Thị trường tài khóa, tiền tệ thế giới 5 tháng đầu năm 2015

Theo ncseif.gov.vn

(Taichinh) - Những tín hiệu phục hồi khả quan tại các nước, các khu vực kinh tế lớn trên thế giới đã tạo đà cho việc thực hiện nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ trong nửa đầu năm 2015.

Các khu vực kinh tế lớn trên thế giới đã tạo đà cho việc thực hiện nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ. Nguồn: internet
Các khu vực kinh tế lớn trên thế giới đã tạo đà cho việc thực hiện nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ. Nguồn: internet

Tại Mỹ, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã giảm mạnh trong những năm gần đây là nguyên nhân khiến cho chính sách tài khóa được nới lỏng. Thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2014 là 486 tỷ USD, tương đương 2,8% GDP, giảm mạnh từ mức 680 tỷ USD (tương đương 4,1% GDP) trong năm tài khóa trước và là mức thâm hụt trong tài khóa 2014 thấp nhất trong 6 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama . Có sự giảm mạnh như vậy là nhờ thu ngân sách tăng 8,6%, chủ yếu là thu thuế, trong lúc mức chi tăng nhẹ 1,4%.

Mục tiêu ngân sách của Tổng thống Mỹ Obama trong năm 2015 tập trung vào việc kích thích nền kinh tế. Vào ngày 3/3/2015, Tổng thống Obama đã trình Quốc hội một bản ngân sách trị giá 3,9 nghìn tỷ USD để rót tiền vào xây đường, giáo dục và các chương trình thúc đẩy kinh tế khác, nhằm nhắc nhở các thành viên Đảng Dân chủ tập trung vào chủ đề của năm bầu cử là tạo việc làm và giảm khoảng cách giàu nghèo. Để cấp vốn cho những sáng kiến trên và để giảm thâm hụt ngân sách, Tổng thống Obama sẽ dựa một phần vào việc tăng thu ngân sách, chủ yếu là giảm miễn trừ thuế cho người giàu và tăng thế đối với bất động sản, các tổ chức tài chính, thuốc là, vận tải hàng không và các nhà quản lý quỹ vốn tư nhân. Tuy nhiên, những đề xuất chi tiêu này sẽ gặp nhiều khó khăn khi đưa ra thông qua tại Quốc hội.

Đối với chính sách tiền tệ, từ sau suy thoái kinh tế 2008 -2009, Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0% (0,25%) và bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế. Giờ đây, với tỷ lệ thất nghiệp giảm, Mỹ có khả năng sẽ tăng lãi suất ngắn hạn trong thời gian tới, lần đầu tiên kể từ năm 2006. Kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố trước cuộc họp định kỳ ngày 18/3 đã cho thấy có 15 trong 17 quan chức Ban lãnh đạo FED hy vọng việc tăng lãi suất sẽ diễn ra trong năm 2015, từ mức 0,25% hiện nay lên 0,75% và đến năm 2016 cũng chỉ ở mức 2,0%. Đây là sự thay đổi hẳn so với các thông báo của các kỳ họp trước đây khi Fed nhấn mạnh chủ trương “kiên nhẫn thêm một thời gian.”

Tuy nhiên, kết quả của cuộc họp định kỳ của Ủy ban Thị trưởng mở liên bang (FOMC) thuộc FED đã quyết định vẫn chưa vội tăng lãi suất và vẫn duy trì mức lãi suất hiện tại. Điều này cho thấy, FED vẫn lo ngại nguy cơ suy giảm của nền kinh tế Mỹ khi mức tăng lương và lạm phát tại Mỹ vẫn thấp do giá dầu giảm và đồng USD mạnh lên khiến cho hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu rẻ đi.

Tại khu vực châu Âu, ngân sách bớt căng thẳng kể từ năm 2014 đã khiến khu vực châu Âu bắt đầu nới lỏng dần tài khóa. Bên cạnh đó, các kế hoạch kích thích kinh tế đã được các nền kinh tế thuộc khu vực này bắt đầu thực hiện. Ngày 22/1/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố một chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá ít nhất 1,1 ngàn tỷ EUR (tương đương 1,3 ngàn tỷ USD) vào nền kinh tế Eurozone.Theo đó, ECB sẽ triển khai chương trình mua tài sản (bao gồm các chứng khoán của cả khu vực công và khu vực tư nhân) với giá trị lên tới 60 tỷ EUR mỗi tháng.

Trong đó, tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ - loại tài sản lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất ở Eurozone. Gói QE của châu Âu đã được bắt đầu triển khai từ ngày 9/3/2015 và sẽ kéo dài cho tới tháng 9/2016. Với chương trình này. ECB đã trở thành ngân hàng trung ương (NHTW) lớn thứ 4 trên thế giới áp dụng QE trong những năm gần đây sau FED của Mỹ, NNTW Anh (BOE ) và NHTW Nhật Bản (BOJ). Cùng với quyết định tung ra gói kích thích kinh tế, ECB đã giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0,05% bắt đầu được áp dụng từ tháng 9/2014 và lãi suất tiền gửi ngân hàng qua đêm ở mức -0,2%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trả phí để gửi tiền tại ECB.

