Tiền chảy vào đâu khi Fed nâng lãi suất?

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Fed sẽ làm thế nào để thu hồi về hơn 4,000 tỷ USD trong gói kích thích bơm vào nền kinh tế Mỹ? Đâu là rủi ro và cơ hội cho giới đầu tư khi Fed nâng lãi suất "Fed Funds Rate" trong thời gian tới?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái thập niên 1930, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lần lượt tung ra các gói Nới lỏng định lượng QE1 (tháng 12/2008), QE2 (tháng 11/2010 - tháng 6/2011) và QE3 (tháng 9/2012).

Bây giờ, Fed sẽ làm gì sau nhiều năm giữ vai trò vừa là "người phóng hỏa" vừa kiêm luôn vai trò là "sở cứu hỏa". Fed sẽ làm thế nào để thu hồi về hơn 4,000 tỷ USD trong gói kích thích bơm vào nền kinh tế Mỹ? Đâu là rủi ro và cơ hội cho giới đầu tư khi Fed nâng lãi suất "Fed Funds Rate" trong thời gian tới?

1. Rủi ro tỷ giá khi Mỹ nâng lãi suất

Lần đầu tiên sau gần một thập niên, kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái (recession), tức là tăng trưởng chậm hơn trong hai quý liền từ tháng 12/2007. Một trong những nguyên nhân là sự đình trệ của thị trường nhà đất tại Mỹ từ năm 2006 và nạn bể bóng tín dụng thứ cấp sau đó. Khi ấy, từ tháng 6/2006 đến tháng 12/2007, Fed đã hạ lãi suất ngắn hạn từ 5.25% xuống còn 4.25% (giảm 4 lần bắt đầu vào tháng 8); và từ tháng 10/2008, liên tục hạ lãi suất ngắn hạn xuống 1%. Đến ngày 16/12/2008, lãi suất còn được hạ tới mức cực thấp là từ 0% đến 0.25%.

Các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng phân biệt các loại lãi suất tại Mỹ, đó là lãi suất ngắn hạn và dài hạn, để tính toán rủi ro khi đầu tư vào tiền tệ hay cổ phiếu cũng như trong sản xuất kinh doanh.

Lãi suất ngắn hạn thì do Fed, tức là Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định. Đây là lãi suất cơ bản, thường được gọi là "Fed Funds Rate", là cơ sở để các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính tính toán cho khách hàng của mình. Khi tăng hay hạ lãi suất ấy, Fed gián tiếp tác động vào tiêu dùng hay đầu tư sản xuất tại Mỹ cũng như các thị trường khác trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vẫn duy trì lãi suất ngắn hạn từ 0.25%. Trong quá khứ, lãi suất cơ bản của Mỹ có lúc lên đến 20% vào những năm 1980-1981. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, lãi suất cơ bản của Mỹ là 5.5%, giai đoạn bong bóng Dot-com bị vỡ thì Fed Funds Rate là 6.6%.

Trong khi đó, lãi suất cho vay dài hạn tại Mỹ được thả nổi cho thị trường quyết định theo các tiêu chuẩn cung cầu, lợi suất trái phiếu và mức an toàn, tức là khả năng hoán đổi trái phiếu (tờ giấy nợ) ra thành tiền mặt nhanh chóng. Bởi lẽ, nếu đồng USD mạnh lên sẽ tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các quỹ trái phiếu quốc tế (vì giá trị của các loại ngoại tệ giảm). Đồng USD là một nơi trú ẩn an toàn trong bất kỳ cuộc khủng hoảng toàn cầu nào. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư mua trái phiếu Mỹ để tránh rủi ro khi kinh tế Mỹ phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chi tiết rất chú ý và đáng ngại là hơn 85% các giao dịch ngoại hối liên quan đến đồng USD. Hơn nữa, khoảng 39.7% nợ của thế giới được phát hành bằng đồng USD. Kết quả là các thị trường tài chính, các ngân hàng nước ngoài cần rất nhiều USD để giao dịch cũng như thanh toán nợ nần. Dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới có đến 61% bằng USD.

