Thỏa thuận WTO tại Bali, indonesia: Có thể giúp các nước nghèo?

Theo cafef.vn

(Tài chính) “Gói thương mại Bali” đã cứu vãn uy tín của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngờ ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với các nước nghèo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thỏa thuận đạt được tại Bali (Indonesia) ngày 7/12 được miêu tả là “lịch sử” khi lần đầu tiên sau gần 20 năm thành lập, WTO đạt được một thỏa thuận đa phương. Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo tuyên bố: “Lần đầu tiên trong lịch sử, WTO thật sự thành công”. Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht mô tả: “Chúng ta đã cứu WTO”. Trước đó đã có những phân tích nói WTO sẽ trở thành dĩ vãng nếu không đạt được thỏa thuận nào tại Bali.

Suốt 12 năm qua, vòng đàm phán thương mại Doha bế tắc. Uy tín của WTO đứng trước bờ vực của sự sụp đổ. Nguyên nhân, theo giới chuyên gia, là do WTO đặt ra mục tiêu quá tham vọng: dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Với “gói Bali”, WTO đặt mục tiêu khiêm tốn hơn: thuận lợi hóa thương mại toàn cầu bằng biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm các rào cản thương mại.

Bước tiến hạn chế

Theo WTO, thủ tục hải quan phức tạp là một vấn đề lớn đối với thương mại toàn cầu. Ví dụ, Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết phải mất 36 giờ để thông quan hàng hóa từ Zambia và Zimbabwe. Càng chậm trễ, hoạt động thương mại càng trở nên tốn kém. “Gói Bali” có thể phá vỡ các rào cản này. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính thỏa thuận Bali có thể đóng góp 1.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu và tạo 21 triệu công ăn việc làm, trong đó có 18 triệu tại các nước đang phát triển.

Báo Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirijawan cho rằng thỏa thuận này sẽ “có lợi cho mọi thành viên WTO”. Thủ tướng Anh David Cameron nhận định đây sẽ là một chiếc “phao cứu sinh” đối với người dân các nước nghèo nhất. Chủ tịch Hãng UPS Scott Davis cho rằng “gói Bali” là “bước tiến khổng lồ đối với các doanh nghiệp lớn nhỏ”.

Tuy nhiên, Viện Peterson không giải thích rõ cách tính toán các con số trên. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng vẫn còn quá nhiều điểm chưa rõ ràng trong “gói Bali”. Nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận này sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt cho các nước nghèo.

Tổ chức Phong trào phát triển thế giới chỉ trích việc thuận lợi hóa thương mại có lợi cho tập đoàn đa quốc gia hơn là các nước nghèo. Chuyên gia Romain Benicchio thuộc Tổ chức Oxfam cũng cho rằng “gói Bali” sẽ không có lợi nhiều cho các nước nghèo. Trong thỏa thuận, các nước giàu chỉ “hứa” sẽ tạo điều kiện cho các nước nghèo tăng cường bán hàng hóa, dịch vụ với mức thuế ưu đãi. Đó không phải là một cam kết mang tính ràng buộc. Báo Guardian dẫn lời giáo sư thương mại Simon Evenett thuộc Đại học St. Gallen ở Thụy Sĩ cho rằng WTO trên thực tế không tạo ra nhiều bước đột phá ở Bali. Thành công lớn nhất chỉ là cứu vãn uy tín của WTO bởi cuộc họp đã không tan vỡ trong thất bại. Và nó cũng giúp kiếm thêm thời gian cho WTO hoàn tất nốt vòng Doha.

Khúc mắc trợ giá lương thực

Tại Bali, tranh cãi căng thẳng nhất giữa các bên là về vấn đề trợ giá lương thực ở các nước nghèo. Ấn Độ chỉ đồng ý với thỏa thuận của WTO khi được quyền trợ giá lương thực cho dân nghèo nước mình.

Báo Indian Express dẫn lời bộ trưởng thương mại Ấn Độ cho rằng sự nhượng bộ này là “một chiến thắng của các nước đang phát triển”. Tuy nhiên, “điều khoản hòa bình” này chỉ có hiệu lực trong bốn năm. Chuyên gia John Hilary thuộc tổ chức phi chính phủ War on Want (Anh) cho rằng các cuộc đàm phán ở Bali đã không giúp các nước nghèo bảo vệ quyền có lương thực dành cho người dân. Như vậy sau bốn năm, hàng trăm triệu người dân các nước nghèo sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu đói chỉ vì tự do thương mại.

Trên trang First Post, chuyên gia Timothy Wise thuộc Viện Phát triển và môi trường toàn cầu chỉ ra rõ sự đạo đức giả của phương Tây về vấn đề trợ giá lương thực. Theo ông Wise, chương trình lương thực của Ấn Độ hoàn toàn giống với chính sách mà Mỹ áp dụng sau thời đại suy thoái. Chương trình mua và tích trữ lương thực của New Delhi, giống như các nước đang phát triển khác, hoàn toàn vì mục đích tiêu thụ trong nước nên ảnh hưởng rất ít đến thương mại toàn cầu. Trong khi đó, chương trình trợ giá các sản phẩm như ngô, đậu nành... của Mỹ lại phục vụ xuất khẩu.

Xem ra WTO vẫn chưa thể hiện thực hóa mục tiêu đem lại lợi ích thương mại cho tất cả các nước, không phân biệt giàu nghèo.