Trung Quốc nơm nớp với đòn ‘hồi mã thương’ của Mỹ

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ đồng thời nước này có triển vọng vượt qua Mỹ về GDP để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thực tế là điều đó chẳng mang lại cho Trung Quốc bất kỳ sự chắc chắn nào bởi chỉ cần Mỹ tung ra một đòn “hồi mã thương” là Trung Quốc lập tức ‘gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường’.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Là người Trung Quốc, ông chủ tịch Tập Cận Bình chắc hẳn không lạ gì chiêu thức “hồi mã thương” danh bất hư truyền của thương pháp Dương gia tướng. Nhìn vào cục diện thế giới hiện nay, có vẻ như Mỹ đang là “kẻ thất thế” phải quất ngựa bỏ chạy còn Trung Quốc là kẻ chiếm thượng phong đang truy kích gắt gao. Có điều, đó cũng chính là “thế” cực kỳ thuận lợi để Washington thi triển chiêu thức “hồi mã thương”. Ông Tập Cận Bình cũng như các nhà lãnh đạo khác ở Bắc Kinh hiểu rằng, việc Trung Quốc có thể nổi lên nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính là nhờ một hệ thống kinh tế quốc tế mở mà Mỹ đã tạo lập và bây giờ, Bắc Kinh đang có lý do để lo lắng bởi cái gì do Mỹ tạo nên thì cũng có thể bị nước này phá bỏ.

Theo bài viết đăng trên tờ Financial Times (Anh), số ra hồi giữa tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh đang nơm nớp với 3 mối lo ngại lớn về định hướng chính sách của Mỹ và nguy cơ tác động đến triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Trung Quốc.

Trước hết, đó là sự xung đột giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama về các chính sách điều hành đất nước có thể sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trở lại và khiến cho các thị trường tụt dốc. Nếu như đất nước nắm giữ đồng tiền dự trữ chủ yếu nhất của thế giới (đồng USD) không thể (kể cả trong hiện tại hay tương lai) thanh toán các hóa đơn đúng thời hạn, tức là bị vỡ nợ, thì hệ thống tài chính toàn cầu rất có thể cũng sẽ đổ vỡ theo và Trung Quốc khó lòng thoát khỏi những ảnh hưởng lớn từ sự vỡ nợ của Mỹ.

Chính vì thế, những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh đã tỏ ra vô cùng sốt ruột và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ về tình trạng bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ công. Trung Quốc muốn rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nghị sĩ đảng Cộng hòa phải thực hiện những trách nhiệm toàn cầu. Với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại chỉ cần thêm một cú sốc nữa là có thể giảm sâu xuống dưới mức 6-7% - ngưỡng mà Trung Quốc cho là “giới hạn chịu đựng cuối cùng” để đảm bảo trật tự chính trị và xã hội ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Thứ hai, đồng USD tiếp tục suy yếu đang làm giảm giá trị của khoản nợ lớn của Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ. Trung Quốc đã mua một lượng trái phiếu trị giá gần 1.300 tỷ USD của Bộ Tài chính Mỹ và vượt qua Nhật Bản trong danh sách các nước mua nhiều trái phiếu của Mỹ nhất. Lâu nay, các quan chức Trung Quốc vẫn phàn nàn rằng Mỹ đang cố tình làm tăng tỷ lệ lạm phát để giảm giá trị các nước nắm giữ nhiều USD hay các chứng chỉ nợ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ phản ứng lại bằng lập luận.

Mối lo ngại lớn nhất nằm ở khía cạnh khác trong chính sách của Mỹ. Đó là sự dịch chuyển của Mỹ từ chỗ là nước bảo lãnh cho các nguyên tắc đa phương sang ưu tiên các liên minh nhỏ với các nước có quan hệ thân thiết. Mỹ đang rút lui dần khỏi trật tự mà nước này tạo ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trật tự đã cho phép Tây Âu đi lên từ tình trạng đổ vỡ, đảm bảo quyền bá chủ của Mỹ và củng cố liên minh của phương Tây trước đe dọa từ Liên Xô. Những lợi ích quốc gia của Mỹ gắn liền với những trách nhiệm quốc tế của nước này với tư cách là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Những cường quốc mới nổi nói chung và Trung Quốc nói riêng cũng sẽ được hưởng lợi từ hệ thống do Mỹ làm chủ xướng.

Hiện Trung Quốc đã hướng tới mục tiêu trở thành nên kinh tế lớn nhất thế giói, thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Do vậy, Mỹ đang hoán đổi chủ nghĩa đa phương thời hậu chiến sang các thỏa thuận đầu tư và thương mại ưu đãi với các nước có chung mục đích. Trong một thế giới lý tưởng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Thái Bình Dương (TTIP) đang được đàm phán sẽ là những thỏa thuận khung cho các quy định về thương mại và đầu tư sau này - mở lối cho sự trở lại của chủ nghĩa đa phương.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Mỹ, những hiệp định này có thể trở thành chiến lược hữu ích để kiềm chế Trung Quốc. Tất nhiên, các cuộc đàm phán có thể thất bại luôn tiềm ẩn những bất đồng lớn ngay cả giữa những nước có quan hệ mật thiết.

Tờ Financial Times bình luận, việc một phần các cơ quan chính phủ liên bang phải đóng cửa trong 2 tuần đầu tháng 10 đã buộc ông Obama phải hủy bỏ chuyến công du tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Indonesia và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Brunei. Sự vắng mặt của ông Obama và sự bế tắc tài chính ở Washington chắc chắn sẽ gây tâm lý hoài nghi đối với chính sách "tái cân bằng ở châu Á" mà Chính phủ Mỹ đang theo đuổi. khi không thể hiện diện tại hai hội nghị quan trọng này, ông Obama cũng buộc phải nhường lại sân khấu cho Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình.

Để kết luận cho bài viết của mình, tờ báo của Anh khẳng định rằng bất ổn tài chính ở Washington chỉ là trong ngắn hạn và sự phát triển bền vững của Trung Quốc còn phụ thuộc vào việc tiếp cận sân chơi quốc tế bình đẳng. Không có sự hỗ trợ của Mỹ, trật tự đa phương sẽ có nguy cơ sụp đổ và quá trình toàn cầu hóa cũng có thể bị đổ bể. Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự do Mỹ tạo ra và cũng sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất từ sự sụp đổ trật tự này.