Trung Mỹ: Mọi kênh đào đều dẫn đến Bắc Kinh

Theo cafef.vn

(Tài chính) Đầu tư của Trung Quốc vào ba con đường xuyên đại dương lên đến 70 tỉ đôla. Cho đến nay không ai thắc mắc vì sao là ba con đường mà không phải một.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong cái eo đất mà nhà thơ Chilê đoạt giải Nobel văn chương Pablo Neruda gọi là cổ họng của châu Mỹ, chẳng bao lâu nữa sẽ có ít nhất ba con kênh đào mới xuyên đại dương. Một con kênh nước và ba kênh “khô” đều do các công ty Trung Quốc xây dựng. Những hành lang mới này sẽ giúp cho những con tàu dầu khổng lồ gọi là Hậu  Panama vượt từ đại dương này sang đại dương khác một cách dễ dàng, cũng như giao thông bằng đường xe lửa cao tốc nối liền hai bờ biển. 

Chúng sẽ dẫn đến những đường ống dẫn dầu, nhà máy lọc dầu, hải cảng tự động và nhà máy điện khai thác năng lượng thủy triều. Núi và rừng sẽ được san bằng. Những con sông sẽ đổi dòng và sẽ xuất hiện những hồ chứa.

Nếu mọi việc êm xuôi, vùng trung Mỹ sẽ có bốn con kênh đào, bởi đã có sẵn kênh đào Panama, thậm chí năm nếu kể thêm dự án của Costa Rica xây dựng đường ôtô nối liền vùng Caribê với Thái Bình Dương. Đây là quốc gia duy nhất trong vùng có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đầu tháng 6/2013, Costa Rica đã tiếp đón chính thức chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Còn dự án thứ sáu là Colombia đang thương lượng với Trung Quốc mở rộng con sông của mình từ vịnh Solano của Thái Bình Dương ra Acandi của Đại Tây Dương, nằm sát biên giới với Panama. Tất cả các công trình này đều do Công ty Kỹ thuật đường sắt Trung Quốc thực hiện. Cũng có thể là công trình thứ bảy nếu kể đến một kênh đào ở Mexico, tạo eo đất Tehuantepec. Danh sách dừng lại ở đây, bởi Salvador không may mắn có được bờ biển nhìn ra vịnh Caribê.

Kênh đào vượt qua Nicaragua là dự án hoàn hảo nhất, trị giá khoảng 40 tỉ đôla, gấp năm lần GDP của xứ này. Một con kênh đào thích hợp cho tàu bè mọi kích thước, một đường sắt nối liền hai đại dương, nhiều đường ôtô, một đường ống dẫn dầu, nhiều hải cảng trên mỗi bờ biển, phi trường, vùng tự do trao đổi. Tất cả được giao cho công ty Hong Kong Nicaragua Development phụ trách, có trụ sở tại Hong Kong nhưng đăng ký hoạt động tại quần đảo Caimans. Công ty này có một cổ đông duy nhất: Wang Jing, ông trùm tàu biển và bảo hiểm người Trung Quốc. 

Theo phát ngôn viên chính phủ Nicaragua, công trình này sẽ tạo việc làm cho một triệu người, trong khi dân số chỉ có hai triệu và GDP sẽ gia tăng mỗi năm 15%. Với hợp đồng khai thác 50 năm có thể ký tiếp, được công bố ngày 13/6/2013 cả nước Nicaragua đã sôi sục lên. Phe đối lập tố cáo Tổng thống Daniel Ortega là kẻ bán nước.

Kênh đào “khô” vượt qua Honduras khiêm tốn hơn, trị giá khoảng 20 tỉ USD và đường cao tốc được cung cấp năng lượng bằng nhà máy điện thủy triều xây dựng tại vịnh Fonseca. Nó được giao cho Công ty Kỹ thuật Cầu cảng Trung Quốc (CHEC) thiết kế và thực hiện.

Guatemala có ý định tiến xa hơn các đối thủ của mình. Tổng thống Otto Pérez Molina quả quyết: dự án dài 390km, bao gồm một đường ống dẫn khí, một đường ống dẫn dầu, một đường ôtô và một đường sắt, trị giá tổng cộng 10 tỉ USD. Các đối tác Trung Quốc rất thích thú với đường ống dẫn dầu cho phép dầu từ Venezuela đưa đến.

Đầu tư của Trung Quốc vào ba con đường xuyên đại dương này lên đến 70 tỉ đôla. Cho đến nay không ai thắc mắc vì sao là ba con đường mà không phải một.

Câu chuyện này nhắc người ta nhớ đến bộ phim mang tên Chào mừng Ngài Marshall, của đạo diễn Tây Ban Nha Luis Garcia Berlanga, phát hành năm 1953. Sau Thế chiến thứ hai, kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu, nước Mỹ được xem là mạnh thường quân như Trung Quốc hiện nay. Người dân làng Villar del Rio của Tây Ban Nha biết người Mỹ đi đến đâu đều mang lại giàu sang cho nơi đó. Vì thế họ chuẩn bị đón tiếp thật linh đình, với bài hát quen thuộc: Yankee đến với hàng ngàn quà cáp. Họ hấp dẫn các cô gái đẹp với máy bay phản lực xé gió, và tòa nhà chọc trời gắn máy lạnh... 

Thế nhưng, vào ngày J, dân làng ra đường đón tiếp, đoàn người Mỹ này đã rẽ bước sang ngôi làng khác. Tất cả các khuôn mặt đều xụ xuống. Không chỉ ảo tưởng bị tan vỡ, mà sau đó “làng nước” còn bắt mọi người phải trả chi phí cho buổi lễ hụt này. Cuối cùng họ còn nghèo hơn cả lúc trước...