Thời hoàng kim của khí đốt đang đến

Theo Trí thức trẻ

(Tài chính) Khí đốt sẽ có một tương lai tươi đẹp, nhưng trước khi các nhà sản xuất được hưởng "quả ngọt", người tiêu dùng là bên đầu tiên hưởng lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cách đây không lâu, khi dầu mỏ rất đắt đỏ và các nguồn năng lượng có vẻ như khá khan hiếm, Tổ chức Năng lượng thế giới (IEA) (một nhóm gồm các nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch) đã công bố một bản báo cáo chuyên sâu đưa ra những dự báo về “thời hoàng kim của khí đốt”.

Thời điểm báo cáo này được công bố là năm 2011. IEA nhận định nhu cầu tăng quá nhanh (chủ yếu từ các nền kinh tế mới nổi và trong ngành sản xuất điện) có thể dẫn đến kịch bản khí đốt thay thế than đá vào năm 2030.

Ồ ạt đầu tư vào khí đốt

Các công ty năng lượng lớn cũng đồng tình với quan điểm này. Giá cao và nhu cầu tăng lên ở Đông Á (đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản) khuyến khích họ rót tiền vào những dự án khổng lồ ở những nơi như Australia và Papua New Guinea để sản xuất khí hóa lỏng (LNG).

Mỹ - quốc gia vốn có lượng khí đốt dồi dào nhờ cuộc cách mạng khí đá phiến – bắt đầu sắp đặt lại các ga cuối nằm ở ven biển. Được xây dựng với mục đích ban đầu là để nhập khẩu LNG, các ga này giờ đây bắt đầu xuất khẩu khí đốt.

Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra. Than đá – vốn bị coi là loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất – bỗng chốc phục hưng, đặc biệt là ở châu Âu. Than đá lại thay thế khí đốt trong quá trình sản xuất điện.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi có quá nhiều nguồn cung than đá rẻ trên thế giới. Cơ chế giao dịch giấy phép thải khí CO2 ở châu Âu có quá nhiều lỗ hổng cũng là một nguyên nhân.

Bởi vậy, nhu cầu về LNG gần như không tăng trưởng trong 3 năm gần đây. Kết quả là thị trường khí đốt giờ đây hoàn toàn thuộc về người mua. Cộng với tác động từ cú đổ vỡ của giá dầu, giá khí đốt tự nhiên đã lao dốc mạnh.

Tháng 2 vừa qua, giá LNG giao ngay trên thị trường Mỹ ở quanh mức 2,75 USD/MMBtu (1 MMBtu = 28,26m3 khí) – thấp nhất kể từ giữa năm 2012. Giá giao ngay ở thị trường Nhật Bản cũng giảm xuống còn 6,65 USD/MMBtu – thấp nhất trong 5 năm.

Thời hoàng kim của khí đốt đang đến - Ảnh 1

Nhà sản xuất là bên chịu thiệt hại

Như vậy dự báo về thời hoàng kim của khí đốt đã trở thành hiện thực – nhưng là đối với người tiêu thụ chứ không phải nhà sản xuất. Nhà đầu tư rót tiền vào các nhà máy hóa lỏng bị thiệt hại. Giống như giá dầu, giá khí đốt giảm mạnh là kết quả của cầu yếu và nguồn cung quá dồi dào.

Hàng triệu tấn công suất được tăng cường vào dòng chảy và các dự án được mở ra đúng thời kỳ giá lên đến đỉnh điểm. Theo dự báo, đến năm 2018, tổng lượng khí đốt xuất khẩu trên toàn cầu sẽ tăng thêm 1/3, từ mức 290 triệu tấn/năm của cuối năm 2013 lên gần 400 triệu tấn/năm. Australia sẽ vượt qua Qatar để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất.

