Trung Quốc, Nhật Bản vẫn phải mua trái phiếu của Mỹ

Theo gafin.vn

(Tài chính) Cuộc khủng hoảng ngân sách đã làm tổn hại hình ảnh của Mỹ, nhưng Trung Quốc và Nhật Bản vẫn phải tiếp tục mua trái phíếu của Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngân sách tại Mỹ đã làm tổn hại tới hình ảnh và độ tin cậy của nước Mỹ, nhưng Trung Quốc và Nhật Bản - hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ - vẫn phải tiếp tục mua trái phíếu của Washington, cho dù Bắc Kinh có thể khai thác cơ hội này để tìm kiếm ưu thế cho đồng nhân dân tệ.

Trước khi Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công chấm dứt cuộc khủng hoảng ngân sách, Nhật Bản và Trung Quốc đã liên tục đưa ra các cảnh báo về khả năng vỡ nợ của Mỹ, theo đó có thể dẫn đến thảm họa cho nền tài chính toàn cầu. Bởi, Tokyo và Bắc Kinh - hai quốc gia đứng đầu thế giới về lượng dự trữ trái phiếu USD, với khoảng 2.400 tỷ USD - có nguy cơ trở thành hai nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng này ở Mỹ.

Theo nhật báo The Australian của Australia, trong bối cảnh chính quyền Mỹ có khả năng vỡ nợ, chính quyền Trung Quốc đã hy vọng đồng nhân dân tệ của họ có thể được sử dụng nhiều hơn trong dự trữ ngoại tệ thế giới.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngân sách của nước Mỹ cũng cho thấy một nghịch lý là, ngay cả khi độ tin cậy của nước Mỹ có bị suy giảm nặng nề, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn phải tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ.

Kinh tế gia Susumu Doihara thuộc Viện nghiên cứu NLI ở Tokyo nhận định, trái phiếu của Chính phủ Mỹ vẫn giữ được giá trị dự trữ như một ngoại tệ số một, "vì không có giải pháp thay thế nào khác."

Chuyên gia kinh tế Nhật Bản này khẳng định: "Nếu Nhật Bản quyết định bán các trái phiếu Mỹ thì Tokyo sẽ mua gì để thế vào? Hiện tại, Tokyo đã sở hữu một lượng trái phiếu lớn bằng euro."

Còn về phần Trung Quốc, theo chuyên gia này, "các trái phiếu Trung Quốc chỉ có thể bắt đầu có giá nếu Trung Quốc trở thành một nền kinh tế ổn định, song trong thời gian trước mắt thì điều này chưa thể trở thành hiện thực."

Đầu tháng này vào lúc khủng hoảng ngân sách Mỹ vừa bắt đầu, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuyên bố, tình trạng bất ổn của nền kinh tế Mỹ có thể khiến Tokyo phải quyết định bán USD và mua vào đồng yen, khiến giá đồng yen tăng cao, một điều không tốt gì cho nền kinh tế Nhật Bản, do tăng trưởng của nước này dựa một phần quan trọng vào việc đồng yên được giữ ở mức giá thấp.

Như vậy, cho đến nay, bất chấp khủng hoảng, vị thế số một thế giới của đồng USD vẫn không có đối thủ thực sự, trong khi đồng yen không được hoán đổi trực tiếp với đa số các đồng tiền mạnh của thế giới. Dù sao, tờ Global Times của Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có thế mạnh hơn trong "cuộc chơi" tài chính thế giới, bởi Trung Quốc "sở hữu một khối lượng khổng lồ các món nợ của Mỹ, khiến Bắc Kinh có được một trọng lượng đáng kể trong cán cân sức mạnh."

Về phần Nhật Bản, đồng minh lớn của Mỹ đã đón nhận thỏa thuận về ngân sách được Quốc hội Mỹ thông qua vào phút chót một cách dè dặt. Theo một số nhà kinh tế, thỏa thuận này chỉ trì hoãn lại mâu thuẫn, chứ không giải quyết được thực sự vấn đề, và thế giới rất có thể sẽ phải một lần nữa bất lực chứng kiến các xung đột trong nội bộ Quốc hội Mỹ, tác động đến sự ổn định tài chính của toàn thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Aso còn cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu.

Một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện, với sự tham gia của hơn 70 nhà kinh tế (từ ngày 11 đến 17/10), đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 4 có thể đạt mức 2,3%.

Trong khi đó, theo một số ước tính, đợt khủng hoảng ngân sách 16 ngày vừa qua tại Mỹ có thể khiến nền kinh tế nước này mất đi 0,3% mức tăng trưởng trong quý 4.