“Thế giới mới ở giai đoạn đầu của giải chấp tài sản”

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Trước thềm Diễn đàn Tài chính Châu Á 2014 (AFF) diễn ra từ 13-15/1/2014 tại Hồng Kông, do Cục Xúc tiến Thương mại Hồng Kông (HKTDC) tổ chức, ông Paul M Acheleitner, Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Deustche Bank tại FrankFurt (Đức), một trong diễn giả của AFF, đã đưa ra dự báo về bức tranh thị trường tài chính châu Á 2014.

Ông Paul M Acheleitner, Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Deustche Bank tại FrankFurt (Đức). Nguồn: internet
Ông Paul M Acheleitner, Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Deustche Bank tại FrankFurt (Đức). Nguồn: internet

Ông dự báo thế nào về triển vọng của ngành ngân hàng thế giới trong 12 tháng tới, đặc biệt là những thay đổi sẽ đến khi Basel III được áp dụng?

Nếu chúng ta nhìn vào dài hạn, rõ ràng những quy định áp dụng với ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình ra xu thế ngành không chỉ trong 12 tháng tới mà còn dài hạn hơn.

Cũng giống như cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 19, cuộc cách mạng ngành tài chính của thế kỷ 21 cần đến quá trình dọn sạch hệ thống. Vấn đề mấu chốt sẽ nằm ở việc ngành có một khung giám sát mạnh mẽ và thống nhất hơn. Đây cũng chính là trọng tâm của Basel III và Deustche Bank luôn ủng hộ mục tiêu này.

Vậy theo ông liệu kinh tế thế giới có tiếp tục làn sóng giải chấp trong tương lai gần và điều này ảnh hưởng đến tín dụng ngân hàng như thế nào?

Tôi tin rằng chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình giải chấp tài sản. Thế nhưng cần phải khẳng định rằng đòn bẩy bản thân nó không xấu nhưng đòn bẩy quá mức mới gây ra nhiều tác hại.

Chúng ta cần quan tâm liệu người vay tiền có đủ khả năng để hoàn trả lại khoản nợ đã vay hay không? Đáng mừng, các ngân hàng sẽ áp dụng các quy định chặt chẽ hơn nhiều so với trong quá khứ. Chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay nhiều hơn, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tốt, số lượng doanh nghiệp tăng. Nếu kinh tế diễn biến xấu, tín dụng ngân hàng chắc chắn giảm đi.

Vậy nếu tách riêng kinh tế châu Á ra khỏi kinh tế thế giới nói chung, ông có thể đưa ra một vài dự báo cho nhóm nền kinh tế này?

Tôi cũng không biết có thể gọi là kinh tế châu Á hay không, thế nhưng nếu xét chung sự phát triển của cả khu vực, Deustche Bank duy trì quan điểm lạc quan. Các yếu tố căn bản của châu Á hiện tích cực dù còn những thách thức ngắn hạn.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, nhưng theo ông, liệu quá trình tái cân bằng của nền kinh tế này có diễn ra suôn sẽ hay không?

Tôi không dám cho mình giỏi hơn các chuyên gia chuyên về kinh tế Trung Quốc, thế nhưng dựa trên những gì mà chuyên gia của Deustche Bank đang có, chúng tôi tin tưởng vào quá trình ổn định đang được thực thi trong kinh tế Trung Quốc. Và chúng tôi cũng tin rằng chính sách chính trị và kinh tế mà lãnh đạo Trung Quốc mới thông qua sẽ đưa Trung Quốc đi đúng hướng.

Trên quan điểm của mình, ông đánh giá thế nào về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường Hồng Kông?

Tôi có một câu trả lời ngắn gọn: Hồng Kông là số 1. Cũng giống như New York hay London, Hồng Kông là trung tâm tài chính có lịch sử lâu đời. Và kinh nghiệm cho thấy rằng quá trình phát triển và xây dựng được một vị thế như vậy có thể coi như thành công quan trọng. Hồng Kông đồng thời có nhiều lợi thế hơn so với các trung tâm tài chính khác tại châu Á.

Vậy ông kỳ vọng gì vào Diễn đàn Tài chính châu Á lần này?

Tôi đến diễn đàn lần này để học hỏi. Châu Á là một khu vực quan trọng trong sự phát triển của thế giới. Bất kỳ chuyên gia châu Âu nào muốn có một cái nhìn toàn cảnh về thế giới đều cần phải đến châu Á để lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau từ các nhà lãnh đạo. Chính vì thế tôi chờ đợi để tiếp nhận thật nhiều quan điểm từ những cuộc trao đổi về các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, tài chính.