Trung Quốc hướng đến một “Thâm Quyến mới”

Theo daibieunhandan.vn

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc thông báo xây dựng đặc khu kinh tế mới mang tên Tân khu Hùng An (Xiongan New Area) tại tỉnh Hà Bắc, cách Thủ đô Bắc Kinh khoảng 100km về phía Tây Nam với hy vọng có một “Thâm Quyến mới”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

“Giảm tải” cho Bắc Kinh

Khu vực này là một phần của vùng “siêu đô thị” Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, sẽ đóng vai trò bổ trợ cho Thủ đô, khi tất cả các hoạt động kinh tế cũng như các chức năng phi hành chính được di dời khỏi Bắc Kinh sang khu phía nam.

Chính phủ Trung Quốc gọi kế hoạch xây dựng Tân khu Hùng An là “chiến lược quan trọng cho thiên niên kỷ tới”. Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc CGTN ví đây sẽ là “Phố Đông mới”, ám chỉ khu kinh tế tài chính ở phía Đông thành phố Thượng Hải, nơi vài thập kỷ trước chỉ là vùng đất nông nghiệp.

Các hãng truyền thông nhà nước gọi Tân khu Hùng An là “Thâm Quyến tiếp theo”, thành phố giàu có thuộc tỉnh Quảng Đông, đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc và được xem là mô hình thí điểm mở đường cho cải cách kinh tế mạnh mẽ của nước này trong những năm 1980.

Trước hết, kế hoạch xây dựng Tân khu Hùng An được cho là giải pháp nhằm giúp giảm áp lực lên Thủ đô 22 triệu dân của Trung Quốc. Việc di dời các trường học, viện nghiên cứu, chợ, bệnh viện khỏi Bắc Kinh sẽ phần nào giúp giảm tải dân số và giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm trong nội thành.

Nhiều năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách giải quyết các vấn đề về ách tắc giao thông, ô nhiễm của Thủ đô thông qua việc ban hành các quy định từ hạn chế không gian đường, hạn chế sử dụng ô tô theo biển số xe, tới đưa ra cảnh báo ô nhiễm nhằm cấm tất cả các phương tiện hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, những nỗ lực này như “muối bỏ bể”, khi tỷ lệ mua ô tô mới của người dân Bắc Kinh chỉ không ngừng tăng lên theo thời gian và thành phố này liên tục trong tình trạng cảnh báo cấp cao về mức độ ô nhiễm không khí.

Cú hích kinh tế?

Tân khu Hùng An sẽ có diện tích 2.000km2, gấp gần ba lần thành phố New York, Mỹ, được kỳ vọng sẽ trở thành “bàn đạp” tạo động lực mới cho phát triển kinh tế ở khu vực miền bắc Trung Quốc vốn trì trệ. Chỉ trong vòng vài ngày sau khi chính quyền Trung Quốc thông báo kế hoạch xây đặc khu mới, Tân khu Hùng An đã gây ra “cơn sốt” trong thị trường bất động sản và chứng khoán ở nước này. Theo báo South China Morning Post, hơn 40 công ty ở Thượng Hải, Thâm Quyết, Hong Kong đã “đổ” về khu vực mới sắp được xây dựng của tỉnh Hà Bắc.

Việc các nhà đầu tư ồ ạt kéo tới khu vực này đã khiến các con đường cao tốc dẫn tới Hà Bắc bị tắc nghẽn; các khách sạn, nhà nghỉ “cháy phòng” dù giá tăng vọt. Nhiều nhà đầu tư thậm chí cắm trại qua đêm bên ngoài văn phòng của các công ty môi giới địa ốc. Chính phủ Trung Quốc đã phải ban lệnh cấm bán bất động sản ở khu vực mở đặc khu kinh tế nhằm ngăn tình trạng đầu cơ.

Kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khiến cổ phiếu các hãng xây dựng Đại lục tăng giá mạnh. Cổ phiếu hãng BBMG tăng đến 46% trong phiên giao dịch ngày 3.4 tại Hong Kong, trở thành công ty có cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong số các nhà sản xuất xi-măng.

Hà Bắc là một trong những khu vực chiến lược cho hoạt động kinh doanh xi măng của BBMG. Cổ phiếu China National Building Material tăng 10,8%, Asia Cement China Holdings tăng 5,2% còn Tianjin Port Development Holdings tăng 17%. Cổ phiếu Tianjin Port Development Holdings cũng trên đà tiến đến mức tăng mạnh nhất trong tám năm.

Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Nomura, Nhật Bản Yang Zhao và Wendy Chen kỳ vọng, dự án sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong đầu tư tài sản cố định, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và bất động sản. Theo ước tính, cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản hàng năm trực tiếp có thể lên tới khoảng 500 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 72,5 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới, tức 0,3 - 0,6% GDP.

Tuy nhiên, tác động ròng có thể nhỏ hơn khi đầu tư vào Tân khu Hùng An tăng nhanh có thể sẽ đi kèm với sự sụt giảm đầu tư vào những khu vực khác. Tác động của dự án đối với tăng trưởng kinh tế cũng có thể bị hạn chế do phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ của Chính phủ, các nhà phân tích cũng lưu ý.

Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại dự án Tân khu Hùng An có thể gây ra bong bóng bất động sản lớn. Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ, dự án sẽ phải mất tới 15 năm để hoàn thành 80% kế hoạch di dời 5,4 triệu dân và tốn thêm khoảng 2.000 tỷ Nhân dân tệ cho đầu tư.

Trung Quốc đã tạo ra hàng chục “khu vực mới” trong những năm gần đây, theo làn sóng đô thị hóa khổng lồ nhằm thu hút hàng trăm triệu người tới sinh sống và lao động. Tuy nhiên, mặt trái của làn sóng này là những “thành phố ma”. Một khảo sát gần đây của Baidu cho thấy, khoảng 50 thành phố tại Trung Quốc có tỷ lệ “vườn không nhà trống” cao.