Trung Quốc: Quyết tâm “phủ xanh tài chính”

Theo daibieunhandan.vn

Là quốc gia đang phải đối phó với tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã phải điều chỉnh chính sách để phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc “phủ xanh” hệ thống tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Trung Quốc đã thông báo quyết định thành lập 5 khu thí điểm cải cách và sáng tạo “tài chính xanh”. Bốn tỉnh được chọn lựa để lập khu thí điểm này là Quảng Đông, Quý Châu, Giang Tây, Chiết Giang và Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

5 nhiệm vụ chính trước mắt của các các khu thí điểm này là hỗ trợ các tổ chức tài chính thiết lập các “chi nhánh xanh”, phát triển “tín dụng xanh”; xây dựng thị trường giao dịch các quyền trong lĩnh vực môi trường như quyền phát thải, quyền sử dụng nước và quyền sử dụng năng lượng…

Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ về tài chính, thuế, và các chính sách về đất đai đối với các ngành “công nghiệp xanh” và “dự án xanh”, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Mỗi khu có hướng phát triển tài chính xanh khác nhau. Chẳng hạn, ở Quảng Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, các cơ chế tín dụng được khuyến khích phát triển nhằm hỗ trợ bảo tồn năng lượng và giảm phát thải.
Trong khi đó, Quý Châu sẽ tập trung hỗ trợ tài chính vào xử lý rác thải nông nghiệp, Tân Cương - một khu vực quan trọng trong sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc nhằm phát triển các mối quan hệ khu vực - sẽ củng cố hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài.
Các khu thí điểm được kỳ vọng sẽ giúp đất nước đông dân nhất thế giới có nguồn tài chính chống lại tình trạng ô nhiễm ước tính có thể ngốn tới ít nhất 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 440 tỷ USD) mỗi năm. Hiện nay, Chính phủ mới chỉ cung cấp được 10 - 15% số tiền nói trên.

Thực tế, từ lâu nay, Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của việc phải phát triển hệ thống tài chính xanh để phát triển bền vững. Tài chính xanh từng được Trung Quốc đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường từ cuối thập kỷ 90 và trong các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 11 (2011 - 2015), lần thứ 12 (2016 - 2020), được nhấn mạnh sau Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012 và lần đầu tiên được Trung Quốc đưa vào làm chủ đề thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc (9.2016).

Trung Quốc đã giao cho các ngân hàng, đứng đầu là Ngân hàng Trung ương  (PBOC) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát triển hệ thống chính sách, ngân hàng tài chính xanh, đóng vai trò chủ chốt trong điều hành hoạt động đầu tư tài chính xanh.

PBOC và các cơ quan Trung ương khác đã công bố Hướng dẫn thành lập Hệ thống Tài chính xanh. 10 nguyên tắc trong hướng dẫn chú trọng khai thác mối quan hệ đối tác công tư để “tìm ra” 600 tỷ USD mỗi năm để Trung Quốc đáp ứng các cam kết về môi trường vào năm 2030.

Trung Quốc cũng chú trọng thiết lập thị trường trái phiếu xanh, cho phép các tổ chức tài chính tăng nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh, ưu tiên các dự án phát triển năng lượng sạch và xử lý các vấn đề môi trường. Nguồn vốn tài chính xanh còn được huy động từ các quỹ đầu tư xanh, bảo hiểm xanh…

Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh phát triển tài chính xanh trong năm 2007, và hơn 8 nghìn tỷ nhân dân tệ trong “tín dụng xanh”, được sử dụng để tài trợ các dự án sạch, đã được ban hành.

Tuy nhiên, các cơ chế tài chính về môi trường vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt là khi giải quyết vấn đề ô nhiễm đất và nước trên diện rộng, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải vật lộn để có được nguồn tài chính.

Chính vì vậy, mới đây, hồi giữa tháng 2 vừa qua, Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã bắt tay xây dựng một nền tảng tài chính xanh nhằm hỗ trợ các nỗ lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc giảm bớt ô nhiễm trong khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.