Thực tế là đồng USD chưa cần tăng giá mà chủ yếu các đồng tiền mạnh khác như đồng EUR, đồng JPY (Nhật)...  bị sụt giá so với đồng USD, thì giới đầu tư trên thế giới đã ào ạt bán các khoản nợ bằng nội tệ để mua USD để đầu tư vào Mỹ, và đang gây thêm biến động cho thị trường tài chính và chứng khoán của nhiều nước trên thế giới. Đối với những nước đi vay bằng đồng USD mà tài trợ lãi bằng đồng nội tệ hay vay ngắn hạn bằng đồng USD để tài trợ các dự án dài hạn, khi đồng USD tăng giá thì các khoản vay mượn sẽ đắt hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều từ động thái bán tháo liên tục của nhà đầu tư nước ngoài, khiến cổ phiếu rớt giá và thanh khoản cũng sụt theo chỉ trong một tuần giao dịch cuối tháng 3/2015. Lý do là vì giới đầu tư muốn đầu tư vào trái phiếu của Mỹ (và bán tháo cổ phiếu các công ty Mỹ dựa vào xuất khẩu do đồng USD tăng giá).

2. Rủi ro dòng vốn khi châu Âu duy trì lãi suất âm và in tiền qua QE

Ngày 22/01/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố họ sẽ bắt đầu mua 60 tỷ EUR trái phiếu bằng đồng EUR mỗi tháng kể từ tháng 3. Đồng EUR ngay lập tức giảm giá. Nếu tại châu Âu, tiền nhiều và đi vay dễ thì trị giá trái phiếu sẽ tăng mà lợi suất lại giảm.

Quyết định đó của ECB đã gây chấn động cho các thị trường tài chính toàn cầu, gây áp lực lên giá trái phiếu. Trong khi đó, việc này lại khuyến khích nhà đầu tư dồn tiền trở lại để đầu tư vào cổ phiếu, kéo theo đà tăng giá chứng khoán của các nước Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, DAX - chỉ số thị trường chứng khoán đại diện cho khoảng 80% giá trị vốn hóa thị trường niêm yết ở Đức - chạm mức cao nhất mọi thời đại tại 12,167.72 điểm trong tháng 3/2015, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng lên 5,034.06 điểm trong tháng 3 từ mức thấp nhất trong tháng 02/2015 là 4,951.48 điểm. Dù vậy, đây chưa phải là đỉnh cao nhất mọi thời đại của CAC 40. Được biết, chỉ số này đã xác lập mức cao nhất từ trước đến nay tại 6,922.33 điểm vào tháng 9/2000 và giới đầu tư dự đoán nó sẽ phá đỉnh năm 2000,...

Chi tiết đáng chú ý, khi đồng EUR trượt giá thì các nhà đầu tư từ Mỹ, Trung Quốc và một số nước có dự trữ lớn ngoại hối bằng đồng USD sẽ nhân cơ hội đầu tư thẳng vào các doanh nghiệp châu Âu, hoặc bỏ tiền mua đứt các doanh nghiệp hoặc qua các thương vụ M&A. Cụ thể mới đây Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) chi 7.7 tỷ USD thâu tóm một công ty lốp châu Âu là hãng sản xuất lốp xe Pirelli của Italy,...

3. Rủi ro giá vàng khi lãi suất ngắn hạn tại Mỹ tăng

Ít có gì lại có sức quyến rũ sáng chói như vàng, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn đầy biến động. Cũng có lắm cơ hội để đầu tư, và vàng được xem như là một loại tài sản để chống lại xói mòn đồng bạc, vì tiền được in ra quá nhiều trên thế giới, trừ trường hợp của Mỹ là đang thu hồi lượng tiền bơm ra.

