Trung Quốc làm quen trạng thái bình thường mới

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nền kinh tế của Trung Quốc cuối cùng cũng trải qua thời kỳ tái cân bằng, với tốc độ tăng trưởng đã giảm từ hơn 10% từ những năm trước 2008 xuống còn khoảng 7,5% như hiện nay. Đây là trạng thái mới hay tăng trưởng của nước này thậm chí còn tiếp tục chậm lại trong thế kỷ tới?

Dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm 2015 (tính theo sức mua tương đương). Nguồn: internet
Dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm 2015 (tính theo sức mua tương đương). Nguồn: internet

Tái cân bằng xuất hiện tại Trung Quốc là rõ ràng. Lĩnh vực dễ nhận thấy nhất là xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu giảm từ mức  bình quân hàng năm 29% giai đoạn 2001-2008 xuống dưới 10%, khiến động lực tăng trưởng kinh tế của nước này yếu đi.

Hơn nữa, sản lượng và tuyển dụng tại các nhà máy đã bắt đầu giảm vào năm ngoái. Trên thực tế, trong nửa đầu năm nay, dịch vụ chiếm hơn một nửa tổng tăng trưởng kinh tế. Không ngạc nhiên khi thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã bị thu hẹp nhanh chóng, so với mức đỉnh năm 2007 là hơn 10% GDP xuống còn khoảng 2% GDP hiện nay.

Tái cân bằng này đã giúp cải thiện phân phối thu nhập của Trung Quốc. Thật vậy, trong những năm gần đây, thu nhập quốc dân của người lao động đã được tăng lên - một sự phản ánh trực tiếp sự suy giảm trong sản xuất và mở rộng lĩnh vực dịch vụ.

Điều đó có nghĩa là có sự cân bằng hơn giữa các vùng miền tại Trung Quốc: Các tỉnh ven biển, vốn sản xuất ra hơn 85% kim ngạch xuất khẩu đang trải qua thời kỳ suy giảm rõ rệt nhất, trong khi các tỉnh nội địa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Kết quả là, hệ số Gini của Trung Quốc (chỉ số đo sự bất bình đẳng, trong đó 0 là bình đẳng tuyệt đối và 1 bất bình đẳng tuyệt đối) giảm xuống còn 0,5 trong năm 2012 so với con số 0,52 của năm 2010.

Hai yếu tố chính đang thúc  đẩy sự thay đổi này. Đầu tiên là sự suy giảm nhu cầu toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng tài chính năm 2008 đã buộc Trung Quốc phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng của nước này sớm hơn dự kiến. Thứ hai là chuyển đổi nhân khẩu học của Trung Quốc đang diễn ra. Tỷ lệ của những người độ tuổi lao động (16-65 tuổi) đã giảm so với mức đỉnh là 72% vào năm 2010 và con số người dân trong độ tuổi lao động thực sự đã giảm kể từ năm 2012.

Đồng thời, Trung Quốc đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng khi khoảng 200 triệu người đã rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2001-2008 để tìm kiếm công việc lao động tại thành thị. Cho dù gần đây, tốc độ này  đã chậm lại đáng kể, nhưng người nông dân vẫn chiếm khoảng 35% trong tổng số lực lượng lao động của Trung Quốc.

Tất cả điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng thấp hơn đang diễn ra đối với Trung Quốc - mặc dù có lẽ không đến mức 6-7% trong thập kỷ tới như các nhà kinh tế Liu Shijing và Cai Fang dự đoán. Trên thực tế, dựa vào tốc độ tăng trưởng chưa từng có như trước đây của Trung Quốc, dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai sẽ phát sinh nhiều vấn đề  do không chỉ bởi những thay đổi đang diễn ra trong lực lượng lao động tại nước này.

Trước tiên,  dường như có sự đánh giá quá cao những đóng góp của tỷ lệ người ở độ tuổi lao động tăng lên trong giai đoạn trước năm 2010 đối với nền kinh tế. Điều đó khiến cho những phán đoán về tác động của sự suy giảm nguồn lao động đối với hoạt động kinh tế không chính xác.

Hơn nữa, cách tiếp cận này bỏ qua triển vọng giáo dục Trung Quốc trong vòng 20 năm sau, khi thế hệ trẻ thay thế công nhân lớn tuổi. Hiện nay, tỷ lệ những người ở độ tuổi 50-60 tiếp tục học cao lên tại Trung Quốc chỉ bằng 1/2 so với những người ở độ tuổi từ 20-25. Nói cách khác, sau khi lao động già về hưu thì số lượng nhân công trẻ có học thức thay thế sẽ nhiều gấp hai lần.

Trên thực tế, trình độ giáo dục ở Trung Quốc tiếp tục cải thiện. Đến năm 2020, tỷ lệ những người trong độ tuổi 18-22 học theo học đại học sẽ đạt mức  40%, so với con số 32% hiện nay. Cải thiện nguồn nhân lực này phần nào bù đắp được được những lỗ hổng về mặt nhân lực.

Hơn nữa, tuổi nghỉ hưu tại Trung Quốc thấp,  50 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam giới, điều này cũng mang đến sự cơ động cho các nhà hoạch định chính sách. Tăng tuổi nghỉ hưu từ 1 cho đến 10 năm sẽ bù đắp được sự suy giảm trong lực lượng lao động vốn được dự báo là đang thiếu khoảng 2,5 triệu lao động trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra còn có các xu hướng khác đang thúc đẩy triển vọng của Trung Quốc. Mặc dù mức đầu tư tính theo GDP có xu hướng giảm thì cũng phải mất 10 năm nữa tỷ lệ này mới giảm xuống mức dưới 40%- con số này vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, các nguồn vốn có thể vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Cuối cùng, khả năng đổi mới của Trung Quốc đang cải thiện dần, đầu tư vào nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển tăng nhanh. Trong năm tới, chi tiêu  của Trung Quốc vào nghiên cứu phát triển (R&D), đạt 2,2% GDP gần sát với mức của các nước phát triển.

Dựa trên những xu hướng này và giả định tỷ lệ tham gia lao động tại Trung Quốc không thay đổi thì tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc trong thập kỷ tới có thể đạt khoảng 6,9-7,6%, mức trung bình 7,27%. Điều này có thể thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình 9,4% trong giai đoạn từ năm 1988-2013, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức chung của toàn cầu. Nếu đây là mức bình thường mới của Trung Quốc thì phần còn lại của thế giới hẳn vẫn phải rất ghen tỵ với Trung Quốc.