Trung Quốc siết chặt an ninh tài chính

Theo daibieunhandan.vn

An ninh tài chính là bộ phận thiết yếu của an ninh quốc gia. Đó là tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn quốc về công tác tài chính lần thứ 5 diễn ra cuối tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lập cơ quan điều tiết, quản lý

Ông Tập Cận Bình khẳng định, an ninh tài chính là một phần không thể tách rời của an ninh quốc gia, trong đó ngành tài chính cần hỗ trợ tốt hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh việc kiên trì triển khai các chính sách tiền tệ một cách thận trọng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cần đẩy mạnh vai trò quản lý chính sách vĩ mô, bao gồm cả thúc đẩy cải cách tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) và thị trường ngoại hối, cũng như tiếp tục lộ trình quốc tế hóa NDT.

Theo đó, ông Tập Cận Bình nhận định việc hạn chế các rủi ro trong hệ thống tài chính trị giá 40.000 tỷ USD của nước này mang tầm “quan trọng chiến lược”.

Khẳng định tài chính là “máu và túi tiền” của nền kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh thiết lập một cơ quan siêu điều tiết nắm sức mạnh điều phối các hoạt động giám sát, quản lý ổn định tài chính. Cơ quan này có tên Ủy ban Ổn định và Phát triển tài chính, hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ trên cơ sở phối hợp với PBOC.

Chi tiết về chức năng của Ủy ban mới chưa được tiết lộ nhưng chức năng của PBOC và 3 cơ quan điều tiết hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm vẫn giữ nguyên. Diễn biến này cho thấy, giới chức Bắc Kinh đã nhìn nhận ra không ít vấn đề với ngành tài chính và quyết tâm lập lại trật tự.

Kiên quyết xóa doanh nghiệp “thây ma”

Về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, ông Tập Cận Bình yêu cầu PBOC xác định rõ trách nhiệm trong trường hợp không kịp thời ngăn chặn và xử lý rủi ro tài chính; đồng thời nhấn mạnh tăng cường hiệu quả trong cơ chế kiểm soát và giám sát việc thực thi quy định Nhà nước về quản lý tài chính.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước phải giảm quy mô nợ nần; kiên quyết xóa bỏ cái gọi là doanh nghiệp “thây ma”, vốn là những doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả lãi phát sinh từ các khoản nợ nhưng lại được cứu sống nhờ tín dụng lãi suất thấp. “Cắt giảm đòn bẩy tại các doanh nghiệp nhà nước nằm trong số những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng” - Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Theo ông Rajiv Biswas - chuyên gia kinh tế nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn tài chính Singapore HIS Markit, những tuyên bố trên của người đứng đầu Trung Quốc cho thấy nguy cơ đang ngày càng tăng đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính và nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề này.

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay của PBOC và Ủy ban chuyên trách là giữ ổn định các khoản nợ xấu nằm trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, quản lý những rủi ro đến từ tín dụng đen và những món nợ khổng lồ của các tập đoàn nhà nước”.

Động thái này được cho là nỗ lực của người đứng đầu chính quyền Trung Quốc nhằm bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế trước thềm quá trình chuyển giao quyền lực, sẽ diễn ra tại Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc mùa thu năm nay.

Tuy nhiên, theo phân tích của bà Helen Qiao, chuyên gia kinh tế tại Bank of America: “Thay vì được tổ chức vào đầu năm như mọi khi, thực tế là hội nghị lần này bị trì hoãn đến tháng 7 cho thấy phải tới gần đây, Bắc Kinh mới đạt được sự đồng thuận nhất định”.

Kể từ năm 1997, Hội nghị Toàn quốc về công tác tài chính tổ chức định kỳ 5 năm/lần, được giới chuyên môn đánh giá là có vai trò định hướng cho những cải cách trong lĩnh vực tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.