Thể hiện quan điểm chính trị, vốn Nhật tiếp tục rút khỏi Trung Quốc

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Giáo sư Ding Yibing thuộc khoa Kinh tế, Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) cho hay xu hướng giảm đầu tư từ Nhật tại Trung Quốc đã bắt đầu trong 3 năm trở lại đây.

Thể hiện quan điểm chính trị, vốn Nhật tiếp tục rút khỏi Trung Quốc
Xu hướng giảm đầu tư từ Nhật tại Trung Quốc đã bắt đầu trong 3 năm trở lại đây. Nguồn: internet

Giảm mạnh

Theo số liệu công bố vào cuối tháng 5 của Bộ Thương mại Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm tới 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Với mức đầu tư này, Nhật Bản đã tụt xuống dưới cả Singapore và Hàn Quốc trong danh sách tốp các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Số liệu thống kê của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy, năm ngoái các công ty Nhật Bản chỉ đầu tư vào Trung Quốc 9,09 tỷ USD, giảm mạnh xuống 33% so với năm 2012. Con số này chỉ chiếm 6,8% tổng mức đầu tư ngoài lãnh thổ của các công ty Nhật Bản trong năm 2013. 

Đầu tư Nhật Bản giảm mạnh chủ yếu ở các lĩnh vực, mà trước đó rất được chú trọng, như: bán lẻ, ô tô và máy móc.

Đâu là nguyên nhân?

Giáo sư Ding Yibing thuộc khoa Kinh tế, Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) cho hay xu hướng giảm đầu tư từ Nhật tại Trung Quốc đã bắt đầu trong 3 năm trở lại đây.

Các nhà đầu tư Nhật Bản từng bị hấp dẫn bởi quy mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây đang hình thành một cuộc chuyển đổi đầu tư từ thị trường đông dân nhất thế giới sang các nước thuộc khối ASEAN.

Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc (ITAC) Li Tie nhận định, đầu tư đang chịu ảnh hưởng bởi quan hệ giữa hai nước. "Những tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư (mà người Nhật gọi là Senkaku) khiến tình hình trở nên tệ hơn", ông Li nói.

Số liệu của JETRO cho thấy các công ty Nhật đã đầu tư 22,8 tỷ USD vào những quốc gia, như: Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines trong năm 2013, cao gần gấp 3 Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Theo ông Minoru Arahata, Giám đốc JETRO chi nhánh Đại Liên, chi phí đất đai và lao động Trung Quốc đang tăng khiến doanh nghiệp Nhật Bản hướng sang thị trường có chi phí rẻ hơn như Đông Nam Á.

Còn Giám đốc quản lý JETRO, Masahito Tasuda thẳng thắn, đây không chỉ vấn đề nhân công, mà những bất đồng chính trị giữa hai nước cũng là một lý do.

Quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây, do tranh chấp lãnh thổ gay gắt ở Biển Đông Trung Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản có khả năng được hồi sinh.

"Số lượng khách hàng đến tham khảo ý kiến chúng tôi về gia nhập thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh" từ năm ngoái, một quan chức thuộc một tổ chức tài chính của Nhật Bản có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Khi hiềm khích trên quần đảo Điếu Ngư được châm ngòi bằng hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp lãnh thổ Trung Quốc vào mùa thu năm 2012, các công ty lớn của Nhật Bản vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc theo kế hoạch kinh doanh của họ tại thời điểm đó. Vốn đầu tư trực tiếp thậm chí còn có một sự gia tăng nhẹ so với năm 2011.

Tuy nhiên, khi quan hệ song phương ngày càng trở nên lạnh hơn, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng dần mất niềm tin vào cơ hội đầu tư Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn đang cần các chuyên gia công nghệ và những bí quyết nhằm hiện đại hóa nền công nghiệp. Vì thế, họ đang rất lo lắng, trông đợi sự trở lại của vốn đầu tư Nhật Bản.

Tân Hoa Xã cũng nêu một số quan điểm mong muốn "vãn hồi" tình hình.

Ông Li Tie cho rằng, Trung Quốc nên chú ý nhiều hơn tới việc bảo vệ bản quyền cũng như cung cấp hỗ trợ ưu tiên cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi Nhật Bản nên tái cấu trúc mô hình đầu tư để chuyển trọng tâm từ chi phí lao động và nguyên vật liệu sang thị trường và công nghệ.

Năm 2012, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận thúc đẩy và bảo vệ đầu tư giữa ba nước. Đây được xem như là công cụ pháp lý đầu tiên thúc đẩy và bảo vệ đầu tư ba bên, được coi là hòn đá tảng, đặt cơ sở cho việc hướng tới khu vực mậu dịch tự do (FTA). Thỏa thuận này đi vào hiệu lực từ hôm 17/5/2014.

Giới phân tích cho rằng, vừa ở gần nhau về vị trí địa lý, vừa có quy mô thương mại và giá trị mậu dịch lớn, nếu Trung - Nhật - Hàn ký FTA thì sẽ tác động lớn tới nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ba nước này chiếm 22% dân số, 19,6% GDP và 17,5% kim ngạch thương mại toàn cầu trong 2010.

Nguồn tham khảo:

http://www.marketpulse.com/20140319/japans-investment-china-drops-43-percent-yoy/

http://ajw.asahi.com/article/business/AJ201404180062

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/cong-ty-nhat-ban-tiep-tuc-rut-von-khoi-trung-quoc-2998957.html

http://vneconomy.vn/20140602020624902P0C99/von-nhat-o-at-thoat-khoi-trung-quoc.htm