Mỹ vừa mới bắt đầu xuất khẩu khí đốt trong năm nay. Hai dự án LNG khổng lồ khai thác vùng bờ biển phía Tây Australia sẽ đi vào hoạt động trong năm tới là dự án trị giá 30 tỷ USD của Chevron và dự án 13 tỷ USD của Shell. Ở Papua New Guinea, dự án 19 tỷ USD của Exxon bắt đầu xuất khẩu gas hồi tháng 5 năm ngoái (nhanh hơn so với dự tính ban đầu).

Báo cáo của công ty nghiên cứu Sanford C. Bernstein cho biết dòng vốn đầu tư đã ngừng chảy. Trong nhiều tháng qua không hề có dự án mới nào được thông báo. Đây là ngành thâm dụng nhiều vốn đến nỗi các hợp đồng dài hạn (chiếm khoảng 3/4  trên toàn cầu) đóng vai trò rất quan trọng. Điều này cũng có nghĩa là giá giao ngay giảm mạnh không tác động đến các nước sản xuất nhiều như giá dầu. Tuy nhiên, đối với các công ty năng lượng, các hợp đồng không còn cung cấp đủ sự hấp dẫn cần thiết để đầu tư lớn. Người mua đang tận dụng thời cơ thị trường ảm đạm và kiếm được những món hời.

Ví dụ, năm ngoái, Nhật Bản đã ký được những hợp đồng có giá 16 USD/MMBtu. Giá được dự báo còn giảm xuống mức 11 USD hoặc thấp hơn. Tính cả chi phí hóa lỏng và vận chuyển, các nhà xuất khẩu Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Ngành LNG chỉ còn có thể hi vọng vào kịch bản lực cầu tăng mạnh. Nhu cầu của Mỹ Latinh bất ngờ tăng cao, doanh số ở thị trường Anh cũng đang tăng, và Indonesia đang chuyển từ trạng thái là một nước xuất khẩu sang nhập khẩu. Tuy nhiên, bức tranh ngắn hạn rất ảm đạm. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Nhật Bản rất yếu ớt trong khi những nền kinh tế khỏe mạnh sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả.

Các loại nhiên liệu khác cũng có sức cạnh tranh mạnh mẽ. Nhật Bản được dự báo sẽ khởi động lại chương trình năng lượng hạt nhân trong năm nay, đồng thời sử dụng dầu trong một số nhà máy điện vì giá dầu quá rẻ. Trung Quốc cũng đẩy mạnh sử dụng than sạch và năng lượng tái tạo.

Vẫn hi vọng về tương lai tươi sáng

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là triển vọng dài hạn của thị trường khí đốt còn rất lạc quan. Phần lớn người tiêu dùng vẫn đang tìm kiếm năng lượng sạch hơn nhưng họ chưa sẵn sàng từ bỏ hydrocarbons hoàn toàn. Nhu cầu sử dụng khí đốt cho phương tiện vận tải đang tăng trưởng tốt.

Một số nhà sản xuất xe hơi (ví dụ như Fiat Chrysler) đang đẩy mạnh các phương tiện sử dụng khí đốt. Ngành ô tô đang cố gắng đáp ứng những tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe hơn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Những chiếc xe hơi chạy bằng khí nén (CNG) đang phát triển mạnh ở Ấn Độ và Trung Quốc. Indian Railways cũng vừa bắt đầu sử dụng CNG ngành đường sắt.

Xu hướng chuyển sang sản xuất điện ở những nhà máy nhỏ hơn gần với người tiêu thụ (nhằm giảm tải chi phí phân phối) cũng đang đẩy tăng nhu cầu về khí đốt. Theo giới phân tích, các nhà máy quy mô nhỏ kết hợp phát điện và nhiệt (CHP) đang có hiệu suất kinh tế cao hơn bao giờ hết. Một số căn hộ cũng bắt đầu lắp đặt máy phát điện chạy bằng gas riêng biệt nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn điện chính.

Tình trạng các dự án mới đóng băng có nghĩa là trong vài năm tới lực cầu sẽ lại tăng trưởng nhanh hơn nguồn cung và khi đó các nhà sản xuất sẽ lấy lại được quyền định giá, dẫu rằng họ phải đợi thêm vài năm nữa.