Tăng thuế gây rủi ro cho Abenomics

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Quyết định tăng thuế tiêu thụ lên 8% từ mức 5% có hiệu lực vào ngày 1/4 năm nay. Tuy vậy, với việc chi tiêu của các hộ gia đình ở Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 7, khiến ngày càng nhiều lo ngại rằng, quyết định tăng thuế của Thủ tướng Shinzo Abe gây thiệt hại đối với nền kinh tế lớn hơn so với dự tính.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nguồn: internet
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nguồn: internet

Cơ quan Thống kê Nhật Bản hôm 29/8 cho biết, giá tiêu dùng, không gồm giá thực phẩm tươi, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không tính tác động của đợt tăng thuế hồi tháng 4, tỷ lệ lạm phát là 1,3%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng 1,25% trước khi tăng tốc lên mục tiêu 2%. Kinh tế Nhật Bản vốn đã suy yếu trong quý II nên nếu lạm phát đột ngột chậm lại trong những tháng tới, BoJ sẽ phải chịu áp lực lớn trong việc tăng kích thích cho nền kinh tế.

Gần 1 năm trước, Thủ tướng Nhật Bản Abe quyết định tăng thuế tiêu thụ lên 8% từ mức 5%, một động thái mà theo ông, ngân sách của chính phủ sẽ được tăng thêm khoảng 8 nghìn tỷ yên (77 tỷ USD) mỗi năm. Việc tăng thuế có hiệu lực vào ngày 1/4 năm nay. Tuy vậy, với việc chi tiêu của các hộ gia đình ở Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 7, khiến ngày càng nhiều lo ngại rằng, quyết định tăng thuế của Thủ tướng Shinzo Abe gây thiệt hại đối với nền kinh tế lớn hơn so với dự tính.

Triển vọng kinh tế Nhật Bản ảm đạm

Sụt giảm tiêu dùng trong những tháng gần đây đã khiến các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với Nhật Bản. Trong một cuộc thăm dò do Wall Street Journal tiến hành, 20 nhà kinh tế hàng đầu cho biết, họ hy vọng nền kinh tế Nhật Bản tăng trung bình 0,5% trong năm tài khóa 2014 (kết thúc vào tháng 3/2015) so với ước tính của chính phủ là tăng 1,2% và của BoJ là 1%.

"Theo quan điểm của tôi, đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi cả chính phủ Nhật Bản và BoJ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thêm một lần nữa", Naohiko Baba, nhà kinh tế trưởng người Nhật Bản  làm việc tại Goldman Sachs cho biết.  Ông Baba hạ thấp dự báo tăng trưởng của Nhật Bản xuống còn 0,4%.

Ông Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012 và nhanh chóng đưa ra một kế hoạch phục hưng nền kinh tế mang tên Abenomics. Mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo rằng, sự phục hồi vẫn còn mong manh, ông Abe đã quyết định tăng thuế, hy vọng sẽ làm giảm gánh nợ khổng lồ của Nhật Bản. Hôm 29/8, các quan chức chính phủ hàng đầu Nhật Bản vẫn mắc kẹt trong quan điểm cho rằng, Abenomics vẫn đi đúng hướng. Các quan chức mô tả sự suy giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng chỉ là tạm thời và bị ảnh hưởng do thời tiết mưa lớn ở khu vực miền Tây Nhật Bản.

"Theo tôi được biết, có một sự sụt giảm trong nhu cầu sau khi thuế tiêu dùng tăng, mặc dù với tốc độ từ từ", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết, "nhưng có lẽ chúng ta phải theo dõi chặt chẽ xu hướng này".

Các quan chức chỉ ra một số điểm sáng trong các dữ liệu của chính phủ. Theo khảo sát đối với các nhà sản xuất, chính phủ Nhật Bản dự báo sản xuất công nghiệp sẽ tăng trong những tháng tới, bao gồm sự gia tăng 3,5% trong tháng 9, bất chấp tăng trưởng yếu trong tháng 7. Ngoài ra, số lượng tuyển dụng lao động tại Nhật Bản vẫn lớn hơn số người tìm việc, điều này có nghĩa là tiền lương sẽ tăng sớm. Tuy nhiên, các số liệu hôm 29/8 có thể làm suy yếu mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bởi giá cổ phiếu, lạm phát và thu nhập cao hơn.

Chính quyền của ông Abe cũng đã công bố một kế hoạch chi tiêu 5,5 nghìn tỷ yên trong năm nay để giảm bớt ảnh hưởng của việc tăng thuế, nhưng một số nhà kinh tế cho rằng động thái này không có tác dụng nhiều. Chỉ có 10% số tiền ngân sách này  dùng để hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng, chẳng hạn như tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp. Phần lớn số tiền còn lại giành chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

“Đây là một gói tài chính kém hiệu quả”, ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin nói.

Lo ngại về nền kinh tế Nhật Bản

Mặc dù một số chỉ số kinh tế đã bắt đầu nhích lên sau quý II thê thảm, nhưng “tốc độ tăng trưởng này lại quá chậm khiến người ta khó có thể kỳ vọng vào một sự phục hồi nhanh chóng”, Robert Feldman, chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản tại Morgan Stanley MUFG lo ngại.

