Toàn cầu có bị chia sẻ bởi song phương và đa phương?

Theo cafef.vn

(Tài chính) Các chuyên gia cho rằng, dù ngày càng có nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương xuất hiện, nhưng điều này không thay thế được vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ chế đa phương không thể thay thế

“Các hiệp định thương mại khu vực và song phương chỉ có thể là một phần bổ sung chứ không phải là một thay thế khả thi cho hệ thống thương mại đa phương” – ông Patrick Low, cựu kinh tế trưởng của WTO chia sẻ với báo giới trước thềm Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 diễn ra tại Bali, Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6/12.

Ông Low cho rằng, các hiệp định thương mại khu vực và song phương thường mang tính thiếu ổn định và phân biệt đối xử bởi mỗi thỏa thuận mới lại ảnh hưởng ít nhiều đến giá trị của những hiệp định đã có. Hơn nữa, các nước cũng phải thêm nỗ lực để quản lý và thực thi theo các hiệp định này. “Sẽ là một sai lầm nếu cho rằng, các mảnh nhỏ (những hiệp định khu vực, hiệp định song phương) có thể thay thế được WTO với những ưu điểm của một hệ thống đa phương vượt trội” – vị này kết luận.

Các số liệu thống kê và phân tích của WTO cho thấy, tính đến ngày 31/7/2013, tổ chức này đã nhận được thông báo của khoảng 575 hiệp định thương mại từ các nền kinh tế thành viên. Trong số đó, 379 hiệp định đã có hiệu lực. Và theo tính toán của ông Low, trung bình mỗi thành viên của WTO hiện tham gia 13 hiệp định thương mại khác nhau.


toan cau co bi chia se boi song phuong va da phuong


Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dù khẳng định các hiệp định thương mại này không thay thế được WTO nhưng ông Low cũng thừa nhận, việc có quá nhiều các hiệp định song phương và khu vực có thể làm nảy sinh rủi ro đối với hệ thống thương mại đa phương vì mỗi hiệp định lại quy định về các cách thức tiếp cận và điều tiết thương mại khác nhau.

“Khi các hiệp định khác nhau đưa ra các hệ thống thực thi khác nhau thì rõ ràng là rất khó để đưa chúng thống nhất trong một hệ thống chung. Điều này có thể dẫn đến kết quả là sự phân biệt đối xử và chi phí thương mại tăng lên cũng như nguy cơ khiến cho thương mại quốc tế bị phân mảnh” – ông Low nói.

Cũng bởi vậy, một vấn đề quan trọng đối với WTO lúc này là đa phương hóa các hiệp định thương mại song phương hoặc khu vực, bắt đầu với vấn đề phổ biến và dễ dàng trước để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử nào. Bước tiếp theo là xây dựng lại một hệ thống thương mại đa phương trên cơ sở những thông lệ tốt nhất từ các hiệp định đang có.

“Điều này đòi hỏi những cam kết chính trị hết sức nghiêm túc. Tôi nghĩ đây sẽ là cách rất tốt để WTO trở lại với vai trò trung tâm trong quản lý các mối quan hệ thương mại quốc tế” – ông Low tin tưởng.

Thách thức phía trước còn nhiều

Nhưng bên cạnh đó, ông Low cho rằng WTO đang đối mặt với một thách thức khác: đó là đối phó với những xu hướng đang thay đổi trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Đơn cử như cùng với xu hướng các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng có xu hướng chi phối và với sự quốc tế hóa trong sản xuất và tiêu dùng thì WTO cần cập nhật và tính đến những thay đổi này.

Chuyên gia Low cũng chỉ ra một vấn đề mà mọi người hay nhầm lẫn, là xác định WTO chỉ gắn kết với vòng đàm phán Doha – vòng đàm phán mà nhiều lo ngại cho rằng cuối cùng sẽ thất bại, không đi đến đâu cả. Bởi ngoài việc thúc đẩy vòng đàm phán Doha, WTO vẫn có vai trò rất quan trọng trong điều tiết các vấn đề thương mại toàn cầu mà chính phủ các nước thành viên đều tôn trọng.

Đó chính là hệ thống các quy định và giải quyết tranh chấp thương mại của WTO. “Hệ thống này cần tiếp tục được củng cố và phát huy thêm sức mạnh, thay vì bị làm yếu và lu mờ đi trước các hiệp định thương mại song phương và khu vực” – chuyên gia này đề xuất.

Đồng quan điểm trên, ông Tim Groser - Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand cho rằng, WTO chính là tổ chức có “quyền năng đầy đủ nhất” so với bất cứ tổ chức nào khác trên thế giới trong giải quyết các vấn đề thương mại toàn cầu.

“Đặc biệt với các nước nhỏ, cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc của WTO đã mang tới một sân chơi công bằng. Hệ thống các luật lệ dựa trên tính đa phương của WTO vẫn phát huy hiệu quả” – vị này nhìn nhận.

Theo ông Groser, dù thương mại toàn cầu vẫn thường xuyên vấp phải các vấn đề cần giải quyết (như xu hướng bảo hộ thương mại của các nước khiến tranh chấp thương mại không ngừng xuất hiện) nhưng về cơ bản, các nước đều mong muốn hướng đến một cơ chế đa phương đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên. Đây chính là cơ sở tốt để WTO tiếp tục phát huy các vai trò của mình trong thương mại quốc tế.

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng WTO, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết, nhiều vấn đề sẽ được bàn thảo tại Hội nghị này mà có thể chưa đạt được sự thống nhất cuối cùng. Tuy nhiên theo tiết lộ của Bộ trưởng Groser, trước Hội nghị này, các nhà đàm phán đã làm việc “rất vất vả” tại Geneva (Thụy Sỹ) để cố gắng đưa ra được một “gói Bali”.

Trong đó bao gồm việc tạo thuận lợi cho thương mại, trong đó có các yếu tố về sản xuất nông nghiệp và phát triển giao thương. “Một thỏa thuận thúc đẩy thương mại sẽ làm giảm chi phí thương mại thông qua việc cải thiện tính minh bạch và hiệu quả xung quanh thủ tục biên mậu” – ông Groser kỳ vọng.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, một kết quả tích cực từ Bali lần này sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp tránh xói mòn hơn nữa các cuộc đàm phán của WTO, mà mục tiêu lớn nhất là Vòng đàm phán Doha. Một lần nữa các chuyên gia nhấn mạnh, dù các hiệp định thương mại khu vực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) có tác động đến suy nghĩ và hành động của các quốc gia ở cấp độ toàn cầu thì chúng cũng không thể thay thế cho một cơ chế thương mại đa phương mà chỉ có WTO mới có thể bao quát được.