Trung Quốc sẽ tăng trưởng chất lượng hơn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nếu xét nhiều khía cạnh cụ thể, con số tăng trưởng 7,4% vẫn cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng mà không cần quá nhiều nỗ lực từ phía chính phủ.

Tác động của việc Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đối với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Nguồn: internet
Tác động của việc Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đối với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Nguồn: internet

Chiến lược “Bốn toàn diện”, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất vào cuối năm ngoái, đã trở thành chủ đề cốt lõi của kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa 12) vừa kết thúc trung tuần tháng Ba. “Bốn toàn diện” cũng được kỳ vọng là chiếc chìa khóa đưa Trung Quốc đi tới phồn vinh, giàu mạnh và Trung Quốc năm 2015 sẽ mở ra cục diện mới cho hiện đại hóa quản lý đất nước.

Chậm mà chắc     

Năm 2015 được coi là năm then chốt đẩy mạnh cải cách toàn diện, mở đầu cho thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện và cũng là năm quan trọng nhằm ổn định tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu và kết thúc Quy hoạch 5 năm lần thứ 12.  Như vậy, Trung Quốc cũng chỉ còn lại hơn 5 năm cho thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020.

Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới chưa có nhiều chuyển biến tích cực, sức ép kinh tế Trung Quốc suy giảm tiếp tục gia tăng, nước này phải đối mặt với thử thách của “bẫy thu nhập trung bình”. Báo cáo Công tác Chính phủ năm nay của Trung Quốc đã xác định mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 có thể ở mức khoảng 7%, so với mức tăng cao bình quân 9,7%/năm trong hơn 30 năm qua.

Và việc điều chỉnh mức tăng dự báo lần này đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của thế giới đối với triển vọng phát triển của Trung Quốc thuộc nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận rằng công cuộc cải cách sẽ gặp phải sự phản đối từ các công ty nhà nước và giới chức chính quyền. Ông cũng cảnh báo rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng không phải việc dễ dàng và Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng thay đổi quản lý vĩ mô nếu như không tạo ra được việc làm và nỗ lực để nền kinh tế trong nước có thể tăng trưởng ở mức hợp lý.

Trước đó, số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, GDP cả năm 2014 của nước này chỉ ở mức 7,4%, thấp nhất kể từ năm 1990. Đây cũng là lần đầu tiên trong thế kỷ này, Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đề ra (7,5%) năm 2014. GDP của Trung Quốc tăng trưởng chậm dần đều từ 7,8% năm 2012,  7,7% năm 2013 và 7,5% năm 2014. So với mức tăng trong ba thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm trở lại đây của Trung Quốc khá thấp.

Ông Lý Khắc Cường cho rằng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về tài chính nhưng nước này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được những rủi ro mang tính hệ thống. Ngoài ra, ông đồng thời lưu ý Chính phủ Trung Quốc vẫn còn sẵn nhiều công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế vận hành trong một khuôn khổ thích hợp khi quá trình phát triển kinh tế bước vào một giai đoạn “bình thường mới”.   

Trong khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc (NDRC) công bố một danh sách cuối cùng về các lĩnh vực không được phép hoặc hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Được biết, tháng 11/2014, khi đưa ra dự thảo giảm số lượng lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài từ 79 xuống còn 35 đã không nhận được sự đồng tình của các tổ chức vận động hành lang nước ngoài.

Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc luôn cam kết tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc nới lỏng các hạn chế đối với những lĩnh vực dịch vụ và chế tạo, khi nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh bằng việc áp dụng các chính sách cởi mở hơn với thị trường để thúc đẩy đà tăng trưởng đang chậm lại.   

Tín hiệu mới

Thị trường bất động sản suy giảm là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP trong năm 2014 của Trung Quốc giảm. Có nhiều yếu tố giải thích cho con số tăng trưởng GDP trên đà giảm của nước này: thị trường bất động sản đang suy giảm với số lượng tồn kho cao, một số ngành sản xuất đang đối mặt với việc giảm sản lượng, xuất khẩu không tăng mạnh…

Tuy vậy, nếu xét nhiều khía cạnh cụ thể, con số tăng trưởng 7,4% vẫn cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng mà không cần quá nhiều nỗ lực từ phía chính phủ. Có ba yếu tố chứng minh cho nhận định trên.

Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc trong năm 2009 phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, trong bối cảnh tiêu dùng vẫn giữ ở mức thấp. Hai năm sau đó, tình hình vẫn không mấy khả quan hơn khi tổng vốn cố định chiếm 48,3% trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, lớn hơn con số khoảng 40% của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan ở thế kỷ trước khi cả hai nền kinh tế này đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa.

Thứ hai, vì ngành dịch vụ cần nhiều lao động đã chiếm tỷ trọng cao hơn, Bắc Kinh đang làm khá tốt trong việc tạo ra việc làm với 13,2 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm 2014, tăng mạnh so với con số 12 triệu trong năm 2007.

Thứ ba, thu nhập của người lao động Trung Quốc ghi nhận mức tăng khá ổn với 8% trong năm 2014 sau khi chính phủ kiểm soát được lạm phát. Cụ thể, thu nhập của người dân nông thôn trung bình tăng lên 9,2%, còn thu nhập của người dân đô thị tăng 6,8%. Điều này cũng kéo mức chênh lệch thu nhập thành thị - nông thôn giảm đáng kể, xuống chỉ còn 2,9 – 1 trong năm ngoái so với mức 3,3 – 1 cách đây 6 năm. Nhờ đó, Trung Quốc có thể thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội.

Nếu không kể cả các yếu tố trên, kinh tế Trung Quốc vẫn cho thấy khá nhiều tín hiệu lạc quan. Với tổng sản lượng kinh tế trong năm 2014 đã cán mốc 10.000 tỷ USD, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đạt được điều này (chỉ sau Mỹ vào năm 2000). Nếu tính theo tỷ giá hối đoái hiện tại, tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc lên đến con số 10.300 tỷ USD, cao hơn gấp 5 lần con số 1.900 tỷ USD cách đây một thập niên.

Tuy mức độ tăng trưởng GDP có giảm so với kỳ vọng, nhưng lạm phát ổn định cũng lạc quan hóa bức tranh kinh tế. Nhìn chung, dù Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, các con số trên cùng những chính sách cải tổ đang được tiến hành vẫn có thể cho thấy kết quả về lâu dài.