Thương mại điện tử góp nửa doanh số bán lẻ tại Mỹ

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Trong 5 năm tới, đa phần người dùng Mỹ sẽ chuyển từ mua bán truyền thống tại các cửa hàng sang giao dịch thương mại điện tử thông qua các trang web bằng thiết bị di động cá nhân.

Thương mại điện tử góp nửa doanh số bán lẻ tại Mỹ
Thiết bị di động sẽ được sử dụng nhiều hơn trong nhu cầu tiêu dùng trực tuyến. Nguồn: internet
Theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research, đến năm 2017 sẽ có khoảng 60% doanh số bán lẻ trên toàn nước Mỹ có liên quan tới môi trường Internet. Con số này bao gồm cả giao dịch thương mại điện tử trực tiếp cũng như hoạt động tìm kiếm các địa chỉ mua sắm qua mạng.

Theo tính toán của Forrester, mua bán trực tuyến sẽ chiếm khoảng 10,3% giá trị bán lẻ tại Mỹ trong 5 năm tới, tương đương giá trị 370 tỷ USD (tổng ngành 3.600 tỷ USD).

Dữ liệu từ Bộ Thương mại nước này cũng cho thấy, năm 2012, thương mại điện tử chỉ chiếm 5,2% thị phần bán lẻ, bao gồm cả những sản phẩm hiếm khi mua trực tuyến như xăng dầu. Cũng trong 2012, khoảng 46% giao dịch mua bán có liên quan tới Internet.

Sucharita Mulpuru, một trong số các tác giả báo cáo của Forrester cho hay, nguyên nhân giúp bán lẻ trực tuyến tăng trưởng là các loại điện thoại thông minh phát triển rộng khắp và sự đầu tư của bên bán. Họ đã hướng tới phát triển ứng dụng cho di động và mở cửa thương mại điện tử để kinh doanh. Tính đến cuối 2013, có khoảng 150 triệu người Mỹ (chiếm 47,3% dân số) là người dùng Internet thường xuyên qua thiết bị di động.

Những mặt hàng được tìm kiếm trên Internet nhiều trong 5 năm tới là tạp hóa, quần áo và phụ kiện, đồ gia dụng và điện tử tiêu dùng. Các hoạt động chủ yếu xoay quanh tìm kiếm thông tin đánh giá của những người đã mua hàng. Giá trị giao dịch các mặt hàng trên sẽ đạt khoảng 1.100 tỷ USD vào năm 2017 (tổng doanh thu bán lẻ có liên quan đến website đạt 1.800 tỷ USD, không bao gồm mua bán thương mại điện tử trị giá 370 tỷ USD đã nêu).

Theo Mulpuru, doanh số bán lẻ từ các website chủ yếu là các mặt hàng mà khách không cần phải đến tận nơi bán để xem, hoặc họ không cần ngay lập tức. "Ví dụ, người tiêu dùng thường mua đồ điện tử trực tuyến nhưng họ sẽ đến cửa hàng để mua đồ gia dụng và tạp hóa, dù trước đó tham khảo nhiều thông tin về sản phẩm trên mạng hơn đối tượng mua hàng điện tử", chuyên gia này giải thích.