shamshad Akhtar, Thư ký điều hành ESCAP, phát biểu tại buổi khai mạc khóa họp lần thứ 72. Nguồn: internet

Tuy nhiên, chính sự phát triển “nóng” này cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ về môi trường, tình trạng mất cân bằng về kinh tế, xã hội, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải có sự điều chỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bài viết của TS. Shamshad Akhtar, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) mới đăng trên báo “Jakarta Toàn cầu”, các nước châu Á cần đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới để đảm bảo phát triển bền vững.

Đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới cần phải được coi là xương sống của nền kinh tế để tăng năng suất và đảm bảo phát triển bền vững. Nhưng dù năng suất tăng đáng kể trong vài thập niên qua, sức tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển ở châu Á chủ yếu là do yếu tố tích lũy, sự gia tăng số vốn, kể cả nguồn lực con người.

Tốc độ tăng năng suất trung bình giữa giai đoạn 2000-2007 và 2008-2014 giảm 65% đã góp phần làm nền kinh tế giảm tốc và có thể làm lung lay các nỗ lực nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 đã được đề ra. Để thúc đẩy tăng năng suất, một trong những yếu tố then chốt là phải tạo ra một lực lượng lao động tay nghề cao.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có một số nền kinh tế năng động và sáng tạo nhất trên thế giới. Một báo cáo mới đây của ESCAP cho thấy, một số nền kinh tế của khu vực luôn được xếp hàng đầu về môi trường kinh doanh sáng tạo (như Singapore), các sáng kiến có chiều sâu về xã hội của chính phủ (Hàn Quốc) và nghiên cứu khoa học phức hợp (Trung Quốc).

Một số nền kinh tế trong khu vực cũng nằm trong số có tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu/GDP ở mức cao nhất và khu vực chiếm gần 43% tổng đầu tư toàn cầu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Chỉ tính riêng trong năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á - Thái Bình Dương đã đầu tư hơn 650 tỷ USD cho R&D. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, những thành tích ấn tượng chỉ được giới hạn trong một nhóm tương đối nhỏ các nền kinh tế. Ví dụ, 95% số nhà nghiên cứu chỉ ở 5 quốc gia hàng đầu.

Để đạt được các kỳ vọng trong Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030, khu vực cần phải khai thác tất cả các nguồn lực tiềm năng của mình, đặc biệt là tập trung vào việc mở rộng mạng lưới khoa học, công nghệ và đổi mới (STI). Quy mô và chiều sâu của Chương trình này đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác và mang tính đột phá mà cốt lõi là đổi mới cùng với những đột phá lớn về khoa học và những tiến bộ công nghệ. T

uy nhiên, những thành tích hạn chế về STI cho đến nay sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu trong 15 năm tới. Có bốn vấn đề cần được giải quyết nhanh chóng: Thứ nhất, cần làm cho STI trở nên phổ quát về mặt xã hội và kinh tế hơn, trong khi vẫn tăng khả năng ứng phó về khí hậu và giảm khí thải cácbon.

Thứ hai, các chính phủ cần xây dựng các chính sách STI tích hợp và có tầm nhìn, trong khi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc hỗ trợ ba khía cạnh của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ ba, để hỗ trợ phát triển bền vững, các chính sách và chiến lược về STI cần mang tính phổ quát, công khai và hợp tác. Các đổi mới phát triển có thể tiếp cận và trong tầm tay của những người nghèo là cần thiết để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Cuối cùng, tiềm năng hợp tác khu vực về STI là rất lớn. Điều đó sẽ phát triển công nghệ và đổi mới bền vững, chia sẻ các cơ hội, góp phần thu hẹp các khoảng cách còn tồn tại.

Báo cáo của ESCAP là một lời kêu gọi hành động về hợp tác STI của khu vực. Châu Á - Thái Bình Dương có rất nhiều cơ hội để đổi mới các doanh nghiệp tư nhân, đổi mới con người và chuyển giao công nghệ quốc tế. Hợp tác khu vực là thiết yếu để chia sẻ kiến thức, thích ứng với những thách thức và cơ hội mà một chương trình nghị sự không ngừng thay đổi đặt ra.

Tin tức cho hay tại khóa họp lần thứ 72 ESCAP vừa bế mạc tại Bangkok (Thái Lan), các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện và nhất trí cần thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm thực hiện đầy đủ Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai, Chương trình Hành động Addis Ababa về tài trợ cho phát triển, Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trong ba ngày (17-19/5) tham dự kỳ họp với chủ đề “Khoa học, công nghệ và sáng tạo vì phát triển bền vững”, các nước thành viên đã đồng thuận thông qua 12 nghị quyết nhằm tăng cường hợp tác khu vực về kinh tế, thương mại, xã hội; tăng cường kết nối giao thông; thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và sáng tạo; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp nhằm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quý báu của các nước về thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện.

Tại hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, khẳng định Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và cho rằng bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trợ lý Bộ trưởng cũng thông báo về những tác động nghiêm trọng của El Nino và xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cho những người dân Việt Nam tại các khu vực này.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra tại khóa họp đánh giá kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực, dự kiến năm 2016 đạt mức tăng trưởng 6,9%, cao hơn mức 6,7% năm 2015; cho rằng việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo thêm cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.