Thị trường tài chính thế giới chao đảo vì Ukraine

Hải An

(Tài chính) Căng thẳng chính trị tại Ukraine đã phủ bóng lên thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu trong những ngày đầu tháng 3/2014. Tuy nhiên, trái với sự mất giá của cổ phiếu và các đồng tiền có độ rủi ro cao, vàng và các tài sản an toàn khác như USD… đồng loạt tăng giá mạnh.

Chứng khoán thế giới đỏ lửa

TTCK toàn cầu rơi vào tình trạng bán tháo trong những ngày đầu tháng 3/2014 khi các nhà đầu tư chứng khoán muốn tìm kiếm những tài sản an toàn khác sau những diễn biến chính trị tại Ukraine. Lực lượng của Nga đã nắm quyền kiểm soát khu vực Crimea của Ucraina, nơi có đa số người Nga sinh sống. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga có quyền đưa quân vào nước láng giềng này. Thông tin Ucraina đã tăng cường huy động lực lượng quân sự trong khi Mỹ đe dọa sẽ cô lập Nga về mặt kinh tế

Trong phiên giao dịch 3/3/2014, TTCK Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất trong 1 tháng với việc chỉ số Dow Jones sụt 153,68 điểm (tương ứng 0,94%) xuống 16.168,03 điểm. Chỉ số S&P 500 đã rời xa mốc cao kỷ lục được xác lập hồi cuối tháng 2 (1.859,45 điểm) và trượt 13,72 điểm (tương ứng 0,74%) xuống 1.845,73 điểm trong phiên giao dịch. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 30,818 điểm (tương ứng 0,72%) còn 4.277,301 điểm.

Tình hình Ukraine cũng đã khiến chỉ số MSCI All-Country World Index giảm 1,3%. TTCK Nga có phiên giảm điểm mạnh nhất 5 năm. Cụ thể, chỉ số Micex đã giảm tới 155,90 điểm, tương ứng với mức giảm 10,79%, xuống còn 1.288,81 điểm. Các nhà đầu tư đang tìm cách rút khỏi Nga với dự đoán động thái quân sự của Nga sẽ gây ảnh hưởng đến nền thương mại toàn cầu.

Các sàn chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh. Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán Anh quốc sụt 101,35 điểm, tương ứng 1,49%, xuống 6.708,35 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 117,21 điểm, tương ứng 2,66%, xuống 4.290,87 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 333,19 điểm, tương ứng 3,44%, còn 9.358,89 điểm.

                     Diễn biến chỉ số chứng khoán Dow Jones từ ngày 3/2/2014- 3/3/2014 (điểm)

Thị trường tài chính thế giới chao đảo vì Ukraine - Ảnh 1
                                                                                                                 Nguồn: http://www.marketwatch.com

Giá vàng leo thang

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh khi căng thẳng Ukraine ngày càng trầm trọng, nhu cầu trú ẩn vào vàng của các nhà đầu tư tăng vọt. Hiện vàng thế giới đang ở vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 10 năm ngoái. Đóng cửa phiên giao dịch 3/3/2014, tại New York, giá vàng giao ngay tăng 21,7 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,6%, chốt ở 1.351,3 USD/oz.

“Vào những thời điểm có xung đột quân sự, thị trường thường có phản ứng tức thời”, nhà phân tích Joel Crane thuộc ngân hàng Morgan Stanley ở Melbourne, Australia, phát biểu trên Bloomberg.

Trước đó, giá vàng thế giới đã tăng 6,6% trong tháng 2 sau khi tăng 3,2% trong tháng 1. Từ đầu năm tới nay, vàng là hàng hóa tăng giá mạnh nhất trong số 24 hàng hóa thuộc chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index. Những tín hiệu về khả năng giảm tốc của kinh tế Mỹ và Trung Quốc, rủi ro gia tăng tại các thị trường mới nổi, và bất ổn ở Ukraine đang là những nhân tố đẩy giá vàng đi lên.

Theo giới phân tích, bất ổn tại Ukraine nếu leo thang có thể đẩy giá vàng tăng lên những ngưỡng cao hơn do các nhà đầu tư mua vàng để tìm kiếm sự bảo đảm.

                                             Giá vàng thế giới 3/2/2014 đến ngày 3/3/2014 (USD/oz)
 
                     Thị trường tài chính thế giới chao đảo vì Ukraine - Ảnh 2

Giá dầu tiếp tục ở mức cao

Tình trạng căng thẳng tại Ukraine đã trở thành yếu tố hỗ trợ giá các mặt hàng năng lượng gồm dầu, xăng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/3, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 4 trên sàn hàng hóa New York đã tăng vọt 2,33 USD, tương ứng với mức tăng 2,3%, lên 104,92 USD mỗi thùng. Đây là mức giá chốt cao nhất của dầu thô WTI loại này kể từ phiên 19/9/2013 đến nay (trước đó, trong tháng 2/2014, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng tổng cộng 5,2%). Giá xăng trong phiên giao dịch cũng tăng 1,4% lên mức 3,02 USD/gallon.

Giá dầu thô tăng mạnh do những lo ngại xuất khẩu dầu của Nga, nguồn xuất khẩu chủ lực của thị trường thế giới, có thể bị đình trệ nếu tình hình tại Ukraine trở nên tồi tệ hơn và chính phủ phương tây có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt lên Moscow.

Ukraine còn là tuyến đường trung chuyển quan trọng cho năng lượng xuất khẩu của Nga (với trên 70% dầu mỏ và khí đốt của Nga xuất sang châu Âu là đi quan lãnh thổ Ukraine), trong khi châu Âu mua tới gần 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga.

                                    Diễn biến giá dầu thô ngọt, nhẹ 3 tháng qua (USD/thùng)
                         Thị trường tài chính thế giới chao đảo vì Ukraine - Ảnh 3
                                                                                                                   Nguồn: http://www.marketwatch.com

Đồng Rúp lao dốc mạnh

Tình hình trên đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo đồng Rúp của Nga. Ngày 3/3/2014, Đồng Rúp lao dốc mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục là 37 Rúp đổi 1 USD. Tỷ giá Rúp so với Euro cũng tụt xuống mức thấp chưa từng có 50.99 Rúp đổi 1 Euro - theo dữ liệu từ hãng Dow Jones Newswires.

Nhằm bình ổn đồng rúp và kiểm soát lạm phát trong bối cảnh lo ngại về các tác động lên nền kinh tế từ cuộc chiến tiềm tàng tại Ukrain đang trên đà gia tăng. Ngân hàng Trung ương Nga ngày 3/3 đã tăng lãi suất đồng Rúp từ 5,5% lên 7%. lãi suất cơ bản đồng Rúp đã được giữ nguyên suốt từ tháng 8/2012.

Bà Jane Foley, chiến lược gia cao cấp về ngoại hối thuộc ngân hàng Rabobank, đánh giá, động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ không có hiệu quả trong ngắn hạn.

Đồng Euro sẽ bị rớt giá mạnh bởi các nhà đầu tư tìm kiếm các “vịnh” tránh bão khác như Yên Nhật, vàng… Tỷ giá Euro/USD tại thị trường Tokyo sáng 4/3/2013 ở mức hơn 1,37 USD/Euro, từ mức gần 1,38 USD/Euro vào sáng hôm qua.

Giới đầu tư quốc tế đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo từ Ukraine.