Trừng phạt và các đòn phản trừng phạt

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục hun đúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thì tình hình kinh doanh của các công ty phương Tây tại Nga gặp nhiều bất trắc khó lường.

Ngày 17/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bất ngờ kịch liệt lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài phát biểu tại Sydney, Australia. Nguồn: internet
Ngày 17/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bất ngờ kịch liệt lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài phát biểu tại Sydney, Australia. Nguồn: internet

Doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng

Thanh tra y tế trong những bộ blue đã bất ngờ đến kiểm tra một cửa hàng McDonald ở một thị trấn phía Tây Bắc nước Nga. Sau khi kết thúc công việc, họ nhanh chóng đề xuất cấm bán một số mặt hàng trên toàn lãnh thổ nước Nga. Theo các quan chức Nga, lượng calorie có trong cheeseburgers, Filet-O-Fish, bánh dâu kem và các mặt hàng khác không đúng như thành phần công bố trên bao bì.

Khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục hun đúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thì tình hình kinh doanh của các công ty phương Tây tại Nga gặp nhiều bất trắc khó lường. Một số công ty như Exxon Mobil và công ty dịch vụ năng lượng Schlumberger bị cuốn vào vòng trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành công nghiệp cốt lõi của Nga. Những công ty khác như Visa và Condé Nast đã bị ảnh hưởng bởi các đòn phản trừng phạt của điện Kremlin.

Việc kiểm tra nhà hàng của McDonald trong mùa hè diễn ra chỉ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Khoảng thời gian này, các quan chức y tế tại một khu vực miền núi xa xôi tại Nga đã đe dọa lôi các sản phẩm Jack Daniels ra khỏi các kệ hàng khi họ nói rằng đã phát hiện ra rượu whiskey hương vị mật ong có chứa các chất hóa học và thuốc chống côn trùng. Tuy nhiên, ông chủ của hãng này là Brown-Forman đã bác bỏ cáo buộc.

"Giống như thuyền buồm chạy ngược gió”, Alexis Rodzianko, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Nga cho biết, các công ty Mỹ đang cố gắng kinh doanh ở đây những ngày này. "Mọi sự lựa chọn đều có giới hạn, tiến triển cũng chậm hơn".

Nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư hàng tỷ USD tại Nga trong những năm gần đây, đặt cược vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Moscow. Nhưng những xung đột giữa Nga và phương Tây đang khiến họ đối mặt với suy thoái. Volkswagen, Ford, Adidas và Carlsberg, là một trong số những công ty đã đổ lỗi cho Nga gây ra tình trạng sụt giảm kinh tế toàn cầu. Vào cuối tháng 10, McDonald đã bị các thanh tra y tế viếng thăm  200 điểm. Hãng này cho biết, doanh thu theo quý đạt mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Khi Mỹ và châu Âu bắt đầu vòng trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga, Visa và MasterCard cắt dịch vụ đối với một số ngân hàng Nga vốn nằm trong lệnh trừng phạt của Mỹ. Điện Kremlin đã trả đũa bằng cách thông qua một đạo luật buộc Visa và MasterCard hoặc là gửi khoản tiền lớn tại ngân hàng trung ương hoặc di dời hệ thống xử lý thanh toán của họ sang Nga.

Visa và MasterCard đe dọa rút khỏi Nga chứ không chịu gửi tiền tại ngân hàng trung ương. Cuối cùng hai công ty này được hoãn thi hành điều khoản bắt buộc này vào năm 2015 thay cho thời hạn chót là 23/10. Nhiều công ty đã phải bố trí lại nhân viên của mình tại khu vực hoặc buộc họ nghỉ việc nhưng được hưởng lương.

Những biện pháp tạm thời

Các ngân hàng lớn ở Phố Wall đã cố gắng đưa một số chuyên gia phân tích của Nga đến các thị trường khác. Morgan Stanley đã chuyển hai chuyên gia phân tích kim loại và quặng sắt từ Moscow đến London. Ba chuyên gia phụ trách kinh doanh của JP Morgan, 1 chuyên gia phân tích thu nhập cố định của Bank of America Merrill Lynch và 1 đại diện bán hàng của Deutsche Bank tất cả cũng tới London…

Một số công ty khéo léo điều chỉnh để phù hợp với biện pháp trừng phạt của phương Tây trong khi không làm ảnh hưởng đến các đối tác Nga của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình hình không như ý muốn.

Vào tháng 9 vừa qua, Nga thông qua luật mới giới hạn quyền sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông. Kết quả là, Condé Nast và Hearst cần phải bán cổ phần chi phối cho Nga vào năm 2016. Walt Disney sẽ phải bán bớt cổ phần của kênh Disney ở Nga.

Những vấn đề có thể tồi tệ hơn. Quốc hội Nga đang xem xét một đạo luật sẽ cho phép chính phủ tịch thu tài sản nước ngoài Các nhà lập pháp đã thông qua điều khoản đầu tiên trong số 3 đề xuất. Nếu luật này có hiệu lực, thậm chí các công ty Mỹ không bị ảnh hưởng cũng có thể bị dồn vào thế khó.

PepsiCo sử dụng 30.000 lao động địa phương chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu và Mỹ. "Chúng tôi đã hoạt động sản xuất trên toàn nước Nga, và gần như tất cả các sản phẩm của chúng tôi bán tại Nga được sản xuất tại Nga", Pepsi cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, những tài sản đó có thể làm cho PepsiCo dễ bị tổn thương. Công ty này đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD tại Nga, sở hữu những nhà máy sữa và khoai tây lớn nhất tại Nga.

Bất chấp có ảnh hưởng tại địa phương điều đó cũng không giúp cải thiện tình hình tại McDonald tại Nga sau những hục hặc giữa Nga và phương Tây trong thời gian vừa qua.

Một số nhà hàng đã mở cửa trở lại kể từ sau đợt kiểm tra tại chỗ, Tuy vậy, một cuộc thăm dò gần đây của Công Opinion Foundation cho thấy, 49% người Nga muốn McDonald đóng ở Nga do phục vụ thực phẩm không lành mạnh hoặc gây sức ép với một số nhà hàng địa phương, hoặc như là một phản ứng nhằm trừng phạt Mỹ.

10 trong số 451 cửa hàng của chuỗi vẫn đóng cửa, trong số đó có một cửa hàng McDonald tại vị trí vàng trên Quảng trường Pushkin ở Moscow.

Việc các cửa hàng đóng cửa đã khiến công ty này buộc phải điều chuyển 1.000 trong tổng số 40.000 nhân công tại Nga. Tám thành phần trong Big Mac - hai lát thịt bò, nước sốt đặc biệt, rau diếp, pho mát, dưa chua, hành tây và hạt mè - tất cả đều có nguồn gốc từ Nga. " Big Mac là của Nga", phát ngôn viên của McDonald, Svetlana Polyakova nói.