Trước đây, câu hỏi được nghe nhiều nhất về Abenomics là liệu ông Abe có thể thực hiện các cải cách mang tính cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng - mũi tên thứ ba trong chiến lược hồi phục kinh tế (2 mũi tên đầu trong Abenomics là thúc đẩy chi tiêu công và nới lỏng tiền tệ). Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Giờ đây, mối nghi ngờ lại chĩa vào cái từng được xem là điểm sáng nhất của chính sách Abenomics: vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp tài khóa và đặc biệt là nới lỏng cung tiền mạnh tay. Sau một thời gian tăng trưởng khả quan nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của ông Abe, GDP Nhật đã tăng trưởng âm 6,8% trong quý II. Nhưng điều mọi người lo ngại không hẳn là mức tăng trưởng âm này, vì nó đã được dự báo từ trước đó, do tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng có hiệu lực vào ngày 1/4.

Điều một số người lo ngại hơn là bức tranh vĩ mô tổng thể của Nhật Bản đang có dấu hiệu của tình trạng lạm phát đình đốn. Nếu xét tăng trưởng GDP thực, nền kinh tế đã trải qua tốc độ tăng trưởng gần như 0% trong giai đoạn giữa năm 2013 đến giữa năm 2014. Trong khi đó, chương trình nới lỏng cung tiền mạnh tay của BoJ đã khiến lạm phát ngóc đầu dậy. Mặc dù lương đã tăng nhẹ vào tháng 6 nhưng giá cả tiêu dùng lại tăng cao hơn, khiến cho thu nhập thực tế của người dân thấp hơn 3,2% so với mức cách đây 1 năm.

Ngay cả những người “đỡ đầu” cho chính sách Abenomics cũng thừa nhận mọi thứ đã không đi đúng như kế hoạch. Lạm phát không phải là điều khiến họ lo ngại vì đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài là mục tiêu chính của Abenomics. Thế nhưng, một “mức tăng lạm phát tốt” như họ đã cam kết (tức việc giá cả tăng dẫn đến mức tăng tương ứng trong thu nhập) lại không đạt được, nếu không nói là có tác dụng ngược: giá cả tăng khiến cho người dân nghèo hơn.

Haruhiko Kuroda, Thống đốc BoJ đã nêu lên mối bận tâm này tại cuộc họp ngân hàng trung ương các nước diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua ở Jackson Hole, Wyoming, Mỹ. Ông cũng thừa nhận Nhật chỉ mới “đi được nửa chặng đường” trên con đường chống giảm phát. Tuy nhiên, ông dự đoán thu nhập sẽ tăng kịp với giá cả, một khi doanh nghiệp và người lao động bắt đầu chấp nhận việc giá cả tăng là điều bình thường ở Nhật.

Nỗi buồn của ông Abe và các quan chức tại BoJ còn ở chuyện đồng yên. Các nhà xuất khẩu lớn như Toyota và Sony đã tăng mạnh được lợi thế cạnh tranh nhờ đồng yên yếu đi dưới tác động của chính sách Abenomics. Trong một khoảng thời gian, việc hỗ trợ nhà xuất khẩu qua việc làm suy yếu đồng yên thực sự đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản.

Thế nhưng, lần này, việc giá đồng yên giảm hơn 20% dưới thời của ông Abe đã không lặp lại được thành tích đó. Một phần là do Nhật Bản đã trở thành một nhà nhập khẩu ròng sau khi sự cố nhà máy điện Fukushima buộc nước này phải tăng mua dầu khí từ bên ngoài, khiến cho thâm hụt thương mại càng trầm trọng hơn. Một phần nữa là xuất khẩu gần đây đã không tăng trưởng như dự kiến, do các công ty giờ sản xuất sản phẩm ở ngoài nước Nhật nhiều hơn.

Đứng trước làn gió ngược này, ông Abe giờ phải quyết định liệu có nên tiếp tục một đợt tăng thuế tiêu dùng khác vào tháng 10/2015. Ông có thể quyết định không tăng thuế nếu nhận thấy nền kinh tế phục hồi quá yếu ớt. Nhưng với đợt phục hồi GDP dự kiến trong quý III tới và áp lực chính trị buộc phải giảm mức nợ công cao ngất ngưởng của Nhật Bản, nhiều người cho rằng có thể ông sẽ vẫn triển khai đợt tăng thuế tiêu dùng mới.

Trong một cuộc khảo sát do nhật báo Nikkei công bố vào đầu tuần qua, chỉ 30% người cho rằng nên triển khai đợt tăng thuế tiêu dùng tiếp theo, giảm 6 điểm phần trăm so với đợt khảo sát hồi tháng 7.

Dù rằng đợt tăng thuế tiếp theo chỉ 2%, so với mức 3% của đợt tăng hồi tháng 4, nhưng không có gì lấy làm chắc chắn là nền kinh tế sẽ chịu đựng được mức tăng mới này, nhất là khi niềm tin đối với ông Abe đã giảm xuống. Trong nhiều cuộc khảo sát ý kiến, tỷ lệ ủng hộ của ông Abe chưa tới 50%, thấp hơn rất nhiều so với mức đồng tình tới hơn 70% mà ông nhận được trong phần lớn năm đầu tiên nhậm chức Thủ tướng. Nếu không sớm lật ngược thế cờ, ông sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử gian nan vào giữa năm 2016.