Thông tin tài chính - kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 09 - 13/10/2017

PV. (Tổng hợp)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,6% trong năm 2017, tháng 9/2017 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 17 tỷ USD, các nước thành viên G20 đã phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2009... là những thông tin tài chính - kinh tế nổi bật quốc tế trong tuần vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,6% trong năm 2017 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF,  tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,6% trong năm 2017, 3,7% trong năm 2018, cao hơn mức tăng tương ứng là 3,5% và 3,6% (dự báo tháng 7/2017). Trong đó:

+ Hoa Kỳ: Tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,3% trong năm 2018, cao hơn mức tăng 2,1% (dự báo tháng 7/2017 cho cả hai năm 2017, 2018), do lĩnh vực năng lượng phục hồi và đầu tư doanh nghiệp tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại trong vài năm tới do Chính phủ thiếu chính sách định hướng cho tăng trưởng.

+ Canada: Kinh tế tăng trưởng 3% trong năm 2017, cao hơn mức tăng 2,5% (dự báo tháng 7/2017) và cao nhất trong Nhóm G-7; sau đó giảm xuống còn 2,1% trong năm 2018, nhưng vẫn cao hơn mức tăng 1,9% (dự báo tháng 7/2017), do Ngân hàng Trung ương Canada đã đưa ra được các chính sách phù hợp và Chính phủ cũng có chính sách chi tiêu hiệu quả. 

+ Eurozone: Kinh tế tăng trưởng 2,1% trong năm 2017 và 1,9% trong năm 2018, cao hơn mức tăng tương ứng 1,9% và 1,7% (dự báo tháng 7/2017), do xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa của khu vực này tăng mạnh nhờ chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên, lạm phát thấp, nợ công cao và dân số già hóa có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế này trong tương lai.

Tháng 9/2017, sản lượng khai thác dầu thô của các nước thành viên OPEC đạt 32,784 triệu thùng/ngày 
Theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC, trong tháng 9/2017, sản lượng khai thác dầu thô của các nước thành viên OPEC đạt 32,784 triệu thùng/ngày, tăng so với 32,659 triệu thùng/ngày của tháng 8/2017, cho thấy quy định về giới hạn sản lượng khai thác dầu tiếp tục bị vi phạm khi sản lượng khai thác thực tế cao hơn 32,5 triệu thùng/ngày (giới hạn sản lượng được OPEC ấn định vào cuối năm 2016).
Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2017 tăng 1,5 triệu thùng/ngày; năm 2018 tăng 1,4 triệu thùng/ngày, nhờ triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện, do đó thị trường dầu mỏ đang dần cân bằng trở lại.
Tháng 9/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 17 tỷ USD 
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC, trong tháng 9/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 17 tỷ USD lên 3.109 tỷ USD, cao hơn so với 3.100 tỷ USD (ước tính của Bloomberg) và là tháng tăng thứ 8 liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ giữa năm 2014.
Điều đó, cho thấy vị thế dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã ổn định sau nhiều năm suy giảm, nhờ sự tăng trưởng kinh tế , các biện pháp kiểm soát để ngăn dòng vốn chảy ra nước ngoài, đặc biệt là sự lên giá của đồng NDT trong thời gian qua.

Các nước thành viên G20 đã phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2009

Theo Báo cáo đánh giá về Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20 (06/10) của IMF: Hiện các nước thành viên G20 đã phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2009 với tốc độ tăng trưởng ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Tuy nhiên, G20 đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: Tốc độ tăng trưởng của hơn một nửa số nước thành viên được dự báo chỉ ở mức 2% hoặc thấp hơn; sự mất cân bằng tài khoản vãng lai ở Anh và Hoa Kỳ - những quốc gia có thể theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ nhằm giảm thâm hụt thương mại; tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất vẫn khá thấp, đe dọa sự tăng trưởng ổn định nói chung. Do đó, G20 cần tiếp tục thực hiện các cải cách nhằm tái cân bằng nền kinh tế và tăng trưởng bền vững.