Kinh tế còn nhiều khó khăn đã khiến Chính phủ Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách Abenomics trong đó 2 trụ cột quan trọng là nới lỏng tài khóa và tiền tệ từ 2012 đến nay. Thủ tướng Shinzo Abe gần đây đã chính thức thông qua quyết định cắt giảm thuế doanh nghiệp nhằm thúc đẩy lợi nhuận của khối doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo kế hoạch cải cách này, chính phủ Nhật Bản sẽ giảm thuế doanh nghiệp xuống 32,1% kể từ tháng 4/2015 và tiếp tục xuống còn 31,3% trong năm 2016.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản giới hạn quy mô chi tiêu chung vào khoảng 98 nghìn tỷ Yen trong năm tài khóa 2015 sau khi cắt giảm từ tổng ngân sách là 102,6 nghìn tỷ Yen thông qua cắt giảm chi phí an sinh xã hội.
Đối với chính sách tiền tệ, ngày 17/3/2015, BOJ Nhật Bản quyết định duy trì gói kích thích kỷ lục bất chấp rủi ro giảm phát. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cam kết bơm khoảng 80 nghìn tỷ Yen (674 tỷ USD) vào nền kinh tế hàng năm thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro khác.

Tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất hơn 20 năm qua cũng đã khiến Chính phủ Trung Quốc từ năm 2014 tập trung nới lỏng mạnh tay chính sách tiền tệ có mục tiêu thay vì trên diện rộng. Tính chung trong cả năm 2014, NHTW Trung Quốc đã bơm kỷ lục 99,4 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế thông qua hoạt động cho vay lại để giảm bớt chi phí huy động vốn cho doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã liên tục hạ lãi suất cho vay cơ bản. Cụ thể, Trung Quốc đã thực hiện đợt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm đầu tiên trong 2 năm vào tháng 11/2014 nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và kích thích tăng trưởng kinh tế. Đến ngày 1/3/2015, NHTW Trung Quốc đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai theo đó, cả lãi suất cho vay và tiền gửi giảm 0,25 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất cho vay sẽ là 5,35% còn lãi suất tiền gửi năm giảm xuống còn 2,5%.

Ngoài ra, ngày 4/2/2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng xuống còn 19,5%. Động thái lần này tương đương với việc PBOC sẽ cho khối ngân hàng Trung Quốc vay đến khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (81 tỷ USD).

Trên thị trường tiền tệ, căng thẳng chính trị leo thang, giá dầu giảm mạnh cùng việc liên tục điều chỉnh các chính sách tài khóa tiền tệ của các nền kinh tế đã kéo tỷ giá các đồng tiền chính trên thế giới trong nửa đầu năm 2015 biến động mạnh. Đồng USD đang tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền chính trên thế giới trong quý I/2015 đã giảm giá trước những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ trong quý II/2015. Cụ thể, chỉ số USD index từ mức đỉnh 100 điểm vào ngày 10/3/3015 đã giảm xuống 94 điểm vào thời điểm tháng 4/2015 và phục hồi nhẹ ở mức 95 điểm vào thời điểm hiện nay.

Tỷ giá EUR/USD cũng liên tục biến động. Trong quý I/2015, cặp tỷ giá này liên tục trong xu thế giảm. Kinh tế suy giảm cùng quyết định tung ra gói QE với giá trị kỷ lục đã khiến đồng EUR đã mất giá mạnh so với đồng USD trong quý I/2015. Theo Wall Street Journal, ít ai có thể lường trước được việc đồng EUR lại mất giá nhanh và mạnh đến vậy trong trong quý I/2015. 1 EUR - đổi được 1,6 USD vào năm 2008 và tương đương 1,39 USD vào thời điểm tháng 3/2014 - đã giảm giá xuống còn 1,06 USD trong phiên giao dịch ngày 17/3. Đây là mức tỷ giá thấp nhất của đồng EUR so với đồng USD trong vòng 12 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm đến thời điểm này, EUR đã mất giá hơn 12,3% so với USD.

Tuy nhiên, từ tháng 4, đồng EUR bắt đầu theo chiều hướng tăng giá liên tục so với đồng USD do kinh tế châu Âu phục hồi khả quan. Tính đến thời điểm hiện nay, 1 EUR đổi được khoảng 1,12 USD.

Trái lại, cặp tỷ giá USD/JPY liên tục tăng giá trong 5 tháng đầu năm 2015 do chính sách giảm giá đồng Yên nhằm đối phó với tình trạng giảm phát của Nhật Bản. 1 USD ở thời điểm hiện nay đổi được 123 Yên Nhật Bản so với 107 Yên Nhật Bản vào thời điểm cuối năm 2014.