Về mặt quy luật kinh tế, ngược với lý luận của nhiều người, không phải giá vàng đã chi phối trị giá đồng USD mà trái lại, tỷ giá đồng USD mới ảnh hưởng đến giá vàng. Giá vàng thường tăng giảm ngược chiều với đồng USD.

Giá vàng là một chỉ số theo dõi tốt về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Khi giá vàng cao, đó là khi nền kinh tế Mỹ không lành mạnh. Tại sao vậy? Nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào vàng khi họ muốn bảo vệ các khoản đầu tư tránh khỏi ảnh hưởng từ khủng hoảng hay lạm phát. Khi giá vàng giảm, thường có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đang lành mạnh. Đó là bởi vì nhà đầu tư giàu kinh nghiệm đã bán vàng để tìm kiếm các khoản đầu tư sinh lời hấp dẫn hơn, như là đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản...

Trong quá khứ, vào ngày 05/9/2011, vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,895 USD/oz. Lý do xuất phát từ báo cáo việc làm yếu kém tại Mỹ cũng như cuộc khủng hoảng nợ chồng chất tại khu vực đồng EUR và khủng hoảng trần nợ công của Mỹ.

Theo một báo cáo nghiên cứu từ Trinity College, tất cả nhà đầu tư lão làng giàu kinh nghiệm đều phải có ít nhất một số vàng trong danh mục. Báo cáo cho thấy lý do tốt nhất để mua vàng là xem kim loại quý như một hàng rào chống lại sự sụp đổ tiềm năng của thị trường chứng khoán.

Có thể lấy mức 1,300 USD/oz làm điểm cản và 1,200 USD/oz làm điểm hỗ trợ của giá vàng hiện nay (dù giá vàng có thấp hơn điểm hỗ trợ này). Giới đầu tư dự đoán nếu đến mùa Thu năm nay, khi Fed nâng lãi suất mà giá vàng vượt qua được điểm chặn 1,300 USD/oz thì vàng sẽ vọt lên 1,620 USD/oz, ngược lại nếu cứ chập chờn quanh điểm hỗ trợ 1,200 USD/oz thì theo dự đoán George Soros đã nói xưa kia: "Vàng là bong bóng cuối cùng" và sẽ tuột dưới 1,000 USD/oz.

4. Rủi ro cũng như cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam

Khi đồng USD tăng giá, giới tiêu dùng và các nhà nhập khẩu Mỹ cũng như các nước có đồng nội tệ mạnh sẽ nhân cơ hội này mà chi tiêu, nhập khẩu các mặt hàng của các nước dựa vào xuất khẩu có đồng nội tệ bị suy yếu, trong đó cơ hội đang thuộc về doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng,...

Đối với thị trường chứng khoán, cơ bản vẫn là việc "mở room" cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần, kể cả 100% cho một số lĩnh vực mà mới đây Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố. Nếu điều này diễn ra thì trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm xuất hiện nhiều đại công ty có tầm vóc quốc tế như trường hợp của Vinamilk (HOSE: VNM).

Trái với nhận định bi quan về thị trường cổ phiếu Việt Nam, nếu trong mùa Thu năm 2015, khi Fed tăng lãi suất ngắn hạn, theo nhận định của chiến lược gia phân tích tài chính toàn cầu Roger Nightingale tại Pointon York cho hay, các dòng vốn đầy tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ sẽ chảy lại các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn vốn FDI  cũng sẽ rất lớn, bởi lẽ một trong những công cụ tốt nhất một quốc gia có thể sử dụng để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài là các hiệp định thương mại tự do, mà Việt Nam sẽ ký kết trong năm 2015 này.

Tuy nhiên, thông thường để thu hút FDI hay cả vốn "tiền nóng" trên thị trường chứng khoán của giới đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, thì mặt bằng lãi suất của Việt Nam phải duy trì thấp. Mặc dù điều này làm tăng lạm phát nhưng nó lại giúp kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.