Trật tự mới trên thị trường dầu mỏ thế giới

Theo thoibaonganhang.vn

Mới đây, các quan chức thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và ngoài OPEC đã nhóm họp tại Thủ đô Vienna (Austria) nhằm tìm kiếm sự ủng hộ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khai thácnhằm vực dậy giá dầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, các quan chức thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và ngoài OPEC đã nhóm họp tại Thủ đô Vienna (Austria) nhằm tìm kiếm sự ủng hộ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khai thácnhằm vực dậy giá dầu.

Một ngày trước đó, các thành viên OPEC đã thất bại trong một kế hoạch chi tiết về cắt giảm sản lượng. Nguyên nhân cơ bản là do Iran từ chối đóng băng sản lượng, Venezuela và Irắc có ý định tiếp tục tăng chứ không muốn cắt giảm sản lượng dầu khai thác.

Việc thảo luận sẽ tiếp tục vào cuối tháng 11, trước khi OPEC tổ chức hội nghị toàn thể và ra quyết định chính thức về kế hoạch hành động cụ thể để vực dậy giá dầu trong thời gian tới. Với gần một nửa số thành viên OPEC muốn được miễn trừ kế hoạch giảm sản lượng, hội nghị này có nhiều khả năng sẽ thất bại. Bất đồng triền miên trong nội bộ OPEC đã cản trở các nước ngoài OPEC trong việc phối hợp cắt giảm sản lượng.

Thỏa thuận sơ bộ mà các thành viên OPEC vừa đạt được vào cuối tháng 10 về cắt giảm sản lượng dầu của toàn OPEC từ mức 33,4 triệu thùng/ngày trong tháng 9 xuống 32,5-33,0 triệu thùng/ngày đã giúp giá dầu phục hồi và nhiều khi vượt ngưỡng giá kháng cự 55 USD/thùng trong nửa đầu tháng 10. Tuy nhiên, sau đó nó đã quay đầu giảm, và hiện đang ở mức dưới 50 USD/thùng.

Bên ngoài OPEC, sản lượng dầu cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng. Trong đó, Brazil có kế hoạch tiếp tục tăng sản lượng dầu khai thác năm 2017 thêm 290.000 thùng/ngày, lên 2,9 triệu thùng/ngày. Tương tự, Kazakhstan có kế hoạch đưa giếng dầu Kashagan trị giá 50 tỷ USD vào vận hành, nâng sản lượng khai thác từ khoảng 100.000 thùng/ngày hiện nay lên 200.000 thùng ngày vào cuối năm nay và lên 370.000 thùng/ngày vào cuối năm 2017.

Trên thị trường dầu mỏ hiện nay, OPEC, CHLB Nga và Mỹ là ba tác nhân tác động mạnh đến giá dầu thế giới. Trong những năm qua, giá dầu thấp gây tổn hại rất lớn cho CHLB Nga và quốc gia này muốn cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu, nhưng khả năng phối hợp với OPEC rất khó xảy ra vào thời điểm hiện nay, khi kinh tế toàn cầu tăng thấp và cung tiếp tục vượt cầu. CHLB Nga chỉ đánh tiếng ủng hộ nỗ lực của OPEC trong việc phục hồi giá dầu, nhưng chỉ có thể đóng băng sản lượng (chứ không cắt giảm sản lượng).

Gần đây, thành công của Mỹ trong việc sử dụng công nghệ khai thác dầu đá phiến đã đóng vai trò rất lớn vào việc ổn định giá dầu và đang làm thay đổi bức tranh thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong báo cáo đưa ra gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định về khả năng hình thành “sự bình thường mới” trên thị trường dầu. Cụ thể là, giá dầu có vẻ ổn định trong những tháng gần đây, nhưng không thể trở lại được mức giá cách đây 2 năm.

Nguyên nhân khiến giá dầu giảm là do sản lượng dầu đá phiến tăng liên tục đã bổ sung nguồn cung trên toàn cầu, trong khi nhu cầu suy giảm do kinh tế các nước mới nổi tăng chậm dần và thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Điều này sẽ tạo ra “sự bình thường mới” về thị trường dầu.

Với sản lượng khoảng 5 triệu thùng/ngày, dầu đá phiến đã đóng góp cho việc dư thừa nguồn cung dầu thô trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nước OPEC kiên quyết không cắt giảm sản lượng nhằm duy trì thị phần trên thị trường thế giới, và điều này đã khiến giá dầu bắt đầu xu hướng lao dốc kể từ giữa tháng 6/2014.

Mặc dù giá dầu sụt giảm đã dẫn đến làn sóng cắt giảm đầu tư vào dầu, nhưng sản lượng giảm rất chậm, khiến cung vẫn vượt cầu. Nhờ tiến bộ công nghệ, chi phí sản xuất dầu đá phiến đã giảm đáng kể, nhiều công ty đã tránh được nguy cơ bị phá sản.

Trong năm 2016, đầu tư vào hoạt động khai thác dầu giảm tạo ra kỳ vọng giảm sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC, nhưng sản lượng vẫn cao hơn nhu cầu. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, thị trường dầu sẽ cân bằng vào năm 2017, mặc dù lượng dầu lưu kho có thể đứng ở mức cao.

Ở chiều ngược lại, giá dầu giảm đã thúc đẩy nhu cầu, đạt mức kỷ lục khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Tuy nhiên, nhu cầu về dầu thô trong năm 2016 và 2017 sẽ giảm xuống 1,2 triệu thùng/ngày. Phần lớn nhu cầu tăng thêm trong năm 2015 bắt nguồn từ nguyên nhân là giá dầu thấp, hơn là thu nhập tăng. Vì thế, nhu cầu về dầu thô trong tương lai sẽ phụ thuộc chủ yếu vào triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Trong những năm gần đây, nhu cầu về dầu được dẫn dắt bởi các nước mới nổi và đang phát triển, nhất là Trung Quốc. Với mức tiêu thụ chiếm gần 15% nhu cầu trên toàn cầu, Trung Quốc đã có đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy nhu cầu. Tuy nhiên, xu hướng tăng chậm dần của kinh tế Trung Quốc và nhiều nước khác đang làm giảm cầu. 

Trong giai đoạn trung dài hạn, quá trình chuyển đổi theo hướng hạn chế sử dụng dầu và năng lượng hóa thạch sẽ tiếp tục làm giảm cầu.

Diễn biến cung cầu trên thị trường dầu mỏ trong những tháng gần đây cho thấy, triển vọng về khả năng dầu tăng giá đang mờ nhạt dần.