Thị trường vàng: Một năm lặng “sóng”

Hải An

(Tài chính) Năm 2014 là năm thứ hai vàng thế giới trong xu hướng đi xuống (giảm 1,5%, sau khi giá giảm tới 28% hồi năm 2013). Giá vàng thế giới thiếu “sóng” trong năm 2014 cũng đã giúp giá vàng và thị trường vàng trong nước bình lặng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giá vàng thế giới sụt giảm

Khép lại phiên giao dịch cuối năm 2014 (ngày 31/12/2014), giá vàng giao tháng 2/2015 tại Sàn Giao dịch New York (COMEX) chốt ở ngưỡng 1.184,10 USD/ounce. Như vậy, năm 2014, giá vàng thế giới đã giảm 18,2 USD, tương đương 1,5% (ngày 31/12/2013, giá vàng chốt tại 1.202,3USD/ounce).

So với năm 2013, giá vàng năm 2014 có phần bình ổn hơn. Trong năm 2013, giá vàng giao động trong khoảng biên độ 500 USD thì năm 2014, độ chênh lệch giữa lúc cao nhất và thấp nhất là 260 USD.

Giá vàng chịu nhiều áp lực trong năm 2014 khi nền kinh tế Mỹ và thế giới có nhiều tiến triển tích cực. Kinh tế Mỹ tăng trưởng lạc quan đã hậu thuẫn tốt cho đồng bạc xanh thường và thường không “ưu ái” vàng. Chỉ số đồng USD so với giỏ các đồng tiền lớn khác đã lên mức 90,27 trong phiên giao dịch ngày 31/12/2014, tăng 12,8% trong năm và đang tiếp tục ở mức cuối năm cao nhất kể từ năm 2005.

Bên cạnh đó, giá vàng cũng chịu nhiều áp lực hơn khi giá dầu mỏ sụt giảm mạnh. Dầu và vàng là hai loại hàng hóa có chuyển động giá tương đồng. Nửa cuối năm 2014, giá dầu đã sụt giảm gần 50%. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ vào ngày 31/12/2014 đã xuống mức 53,03 USD/thùng. Giá dầu thô giảm kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản giảm, dẫn đến tỷ lệ lạm phát tại nhiều nước có chiều hướng đi xuống. Từ đó, vàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư vì không còn tính chất phòng thủ trước lạm phát. Giới đầu tư tiếp tục giảm lượng vàng nắm giữ trong năm 2014. Trữ lượng trong quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR đã giảm 140 tấn xuống 710,81 tấn trong năm qua, mức thấp nhất trong vòng 6 năm.

Trên thực tế, trong năm 2014, việc Ấn Độ bất ngờ dỡ bỏ những hạn chế về nhập khẩu vàng và những bất ổn địa chính trị ở Đông Âu, Trung Đông ít nhiều đã là những điểm tựa cho giá vàng, tuy nhiên, những điểm tựa đó là chưa đủ để giá vàng đứng vững. Những lo ngại về kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến nhu cầu tại nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới này và gây áp lực lên giá vàng.

Giá vàng trong nước tăng nhẹ

Giá vàng thế giới giảm 18,2 USD trong năm 2014 nhưng giá vàng trong nước cụ thể là giá vàng SJC đóng cửa năm 2014 đã tăng lên được 380.000 đồng/lượng so với mức giá đóng cửa năm 2013. Giá vàng SJC ngày 31/12/2014 tại TP. Hồ Chí Minh đứng ở mức 34,95 – 35,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Với mức chốt cuối năm 2014, nếu quy đổi ra tiền Việt thì vàng quốc tế tương đương 30,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đang chênh so với giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng. Một số nhà phân tích nhận định, sở dĩ giá vàng trong nước và thế giới có sự khác biệt lớn như trên là do các quy chế không cho phép kết nối với thị trường vàng thế giới. Trong khi đó, người dân trong nước vẫn có nhu cầu cao về dự trữ vàng do niềm tin vào đồng tiền Việt vẫn chưa tốt.

Tuy nhiên, giá vàng thiếu “sóng” trong năm 2014 cũng đã khiến phần đông các nhà đầu tư trong nước không mấy hào hứng. Mức giá đỉnh của vàng SJC trong năm 2014 là hơn 37 triệu đồng/lượng (giữa tháng 5/2014), trong khi mức giá đáy của năm là dưới 35 triệu đồng/ lượng (giữa tháng 1 và đầu tháng 11/2014). Như vậy, có thể xem nhà đầu tư nắm giữ vàng trong cả năm 2014 đã lỗ.

Điểm tích cực là thị trường vàng trong nước diễn biến khá ổn định trong năm qua. Việc triển khai quy định tổ chức sản xuất vàng miếng, xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và can thiệp bình ổn thị trường trong năm 2013 đã phát huy tác dụng. Kể từ đầu năm 2014, tại nhiều thời điểm, mặc dù thị trường vàng thế giới có những lúc tăng, giảm mạnh nhưng thị trường vàng trong nước vẫn không  Ngân hàng Nhà nước đã không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2014. Toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua - bán vàng, đây là bước tiến quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, điều này góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, thị trường vàng ổn định đã góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự báo nào cho năm 2015?

Kết quả khảo sát của Kitco về giá vàng năm 2015 cho thấy, đa phần các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể rơi xuống mốc 1.000 USD/ounce.

Kết quả khảo sát của Kitco về giá vàng năm 2015 cho thấy, đa phần các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể rơi xuống mốc 1.000 USD/ounce. Triển vọng và ảnh hưởng từ nền kinh tế Mỹ là nhân tố tác động mạnh nhất đến giá vàng thế giới.

Kinh tế Mỹ là nhân tố tác động mạnh nhất đến giá vàng. Khi nền kinh tế Mỹ cải thiện thì việc đầu tư vào tài sản an toàn cũng sẽ giảm sút. Nền kinh tế Mỹ cải thiện sẽ hỗ trợ sức mạnh của đồng USD. Bên cạnh đó, dầu mỏ đang lùi về mức giá thấp tồi tệ nhất kể từ năm 2008 sẽ gây thêm áp lực lên vàng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan với giá vàng. Colin Cieszynski, nhà phân tích thị trường cao cấp tại CMC Markets cho rằng, không có lý do để vàng giảm về 1.000 USD/ ounce, do châu Âu có vẻ như đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu trú ẩn an toàn với vàng.

Không lạc quan cũng không quá bi quan về giá vàng, ngân hàng Citigroup dự đoán giá vàng trung bình năm 2015 dao động quanh ngưỡng 1.220 USD/ounce. Theo đó, các yếu tố kháng cự đà trôi dốc của vàng là nhu cầu vàng vật chất vẫn khá cao tại Ấn Độ và Trung Quốc.

 Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015