Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế: Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vẫn chậm

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong báo cáo sơ bộ mới công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định triển vọng của các nền kinh tế phát triển đã từng bước được cải thiện, với sự dẫn đầu của kinh tế Hoa Kỳ, song tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn chậm, do các nền kinh tế mới nổi chững lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

OECD nhận định đà phục hồi ở các nền kinh tế phát triển hàng đầu đã mạnh hơn trong quý II và tăng trưởng sẽ duy trì ở mức tương tự trong nửa cuối năm.

Tổ chức này nhận định nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh, Bắc Mỹ và Nhật Bản là đáng khích lệ, trong khi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cuối cùng đã thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, OECD hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới là Hoa Kỳ trong năm nay, từ mức 1,9% được đưa ra hồi tháng Tư xuống 1,7%, nhưng giữ nguyên dự báo đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản.

OECD dự báo mức tăng trưởng trong năm 2013 đối với nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai châu Âu là Đức và Pháp, lần lượt là 0,7% và 0,3%, so với các mức dự báo trước đó là tăng 0,4% và giảm 0,3%. Trong khi đó, tổ chức này đã nâng dự báo cho kinh tế Anh lên 1,5% từ mức ước tăng 0,8%.

Với một nền kinh tế nằm ngoài khối là Trung Quốc, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2013 sẽ đạt 7,4%, thay vì 7,8%. Tổ chức này nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đã ra khỏi vùng trũng và sẽ phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm nay, dù mức tăng trưởng sẽ không cao như trong các chu kỳ tăng trưởng trước đây.

Theo OECD, việc động lực tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên mạnh hơn là điều đáng hoan nghênh, sự phục hồi ổn định vẫn chưa được tạo lập và những rủi ro lớn vẫn còn.

Tổ chức này cho rằng rủi ro chính đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu là cách thức mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) ngưng chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi sự lo ngại về động thái chính sách này đã khiến dòng vốn tháo chạy khỏi một số nền kinh tế mới nổi.

OECD nói rõ rằng bởi các nền kinh tế mới nổi đóng góp phần đáng kể trong tăng trưởng của kinh tế toàn cầu những năm gần đây và chiếm một tỷ trọng ngày một lớn trong sản lượng kinh tế của toàn cầu, việc các nền kinh tế này mất động lực sẽ khiến cho triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của kinh tế thế giới kém đi.

Tổ chức này dự báo biến động trên thị trường tài chính và tình trạng thoái vốn ở các nền kinh tế mới nổi có thể nghiêm trọng hơn, gây thêm trở ngại cho tăng trưởng chung.

OECD khuyến cáo các ngân hàng trung ương đã tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế cần tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng, tránh để quá trình phục hồi bị chệch hướng.

Tổ chức này ủng hộ kế hoạch của Fed về việc bắt đầu giảm dần chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, trong khi cho rằng Nhật Bản nên tiếp tục các nỗ lực kích thích kinh tế cho đến khi giảm phát được đẩy lùi.

Còn Eurozone cần sẵn sàng cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu sự phục hồi kinh tế không được giữ vững và Trung Quốc nên thận trọng khi áp dụng chính sách này nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại, do tăng trưởng tín dụng nhanh.